BỆNH PHẨM TAI, MẮT, MŨI, XOANG
VÀ CẤY BỆNH PHẨM TAI, MẮT, MŨI, XOANG
1. CHỈ ĐỊNH
- Các bệnh phẩm tai, mắt, mũi, xoang được chỉ định lấy trước các trường hợp viêm cấp tính hay mạn tính các vùng tai, mắt, mũi, xoang.
- Cụ thể là viêm tai ngoài cấp tính, viêm tai giữa cấp hay mạn tính, viêm xoang cấp hay mạn tính, viêm mũi cấp hay mạn tính, viêm kết mạc cấp hay mạn tính.
2. THỜI ĐIỂM LẤY BỆNH PHẨM
Tốt nhất là trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh hệ thống hay tại chỗ.
3. CÁCH LẤY BỆNH PHẨM
3.1. Trường hợp viêm tai ngoài
- Nếu chưa rõ mủ, sát trùng da bằng cồn 70%, chờ khô, sau đó chọc hút hay rạch lấy mủ cho vào tube vô trùng (tube nắp vàng vô trùng hay tube Eppendorf biopure). Nếu đã vỡ mủ, lau sạch mủ rồi dùng tăm bông vô trùng ép nặn mủ thấm vào tăm bông (dùng tăm bông vô trùng lấy mẫu). Các mẫu mủ lấy không có môi trường chuyên chở phải gửi ngay đến phòng thí nghiệm để yêu cầu cấy ngay.
- Thích hợp nhất là dùng tăm bông thấm hay lấy mủ cho vào môi trường chuyên chở (dùng cặp tube đũa tăm bông vô trùng / tube đũa Stuart –Amies hay cặp tube đũa tăm bông mảnh vô trùng / tube đũa Stuart –Amies) lấy hay thấm mủ. Mủ lấy ra, có thể cho vào lọ hay tube nắp chặt vô trùng, gửi ngay đến phòng thí nghiệm. Trong trường hợp chậm trễ thì cho vào tube môi trường chuyên chở Stuart –Amies rồi gửi đến phòng thí nghiệm.
3.2. Trường hợp viêm tai giữa
- Nếu cấp tính và chưa vỡ mủ, bác sĩ chuyên khoa lấy qua chọc hút xuyên màng nhĩ cho vào tube vô trùng (tube nắp vàng vô trùng hay tube Eppendorf biopure). Nếu đã vỡ mủ hay chảy mủ mạn tính, lau sạch mủ vùng tai ngoài rồi dùng tăm bông vô trùng thấm mủ vào tăm bông (dùng tăm bông vô trùng lấy mẫu hay tốt nhất dùng tăm bông mảnh vô trùng). Các mẫu mủ lấy không có môi trường chuyên chở phải gửi ngay đến phòng thí nghiệm để yêu cầu cấy ngay …
- Thích hợp nhất là dùng tăm bông thấm hay lấy mủ cho vào môi trường chuyên chở (dùng cặp tube đũa tăm bông vô trùng / tube đũa Stuart –Amies hay cặp tube đũa tăm bông mảnh vô trùng / tube đũa Stuart –Amies) lấy hay thấm mủ. Mủ lấy ra, có thể cho vào lọ hay tube nắp chặt vô trùng, hay thấm vào tăm bông vô trùng rồi cho vào tube bắp chặt vô trùng, gửi ngay đến phòng thí nghiệm. Trong trường hợp chậm trễ thì cho vào tube môi trường chuyên chở Stuart – Amies rồi gửi đến phòng thí nghiệm.
3.3. Trường hợp viêm xoang
- Nếu cấp tính thì lấy quệt mũi sau hay quệt mủ khe giữa. Để lấy quệt mũi sau, bác sĩ chuyên khoa dùng kẹp nong mũi bệnh nhân rồi lấy quệt mũi sau bằng một tăm bông nhỏ, cọng mềm (tăm bông mănhr vô trùng), luồn từ lỗ mũi qua vách mũi trước và mũi sau, đưa sâu vào trong cho đến khi cản lại là hầu. Để lấy quệt mủ khe giữa cần phải lấy qua nội soi tai mũi họng. Quệt mũi sau và quệt mủ khe giữa được cho vào tube vô trùng hay vào môi trường chuyên chở Stuart – Amies rồi gửi đến phòng thí nghiệm (dụng cụ thích hợp nhất để lấy mẫu như vậy là cặp tube đũa tăm bông mảnh vô trùng / tube đũa Stuart – Amies).
- Nếu mạn tính, lấy mẫu thử là mẫu sinh thiết hay dịch rửa xoang bằng nước muối sinh lý không có chất sát trùng. Mảnh sinh thiết hay dịch rửa được cho vào lọ vô trùng (dùng lọ vô trùng lấy mẫu) hay tube vô trùng (tube Eppendorf biopure) rồi gửi ngay đến phòng thí nghiệm.
3.4. Trường hợp viêm mũi
- Bác sĩ chuyên khoa lấy quệt mũi sau hay quệt mủ khe giữa rồi gửi đến phòng thí nghiệm.
- Quệt mũi trước chỉ được lấy để khảo sát tình trạng mang vi khuẩn S. pneumoniae, H. influenzae ở các bệnh nhân trẻ em bị nhiễm trùng hô hấp cấp. Ngoài ra, quệt mũi trước còn được lấy để điều tra tình trạng người lành mang S. aureus. Dụng cụ thích hợp nhất để lấy quệt mũi trước là dùng cặp tube đũa tăm bông vô trùng / tube đũa Stuart – Amies.
3.5. Trường hợp viêm kết mạc mắt
- Bệnh phẩm là quệt mủ kết mạc mắt được bác sĩ chuyên khoa lấy bằng kỹ thuật vô trùng.
- Dụng cụ thích hợp nhất để lấy mẫu là cặp tube đũa tăm bông vô trùng / tube đũa Stuart –Amies hay cặp tube đũa tăm bông mảnh vô trùng / tube đũa Stuart –Amies.
4. CÁC VI KHUẨN GÂY BỆNH CÓ THỂ TÌM THẤY TRONG BỆNH PHẨM
4.1. Các trường hợp viêm xoang, mũi cấp tính và mạn tính
- S. pneumoniae
- H. influenzae
- M. catarrhalis
- Các Streptococci tan huyết β
- S. aureus
- Klebsiella và các vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae
- Vi khuẩn kỵ khí (Bacteroides và các vi khuẩn khác)
4.2. Trường hợp viêm tai giữa cấp
- S. pneumoniae và các Streptococci khác
- H. influenzae
- M. catarrhalis
4.3. Trường hợp viêm tai giữa mạn tính
- P. aeruginosa
- Proteus spp
- Các vi khuẩn kỵ khí
- Các vi khuẩn khác, hiếm gặp
4.4. Trường hợp viêm kết mạc mắt cấp tính hay mạn tính
- Haemophilus spp
- Moraxella spp
- N gonorrhoeae
- S. aureus
- S. pneumoniae
- S. pyogenes
- P. aeruginosa
- Các vi khuẩn khác: hiếm gặp
5. KHẢO SÁT TRỰC TIẾP
- Làm phết nhuộm gram (sau khi tiến hành nuôi cấy nếu bệnh phẩm chỉ là một que tăm bông).
- Ghi nhận sự hiện diện các vi khuẩn trong mẫu và trả lời sơ bộ cho bác sĩ lâm sàng.
6. TIẾN HÀNH NUÔI CẤY
6.1. Cấy phân lập trên các hộp thạch phân lập, tối thiểu là
- Thạch máu (BA) thường BA có nalidixic acid (BANg).
- Có thể thêm BAGe (thạch máu có gentamicin chọn lọc các vi khuẩn Pneumococci và Streptococci).
- Thạch nâu chọn lọc H. influenzae (CAHI).
- Thạch chọn lọc trực khuẩn Gram (-) dễ mọc (EMB hay MC).
- Có thể thêm thạch nâu chọn lọc Neisseria (CATM) khi có yêu cầu.
- Có thể thêm Sabouraud Dextrose Agar có hay không có kháng sinh để cấy chọn lọc vi nấm.
Các hộp thạch BA, BAGe, CAHI, CATM phải ủ trong bình nến, các hộp thạch khác ủ khí trường bình thường. Tất cả để trong tủ ủ 35 – 37[sup]0[/sup]C và quan sát mỗi ngày trong liên tiếp 3 ngày.
6.2. Các nhóm mọc trên hộp thạch phân lập đều phải tiến hành định danh và làm kháng sinh đồ
7. CẤY BỆNH PHẨM TAI, MẮT, MŨI, XOANG – CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
7.1. Trước bệnh nhân bị viêm mũi, lâm sàng có khi lấy bệnh phẩm bằng tăm bông cho vào mũi rồi quệt lấy dịch mũi xanh hay vàng chảy ra từ mũi bệnh nhân để làm xét nghiệm vi sinh; cách lấy bệnh phẩm này có giá trị không?
- Với cách lấy bệnh phẩm trên thì chúng ta chỉ lấy được quệt mũi trước và như vậy thì có thể bệnh phẩm này bị ngoại nhiễm với vi khuẩn thường trú vùng mũi trước như H. influenzae, S. pneumoniae và S. aureus mà các vi khuẩn này cũng rất có thể là tác nhân gây viêm mũi hay viêm xoang một khi lan từ nơi thường trú sang xoang hay mũi sau. Chính vì vậy kết quả cấy các bệnh phẩm này không thể khẳng định được tác nhân phân lập được có phải là tác nhân gây bệnh hay không.
- Vậy thì bệnh phẩm nào là thích hợp nhất trên các bệnh nhân bị viêm mũi?
Cũng như trong viêm xoang cấp, bệnh phẩm thích hợp nhất phải là các quệt mủ lấy từ khe giữa của mũi hay là quệt mũi sau. Các bệnh phẩm này không thể lấy được bằng các que tăm bông thông thường vì không thể tránh khỏi bị đụng vào mũi trước khi lấy mẫu. Phương tiện thích hợp nhát để lấy được quệt mủ khe giữa và mủ quệt mũi sau phải là các que tăm bông mảnh làm bằng sợi nhôm. Với que tăm bông này, lâm sàng có thể dễ dàng lấy mẫu quệt mủ khe giữa hay quệt mũi sau qua nội soi hay que kẹp nong lỗ mũi, tránh chạm vào mũi trước.
7.2. Vì sao tại nhiều bệnh viện, kết quả vi sinh lâm sàng các bệnh phẩm lấy từ tai mắt mũi xoang thường cho kết quả âm tính hay không phù hợp với hiệu quả điều trị kháng sinh trên bệnh nhân?
- Có thể kết quả âm tính thật sự do bệnh nhân đã điều trị kháng sinh trước làm cho các vi khuẩn không thể phân lập được do đã bị tiêu diệt bởi kháng sinh hay đã lẩn trốn trong các vị trí sâu hơn, cũng có thể tác nhân không phải vi khuản mà là các tác nhân khác.
- Những nguyên nhân khác làm kết quả âm tính là có thể liên quan đến vấn đề kỹ thuật như lấy và chuyên chở bệnh phẩm, quan trọng nhất là bệnh phẩm sau khi lấy không cho vào môi trường chuyên chở và khi đến phòng thí nghiệm lại không được cấy ngay trong khi đó đa số các tác nhân gây bệnh đường tai mắt mũi xoang lại là các tác nhân rất khó mọc như H. influenzae, S. pneumoniae và M. catarrhalis. Ngoài ra một nguyên nhân khác rất thường gặp tại các bệnh viện chúng ta hiện nay là phòng thí nghiệm chỉ dùng các môi trường tự pha chế thông thường như thạch máu người và thạch Mac Conkey hay thậm chí chỉ dùng thạch dinh dưỡng thường (Nutrient Agar) mà không dùng các thạch phân lập thích hợp nhất cho các bệnh phẩm lấy từ tai mắt mũi xoang như thạch máu cừu và thạch CAXV để phân lập được các vi khuẩn rất thường gặp nhưng khó mọc nêu trên.
- Nguyên nhân làm cho có sẹ khác biệt giữa kết quả vi sinh với hiệu quả điều trị kháng sinh trên bệnh nhân có thể là do vi khuẩn phân lập được không phải là vi khuẩn gây bệnh mà chỉ là các vi khuẩn thường trú vùng mũi trước, vùng tai ngoài … và nguyên nhân thường là vì lâm sàng lấy bệnh phẩm bị tạp nhiễm với các vùng này do dùng phương tiện lấy mẫu không thích hợp như đã đề cập ở phẩn trên; hay cũng có thể vi khuẩn phân lập được chỉ là vi khuẩn tạm trú trong bệnh phẩm ví dụ vi khuẩn tạm trú trong mủ tai ngoài, mủ xoang hay mủ tai giữa chảy vào tai ngoài… và để giải quyết được nguyên do này lâm sàng cần phải chùi sạch mủ ở các vùng trên và chỉ lấy mủ mới chảy ra hay mới nặn ra.
7.3. Xin cho biết làm thế nào để có thể lấy bệnh phẩm từ các loét giác mạc?
- Lấy bệnh phẩm từ các loét giác mạc đòi hỏi phải sử dụng một cây nạo bằng kim loại để nạo được vết loét cho vào ống môi trường BHI bổ sung XV rồi mới chuyển về phòng thí nghiệm. Nếu không có cây nạo này, lâm sàng có thể dùng que tăm bông mảnh vô trùng quệt lấy mủ từ vết loét cho vào ống BHI – XV.
- Tại phòng thí nghiệm, ống BHI- XV được ủ trong tủ ấm 35 – 37[sup]0[/sup]C trong 6 giờ hay qua đêm để hôm sau cấy phân lập tiếp lên các môi trường phân lập như đã hướng dẫn trong qui trình. Ống BHI – XV vẫn phải được tiếp tục ủ trong tủ ấm và theo dõi liên tục trong 7 ngày để phát hiện vi khuẩn hay vi nấm mọc nếu lần phân lập đầu không có vi khuẩn mọc.
- Trong trường hợp nghi tác nhân gây bệnh là nấm, thì các nạo hay quệt mủ vết loét phải được cấy ngay trên môi trường Sabouraud Agar bên cạnh việc tăng sinh trong ống BHI – XV.