06-14-2012, 11:09 AM
QUI TRÌNH THU THẬP, VẬN CHUYỂN VÀ BẢO QUẢN MẪU BỆNH PHẨM VI KHUẨN HÔ HẤP
1. Phạm vi áp dụng: nhân viên y tế các cấp.
2. Nguyên lý:
- Chất lượng mẫu bệnh phẩm có tính quyết định kết quả chẩn đoán xét nghiệm (chất lượng phụ thuộc vào phương pháp thu thập mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu).
- Thể loại bệnh phẩm tuỳ thuộc bệnh cảnh lâm sàng.
- Cách thức bảo quản bệnh phẩm phụ thuộc tác nhân đích của chẩn đoán xét nghiệm dự kiến.
3. Các loại bệnh phẩm:
Loại phổ biến:
- Đờm
- Dịch hút tỵ hầu
-Tăm bông ngoáy họng
- Tăm bông ngoáy tỵ hầu
Loại can thiệp (khi cần thiết):
- Dịch hút nội khí quản (dịch tiết phế quản, phế nang)
- Sinh thiết nội khí quản
- Máu
- Dịch não tủy
4. Dụng cụ, trang thiết bị
- Trang phục bảo hộ: mũ, khẩu trang, kính, áo, quần, găng tay, bao giầy.
- Dây nhựa mềm (catheter) có đường kính 1OFG để lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch đường hô hấp dưới.
- Tăm bông vô trùng.
- Tăm bông ngoáy tỵ hầu.
- Đè lưỡi
- Đèn pin.
- Ống nghiệm 15ml có nắp xoáy ngoài.
- Đĩa Petri (d = 90mm).
- Pipet chia vạch.
- Máy hút chân không áp lực thấp.
- Bơm kim tiêm vô khuẩn (loại 5-10ml).
- Bông vô khuẩn, cồn iodine.
- Nước muối sinh lý.
5. Môi trường vận chuyển
- Môi trường thương mại (có sẵn): môi trường Stuart, Amies (BD BBL)
- Môi trường tự pha phù hợp với từng loại vi khuẩn (canh thang dinh dưỡg có 2% glucose cho những vi khuẩn gây bệnh thông thường, canh thang PPLO, Sucrose-phosphate cho Mycoplasma và Clamydia…)
6. Phương pháp tiến hành
6.1. Đờm:
- Đối tượng: trẻ lớn, người lớn.
- Áp dụng: chẩn đoán những vi khuẩn chỉ có mặt khi gây bệnh đường hô hấp (các mycobacteria – M. tuberculosis; Legionella spp; nấm lưỡng hình...), hoặc giúp định hướng chẩn đoán tác nhân vi khuẩn gây bệnh dựa trên sự chênh lệch về số lượng khi cấy đếm.
- Thời điểm lấy: sáng sớm (mới ngủ dậy).
- Cách lấy: vỗ rung, khạc sâu, có thể dùng liệu pháp kích thích khạc đờm.
- Bảo quản: đựng trong hộp sạch vô trùng, xử lý ngay hoặc giữ ở nhiệt độ 40C-80C (refrigerator) trong vòng 6h, tuỳ từng loại vi khuẩn có thể giữ trong vòng 24h.
Với mục đích phân lập Mycoplasma, Chlamydia , bệnh phẩm phải được giữ ở 40C hoặc – 700C (tốt nhất).
6.2. Tăm bông ngoáy họng:
- Đối tượng:trẻ lớn, người lớn.
- Áp dụng:
+ Phát hiện viêm họng do lậu cầu (gonococcal spp), liên cầu (vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A [S. pyogenes];
+ Phát hiện vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae; các vi rut đường hô hấp và vi rut đường ruột.
Hoặc :
+ Phát hiện người lành mang vi khuẩn có khả năng gây bệnh hoặc bệnh dịch như N. meningitidis.
+ Có thể giúp định hướng chẩn đoán tác nhân vi khuẩn gây bệnh dựa trên sự chênh lệch về số lượng khi cấy đếm.
- Thời điểm: ngay sau khi khám lâm sàng và trước khi dùng kháng sinh.
- Cách lấy: đè lưỡi bằng dụng cụ đè lưỡi sạch, sử dụng tăm bông vô khuẩn tẩm ướt với nước muối sinh lý miết lên thành sau họng, hai hốc amidan.
Lưu ý: không chạm vào lưỡi, răng, 2 mặt trong của má.
- Bảo quản: tăm bông ngoáy họng phải được cấy ngay lên môi trường nuôi cấy hoặc được cắm vào môi trường vận chuyển phù hợp việc phân lập tác nhân vi khuẩn đích và giữ ở nhiệt độ 40C hoặc - 700C (cho Mycoplasma/ Chlamydia). Nếu giữ ở nhiệt độ âm sâu nên có thêm 20% glycerol trong môi trường bao quản.
6.3. Tăm bông ngoáy tỵ hầu:
- Đối tượng: trẻ nhỏ.
- Áp dụng:
+ Phát hiện người lành mang vi khuẩn Neisseria meningitidis, Streptococcus pyogenes,
+ Phát hiện Corynebacterium diphtheriae và Bordetella pertussis gây bệnh bạch hầu và ho gà.
+ Định hướng xác định căn nguyên vi khuẩn thông thường gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp dựa trên số cấy đếm (đối với trẻ nhỏ < 5 tuổi) trong giai đoạn nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
- Thời điểm lấy: ngay sau khi khám lâm sàng, trước khi dùng kháng sinh.
- Cách lấy:
+ Giữ trẻ ở tư thế khám tai mũi họng,
+ Sử dụng loại tăm bông chuyên biệt (thép mảnh nhỏ, mềm đàn hồi, không gỉ, không dễ bị gãy…) và vô trùng.
+ Độ sâu đưa tăm bông vào = ½ khoảng cách từ cánh mũi đến tai, song song với vòm họng.
+ Đưa đến độ sâu thích hợp, vê nhẹ và rút ra.
Lưu ý: không được cố đưa tăm bông vào sâu trong mũi nếu có vật cản.
- Bảo quản: giống như với tăm bong ngoáy họng, tăm bông ngoáy tỵ hầu phải được cấy ngay lên môi trường nuôi cấy hoặc được cắm vào môi trường vận chuyển phù hợp việc phân lập tác nhân vi khuẩn đích và giữ ở nhiệt độ 40C hoặc - 700C (cho Mycoplasma/ Chlamydia).
6.4. Dịch hút tỵ hầu:
- Đối tượng: trẻ nhỏ.
- Áp dụng: dịch hút tỵ hầu được sử dụng với mục đích như với tăm bông ngoáy tỵ hầu.
- Thời điểm: ngay sau khi khám lâm sàng, trước khi dùng kháng sinh.
- Cách lấy:
+ Giữ trẻ ở tư thế khám tai mũi họng,
+ Dịch tỵ hầu được thu thập vào 1 ống nghiệm có cấu tạo đặc biệt gồm 2 đường dẫn (một đường là dây dẫn mềm - catheter và 1 đường gắn chặt vào bơm chân không): đưa catheter vào mũi theo một đường song song với vòm miệng tới điểm giữa khoảng cách từ cánh mũi tới dái tai cùng bên, khởi động bơm chân không và nhẹ nhàng vừa xoay tròn vừa rút catheter ra.
+ Sau khi dịch tỵ hầu đã được thu thập, catheter được hút rửa bằng 3ml môi trường vận chuyển bệnh phẩm (nếu chưa xử lý ngay bệnh phẩm cho công việc chẩn đoán).
- Bảo quản: dịch hút tỵ hầu phải được cấy ngay lên môi trường nuôi cấy.
hoặc được cắm vào môi trường vận chuyển phù hợp việc phân lập tác nhân vi khuẩn đích và giữ ở nhiệt độ 40C hoặc - 700C (cho Mycoplasma/ Chlamydia).
6.5. Dịch hút nội khí quản (dịch tiết phế quản, phế nang)
- Ưu điểm:
+ Phát hiện chính xác các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Nhược điểm:
+ Là biện pháp can thiệp mạnh nên cần có đủ điều kiện về dụng cụ, thiết bị, kỹ năng kỹ thuật.
6.6. Bệnh phẩm khác
Có thể cần lấy thêm máu để nuôi cấy trong trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính có sốt cao liên tục hoặc có hội chứng nhiễm trùng máu rõ ràng.
Máu phải được lấy và cấy ngay vào canh thang cấy máu trong một qui trình kín vô trùng. Với mục đích phát hiện vi khuẩn ở máu bằng nuôi cấy, máu phải được cấy thẳng vào canh thang ngay sau khi lấy.
Cách lấy: dùng bơm kim tiêm vô khuẩn lấy ít nhất 3ml máu tĩnh mạch (trẻ nhỏ), 5ml đến 10ml (người lớn) cho ngay vào bình canh thang não-tim (Brain-Heart Infusion) hay Trypticasein soy có bổ xung 5% Fildes enrichment (BD BBL) hay 5% máu động vật, hoặc đơn giản hơn chỉ thêm glucose 2%, thêm 0,025% SPS (sodium polyanethole sulfonate – một chất chống tạo áo máu, chống đông tụ) và có thể thêm chất resins (có tác dụng hấp phụ các chất diệt khuẩn hay kháng sinh có trong máu bệnh nhân). Cấy theo tỷ lệ 1 phần máu 10 phần canh thang, hoặc sử dụng chai cấy máu do các Hãng thương mại pha chế sẵn (BACTEC Plus).
Việc pha loãng máu trong canh thang nuôi cấy theo tỷ lệ 1/10 có tác dụng làm giảm các chất ức chế vi khuẩn hoặc kháng sinh có trong máu bệnh nhân.
Chú ý: kim lấy máu nên được nối trực tiếp vào bình môi trường qua một ống cao su hay plastic vô khuẩn. Sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn iodine.
7. Nguyên tắc chung trong phương pháp bảo quản bệnh phẩm
- Giữ trong môi trường vận chuyển:
►Môi trường thương mại: Modified Stuart hoặc Amies (Becton Dickinson)
dành cho đa số những vi khuẩn thông thường.
►Môi trường tự chuẩn bị:
*Canh thang thường có/không bổ sung chất dinh dưỡng và thêm 20% glycerol.
*Môi trường sucrose-phosphate hoặc PPLO bbổ sung penicillin: cho Mycoplasma và Chlamydia.
- Nhiệt độ: tuỳ thuộc từng loại vi khuẩn đích (nhiệt độ từ 4-80C có thể áp dụng cho đại đa số vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp nếu như không có điều kiện xử lý sớm bệnh phẩm ngay sau khi thu thập, nhưng với bệnh phẩm chứa vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) phải được giữ ở nhiệt độ từ 28-300C, hoặc bệnh phẩm chứa Mycoplasma pneumoniae phải giữ ở nhiệt độ -700C).
- Đóng gói bệnh phẩm: Bệnh phẩm phải được đóng gói trước khi vận chuyển, bảo đảm không dễ đổ, vỡ, phát tán tác nhân gây bệnh . . . trong quá trình vận chuyển.
+ Đóng chặt các tube chứa bệnh phẩm, bọc từng tube bệnh phẩm bằng giấy thấm, buộc chặt.
+ Bọc ra ngoài các túi bệnh phẩm bằng giấy thấm hoặc bông thấm nước có chứa chất tẩy trùng (cloramine B), đặt gói bệnh phẩm vào túi nilon thứ 2, buộc chặt.
+ Các phiếu thu thập, xét nghiệm bệnh phẩm được đóng gói chung vào túi nilon cuối cùng, buộc chặt, chuyển vào hộp bảo ôn.
- Vận chuyển bệnh phẩm: Bệnh phẩm được vận chuyển tới phòng thí nghiệm bằng đường bộ, đường không. ...thời gian ngắn nhất tính từ thời điểm thu thập bệnh phẩm.
8. Kiểm soát chất lượng:
- Người lấy bệnh phẩm phải được tập huấn thành thạo việc lấy và đóng gói bệnh phẩm.
- Loại bệnh phẩm được lấy phù hợp với mục đích xét nghiệm.
- Bệnh phẩm được bảo quản và vận chuyển đúng qui định.
- Cần lưu ý những điều kiện về nhiệt độ, pH, độ ẩm, thời gian lưu giữ có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và/hoặc số lượng của vi khuẩn đích cần phát hiện trong bệnh phẩm.
- Phải có hồ sơ đi kèm bệnh phẩm.
9. Các yêu cầu về an toàn
Tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học cho người thực hiện và môi trường làm việc:
- Người thực hiện trong quá trình lấy mẫu phải có quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay y tế.
- Các dụng cụ lấy mẫu và đựng mẫu phải được ngâm trong dung dịch khử trùng ngay sau khi thực hiện hoặc bỏ ngay vào túi rác chuyên dụng.
- Lau dọn vệ sinh khử trùng khu vực lấy mẫu bệnh phẩm bằng hóa chất thích hợp ngay sau khi kết thúc.
- Việc đóng gói vận chuyển mẫu theo đúng qui định về an toàn sinh học đối với các mẫu sinh học nguy hiểm của quốc tế, đảm bảo không dễ đổ, rơi vỡ làm ô nhiễm môi trường ngoại cảnh.
10. Chất thải phát sinh và phương pháp xử lý (tóm tắt)
-Bệnh phẩm và/hoặc chất đựng bệnh phẩm, dụng cụ lấy mẫu dùng 1 lần: sau khi xét nghiệm xong phải được cho vào thùng khử trùng chuyên dụng để khử trùng trước khi thải bỏ.
- Môi trường nuôi cấy bệnh phẩm: sau khi đã có kết quả phân lập phải được tập trung vào các thùng đựng chuyên dụng để hấp sấy khử trùng.
11. Tài liệu tham khảo:
1. Isenberg Henry D., Washington John A., Doern Gary V., and Amsterdam Daniel (1991) Specimen Collection and Handling. Manual of Clinical Microbiology, Fifth Edition, Chapter 3, p( 15- 28).
2. Rausch Merrily, Joy G Remley. (2000) General Concepts in Specimen Collection and Handling. Textbook of Diagnostic Microbiology. Second Edition, p: 237-255.
PGS. TS. Phan Lê Thanh Hương
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương