05-30-2021, 02:12 AM
Nội kiểm Huyết học (nội kiểm xét nghiệm tế bào máu) là quy trình thường quy tại các phòng xét nghiệm. Qua kết quả nội kiểm sẽ đảm bảo được sự tin cậy cho các kế quả xét nghiệm. Việc thực hiện phân tích mẫu nội kiểm huyết học trên lý thuyết khá đơn giản, tương tự như phân tích mẫu bệnh nhân. Tuy nhiên, qua thực tếquan sát tại các PXN chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đềsai sót xảy ra khi phân tích mẫu nội kiểm.
Do vậy, trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày một số lưu ý khi phân tích mẫu nội kiểm huyết học. Hy vọng sau khi đọc xong các PXN sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm, tránh những sai sót đáng tiếc.
1. Lựa chọn vật liệu nội kiểm huyết học phù hợp
Khác với các xét nghiệm hóa sinh-miễn dịch, mẫu nội kiểm huyết học có đặc thù riêng. Đây là các mẫu máu giả được các nhà sản xuất tạo lên. Thông thường các mẫu này do chính nhà sản xuất thiết bị tạo ra. Nó sẽ phù hợp với công nghệ phân tích của hãng máy đó. Điều này lý giải tại sao mẫu nội kiểm của hãng thiết bị A không thể phân tích trên thiết bị của hãng B.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà các nhà sản xuất thiết bị sẽ tạo ra các mẫu QC tối ưu nhất cho máy của mình. Việc này vô tình sẽ làm kết quả nội kiểm không đánh giá được chính xác các lỗi đang xảy ra với thiết bị, nhất là khi phân tích trên nền mẫu bệnh nhân thực.
Do vậy, chúng tôi vẫn khuyến cáo nên dùng mẫu nội kiểm của bên thứ 3 độc lập. Nhưng như chúng tôi đã chia sẻ, hiện có rất ít nhà sản xuất mẫu nội kiểm huyết học bên thứ 3. Do công nghệ của các hãng máy khác nhau, mẫu nội kiểm bên thứ 3 sản xuất ra có thể phù hợp với hãng A, nhưng chưa chắc phù hợp với hãng B. Hiện tại vẫn có một số nhà sản xuất nội kiểm bên thứ 3 mà các bạn có thể tham khảo để sử dụng như: Bio-rad, Randox hay R&D...
2. Cần đủ 3 mức nồng độ của mẫu nội kiểm
Mẫu nội kiểm huyết học cần đủ 3 mức nồng độ là thấp, trung bình và cao. Việc này sẽ kiểm soát được kết quả máy trả ra ở cả 3 khoảng nồng độ: bất thường thấp, bình thường và bất thường cao. Tuy nhiên, do vấn đề kinh tế nên nhiều PXN hiện nay chỉ thực hiện nội kiểm ở 1 mức hoặc 2 mức nồng độ. Khi làm như vậy sẽ không kiểm soát được toàn bộ các kết quả máy đã trả. Ví dụ bạn chỉ QC mức trung bình, máy phân tích và cho ra kết quả rất tốt. Nhưng bạn lại hoàn toàn không biết ở nồng độ khác máy có cho ra kết quả đúng không? Vì thế hãy thực hiện QC ở đủ cả 3 mức nồng độ.
3. Thời hạn sử dụng của mẫu nội kiểm huyết học
- Thời hạn sử dụng của mẫu nội kiểm huyết học là rất quan trọng. Bạn không bao giờ được sử dụng các mẫu nội kiểm đã hết hạn. Do thời hạn sử dụng của các mẫu QC huyết học khá ngắn (khoảng 3 tháng) nên nhiều khi nhập về đến PXN đã gần hết hạn. PXN tiếc mẫu nên cố phân tích khi nó đã hết hạn. Chúng tôi nhắc lại là kết quả khi đó hoàn toàn không còn đáng tin cậy.
- Tuân thủ thời hạn sau mở nắp. Ngoài thời hạn bảo quản chung thì các mẫu QC huyết học còn có thời hạn dùng sau mở nắp. Thông thường dao động từ 7-14 ngày. Chúng ta cần hiểu thời gian mở nắp chính là thời gian bắt đầu sử dụng ống QC đó, chứ không phải thời gian dùng sau khi mở cái nắp ống ra. Vì có những hệ thống máy tự động không bao giờ mở nắp ống khi xét nghiệm.
Tại sao cần có thời hạn này. Các mẫu QC huyết học hàng ngày chúng ta thường bảo quản ở 2-4oC trong tủ mát. Khi lấy ra dùng thì lại để về nhiệt độ phòng. Chính điều này làm biến đổi chất lượng của mẫu QC chứ không phải do việc mở nắp ống. Như vậy, quy tắc để sử dụng mẫu QC huyết học là dùng thêm từ 7-14 ngày (tùy từng hãng sx QC) sau lần chạy đầu tiên.
4. Tuân thủ quy trình bảo quản mẫu QC huyết học
Mẫu QC huyết học cần được bảo quản ở 2-4oC. Do vậy, hàng ngày ngay sau khi phân tích xong cần nhanh chóng bảo quản mẫu QC. Khi bảo quản trong tủ lạnh cũng nên chọn 1 vị trí nhất định, nơi có nhiệt độ ổn định nhất. Cần để ống QC theo tư thế thẳng đứng. Nếu có điều kiện bảo quản trong dụng cụ tránh ánh sáng. Nếu bảo quản không tốt, mẫu sẽ bị hỏng và kết quả QC sẽ không còn kiểm soát được nữa.
5. Tuân thủ thời gian để mẫu ổn định trước khi phân tích
Như đã trình bày ở trên, các mẫu huyết học đươc bảo quản ở 2-4oC trong tủ mát. Sau khi lấy mẫu ra ngoài cần để đủ thời gian để mẫu về nhiệt độ phòng. Thông thường sẽ mất khoảng 10-15' để mẫu về được nhiệt độ phòng. Không bao giờ được phân tích mẫu nội kiểm khi mẫu còn lạnh. Khi mẫu lạnh, các thành phần trong mẫu có thể bị co cụm hoặc kết dính, điều này sẽ làm kết quả nội kiểm không chính xác. Đặc biệt không được tăng tốc độ làm ấm mẫu bằng cách cho vào nồi cách thủy hay tủ ấm. Làm như vậy sẽ làm mẫu bị biến tính nhanh hơn. Hãy để mẫu tự ổn định về nhiệt độ phòng bằng cách để ở môi trường PXN trong khoảng thời gian quy định (ít nhất 10-15').
6. Tuân thủ việc lắc trộn mẫu trước khi phân tích.
Việc lắc trộn đều mẫu trước khi phân tích là đặc biệt quan trọng. Các mẫu để trong tủ lạnh, tế bào sẽ lắng xuống. Trước khi phân tích cần lắc trộn thật đều bằng tay. Tối thiểu cần đảo ống mẫu ít nhất 20 lần trước khi cho vào máy phân tích. Hãy đảo bằng cách lật ngược ống mẫu thật chậm. Mỗi lần dốc ngược ống mẫu và trả lại tư thế cũ được tính là 1 lần đảo ống. Một sai lầm mà nhiều PXN mắc phải là không lắc mẫu bằng tay trước khi phân tích vì cho rằng khi vào trong máy sẽ tự lắc trộn. Máy có thể tự lắc trộn nhưng chừng đó là chưa đủ cho những mẫu đã bảo quản lâu trong tủ mát. Việc lắc đủ số lần bằng tay trước khi đưa vào máy là hết sức cần thiết.
7. Vệ sinh nắp ống trước và sau khi phân tích
Các nắp ống thường cấu tạo bằng cao su. Sau nhiều lần kim hút mẫu chọc qua có thể làm rò rỉ mẫu QC ra ngoài. Khi đó cần vệ sinh sạch sẽ nắp ống bằng cách dùng giấy không có xơ để lau. Chú ý không dùng bông để lau vì các sợi bông bám lại trên nắp ống có thể làm tắc hoặc bán tắc kim hút mẫu.
8. Xem xét kỹ kết quả nội kiểm sau phân tích
Điều này nhằm đảm bảo không có các vi phạm nội kiểm trước khi phân tích mẫu bệnh nhân. PXN cần áp dụng các quy tắc westgard với đơn và đa quy tắc trong phân tích kết quả. Tuy nhiên, do QC huyết học sử dụng 3 mức nồng độ nên việc phân tích, đánh giá quy tắc westgard là tương đối khó khăn. Nó đòi hỏi cán bộ xét nghiệm phải có kiếm thức rất chắc về westgard. Để hỗ trợ phát hiện các vi phạm này 1 cách chính xác nhất, chúng tôi cung cấp phần mềm QUANGLAB-IQC. Phần mềm sẽ cho phép áp dụng đánh giá cả đơn và đa quy tắc, cho phép kết hợp 2 mức, 3 mức QC. Hiện nay trên thị trường có rất ít giải pháp cho đánh giá đa quy tắc với 3 mức QC. Phần mềm QUANGLAB-IQC của chúng tôi là 1 trong số ít có thể làm được điều này. Ngoài ra, phần mềm còn rất nhiều tính năng hay ho khác chờ các bạn khám phá. Nếu các bạn có nhu cầu sử dụng phần mềm này, hãy tham khảo bài viết sau:
Trên đây là 8 lưu ý khi thực hiện phân tích mẫu nội kiểm cho huyết học tế bào. PXN của bạn có đang thực hiện nội kiểm huyết học không? Các bạn có gặp khó khăn hay có kinh nghiệm gì cần chia sẻ không? Hãy cho chúng tôi biết bằng cách gửi phản hồi phía dưới bài viết này.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ.
Hotline: 0913.334.212Cao Văn Tuyến/ 0978.336.115.
Nguyễn Văn Quang/ 0981.109.635.
Email: chatluongxetnghiem@gmail.com