03-23-2012, 10:22 AM
XÉT NGHIỆM MẦM BỆNH KÝ SINH TRÙNG TRONG RAU XANH
1. MỤC TIÊU:
1. Nêu đựơc nguyên lý của kỹ thuật.
2. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hoá chất để tiến hành kỹ thuật.
3. Tiến hành thành thạo quy trình. nhận định kết quả đúng.
2. NỘI DUNG:
2.1 Phương pháp lấy mẫu
- Tùy theo từng loại rau có thể lấy mẫu từ 100-1000gam. Nói chung mẫu có trọng lượng lớn thì chính xác hơn.
- Đối với một mẫu rau nên lấy ở nhiều nơi dể đánh giá tình trạng ô nhiễm ở một ruộng rau thì phải lấy nhiều mẫu ở các vị trí khác nhau.
- Nếu là các loại quả nên quả còn xanh (cà chua..)
- Mỗi mẫu rau đựng vào một túi nilon, có nhãn ghi các nội dung: ngày lấy, nơi ấy, vị trí, những đặc điểm của khu vực lấy mẫu nghiên cứu (trong dâm, ngoài nắng, sau trận mưa...)
- Rau lấy về cần xét nghiệm ngay, để lâu rau sẽ ủng, thối khó xét nghiệm.
2.2. Các phương pháp xét nghiệm
2.2.1. Phương pháp Vaxinkova
- Ngâm mẫu rau cần xét nghiệm vào bô can nước sạch, thời gian từ 12-24 giờ
- Lần lượt rửa toàn bộ rau
- Thu hồi toàn bộ số lượng nước ngâm và rửa, rồi lọc bằng thiết bị và giấy lọc Goldmann (kỹ thuật lọc nước), xét nghiệm mầm bệnh ký sinh trùng.
2.2.2. Phương pháp Romanenko
- Đối với những loại rau nhỏ, dùng bình thủy tinh nút mài, miệng rộng để rửa. Cho rau vào bình đổ nước sạch vào 1/2-2/3 bình. Ngâm rau ở trong nước từ 12-16 giờ. Nâng bình lắc từ 5-10 phút để rau được rửa trong bình. Lấy rau ra rửa lại bằng nước sạch. Thu hồi toàn bộ lượng nước đã rửa rau. Đựng vào bình thủy tinh hình trụ có dung tích 2-2,5 lít. Để lắng sau 6 giờ, lấy phần nước ở dưới ly tâm lấy cặn. Nếu lượng cặn ít xét nghiệm toàn bộ tìm ký sinh trùng. Nếu lượng cặn nhiều thì xét nghiệm theo phương pháp xét nghiệm đất.
- Đối với những loại rau lớn, dùng chậu để rửa. Xếp rau vào chậu thành lớn, đổ nước vào ngập rau. Ngâm rau ở trong nước từ 12-16 giờ, sau đó tiếp tục rửa rau. Thu hồi toàn bộ nước, ly tâm lấy cặn như trên.
2.2.3. Phương pháp Stivel
- Thái nhỏ tất cả rau trong mẫu cần xét nghiệm. Đưa rau đã thái vào bô can đựng nước sạch, quấy đều sau vớt rau ra, thu hồi toàn bộ nước. Đổ nước sạch vào bô can, rửa lại lần thứ hai, lần ba, kỹ thuật như trên. Thu hồi toàn bộ nước của ba lần rửa để lắng sau 6 giờ, gạn lấy nươc ở phần dưới đem ly tâm, lấy cặn xét nghiệm mầm bệnh ký sinh trùng.
2.2.4. Phương pháp Đặng Văn Ngữ
- Đổ nước sạch vào bô can thủy tinh đưa từng lá của mẫu rau cần xét nghiệm vào bô can để rửa. Rửa kỹ từng lá từ cuống đến ngọn, rửa mặt trên, mặt dưới. Rửa hết số lá trong mẫu rau cần xét nghiệm. Mỗi mẫu rau cần rửa từ 2-4 lần. Sau đó thu hồi tất cả số nước ở các lần rửa. Để lắng sau 6 giờ. Gạn lấy phần nước ở dưới đem ly tâm, lấy cặn xét nghiệm mầm bệnh ký sinh trùng. Hoặc để lắng tự nhiên sau 24 giờ lấy cặn xét nghiệm mầm bệnh ký sinh trùng.
- Nếu số cặn nhiều, làm nổi trứng theo phương pháp xét nghiệm đất.
2.2.5. Phương pháp K61 (Trịnh Trọng Phụng và CS, 1997)
- Dùng bình xịt nước để rửa rau (dùng bình xịt nhựa tưới cây). Đổ nước sạch vào bình, dùng tay bóp ra các tia nước nhỏ dể rửa từng lá rau từ cuống đến ngọn, rửa mặt trước mật sau lá. Cứ thế lần lượt rửa hết số rau trong mẫu cần xét nghiệm. Dùng cốc có chân loại 100ml để hứng nước rửa lá. Tiếp tục rửa lại toàn bộ số rau làn thứ hai và lần thứ 3 (kỹ thuật như trên). Thu hồi toàn bộ số nước của 3 lần rửa, để lắng sau 6 giờ, gạn lấy nước ở phần dưới đem ly tâm lấy cặn tìm mầm bệnh ký sinh trùng. Hoặc để lắng tự nhiên sau 24 giờ lấy cặn xét nghiệm mầm bệnh ký sinh trùng. Nếu số lượng cặn nhiều, làm nổi trứng theo phương pháp xét nghiệm đất.