04-09-2013, 11:08 PM
XÁC ĐỊNH SỰ CÓ MẶT CỦA KHÁNG ĐÔNG
LƯU HÀNH ĐƯỜNG NỘI SINH
LƯU HÀNH ĐƯỜNG NỘI SINH
1. Nguyên lý
Thời gian một xét nghiệm đông máu kéo dài do: hoặc thiếu hụt một hay nhiều yếu tố đông máu hoặc sự có mặt của chất kháng đông lưu hành.
Nguyên lý phát hiện kháng đông lưu hành dựa vào khả năng bù của các yếu tố đông máu. Thời gian đông của hỗn hợp 1 thể tích huyết tương bình thường và 1 thể tích huyết tương của bệnh nhân thiếu hụt 1 hay nhiều yếu tố đông máu sẽ gần bằng thời gian đông của huyết tương bình thường. Trái lại, thời gian đông của hỗn hợp 1 thể tích huyết tương bình thường và 1 thể tích huyết tương của bệnh nhân có chất kháng đông lưu hành sẽ kéo dài gần bằng thời gian đông của huyết tương bệnh nhân.
2. Chuẩn bị
2.1. Dụng cụ:
- Ống nghiệm, pipet, nồi cách thủy, máy ly tâm
2.2. Hóa chất:
- Natri citrat 3,8%
- Cephalin – Kaolin
- CaCl2 M/40
- Huyết tương chứng
2.3. Bệnh nhân:
- Không sử dụng các thuốc chống đông.
3. Tiến hành
- Lấy máu, chống đông bằng natricitrat 3,8% theo tỉ lệ 1/10
- Ly tâm tách huyết tương nghèo tiểu cầu
- Pha hỗn hợp huyết tương chứng và huyết tương bệnh theo tỉ lệ 1:1
- Chuẩn bị 3 ống nghiệm, đánh số 1,2,3
- Ống 1 cho 0,1 ml hỗn hợp huyết tương bệnh nhân và huyết tương chứng
- Ống 2 cho 0,1 ml huyết tương chứng
- Ống 3 cho 0,1 ml huyết tương bệnh nhân
- Thêm vào mỗi ống 0.1 ml Cephalin – Kaolin ủ 37oC/ 3 phút.
- Thêm 0,1 ml CaCl2 M/40 vào ống 1, bấm đồng hồ. Lắc tới 9s, quan sát màng đông và ghi kết quả.
- Khảo sát ống 2 và 3 tương tự. Ghi kết quả.
4. Kết quả:
Khi thấy kết quả thời gian đông của mẫu huyết tương hỗn hợp chứng và bệnh gần với thời gian đông của huyết tương bệnh chứng tỏ sự có mặt của các chất kháng đông lưu hành.
Chỉ số Rosner: = {[APTT(bệnh+chứng) – APTT(chứng)] x 100} / APTT(bệnh)
Đánh giá kết quả:
< 12: kháng đông nội sinh (-)
12 – 15: kháng đông nội sinh nghi ngờ.
> 15: Kháng đông nội sinh (+)
- Có các chất kháng đông các yếu tố: VIII, IX, XI, XII
Các chất kháng đông nội sinh bao gồm:
+ Antithrombin III (AT III): kháng XIIa, XIa, IXa, Kallinkrein ...
+ α1 –Antitypsin: kallikrein, XIa
+ Chất ức chế C1: kallikrein, XII, XIa
+ Protein C, Protein S: VIIIa
+ Kháng thể kháng yếu tố VIII
+ Kháng thể kháng yếu tố IX
+ Chất ức chế trong bệnh Lupus ban đỏ: gây tủa phospholipid
Ngoài ra còn một số yếu tố khác như: nexin protease 1, α2 – Macroglobulin
5. Các yếu tố ảnh hưởng kết quả xét nghiệm:
- Chất lượng cephalin – kaolin
- Huyết tương chứng tập hợp của ít hơn 10 người.