04-09-2018, 03:59 PM
PHẢN ỨNG HÒA HỢP CÓ SỬ DỤNG KHÁNG GLOBULIN NGƯỜI
(KỸ THUẬT ỐNG NGHIỆM)
I. NGUYÊN LÝ
Phản ứng hòa hợp có sử dụng kháng globulin người bằng kỹ thuật ống nghiệm được dựa trên nguyên lý của phản ứng ngưng kết trong môi trường 37°C và có sử dụng thuốc thử kháng globulin người (Huyết thanh Coombs) để phát hiện sự có mặt của các kháng thể đồng loài có trong huyết thanh của người bệnh mà đã được gắn lên hồng cầu của đơn vị máu [1], [2], [3].
II. CHỈ ĐỊNH
Xét nghiệm phản ứng hòa hợp có sử dụng kháng globulin người được chỉ định trong trường hợp: người bệnh được chỉ định truyền máu toàn phần, khối hồng cầu, khối bạch cầu [5].
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sỹ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng trung học.
2. Phương tiện
2.1.Trang thiết bị:
Máy ly tâm thường có số vòng chính xác; kính hiển vi; bình cách thủy; tủ
lạnh...
2.2. Dụng cụ
Ông nghiệm thuỷ tinh: 12x75mm; giá cắm ống nghiệm; khay men hình chữ nhật: 25x30 cm; cốc thuỷ tinh có mỏ loại 500 ml; bút maker; pipet nhựa.
2.3. Thuốc thử và hoá chất
Kháng globulin người loại IgG; hồng cầu chứng, dung dịch nước muối sinh lý 0,09%...
2.4. Mau máu của người bệnh
Máu tĩnh mạch của người bệnh, gồm hai ống: ống chống đông bằng EDTA: 2 ml và ống không chống đông: 5 ml;
Mẫu máu của đơn vị máu để truyền cho người bệnh.
2.5. Vật tư tiêu hao
Sổ phát máu và chế phẩm máu; Phiếu dự trù máu của các khoa lâm sàng; phiếu truyền máu; mũ giấy; khẩu trang; găng tay; quần áo công tác.
3. Thời gian làm xét nghiệm: 60 phút.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Chuẩn bị dụng cụ, hoá chất, sinh phẩm, trang thiết bị đầy đủ trước khi làm xét nghiệm;
2. Nhận mẫu máu và phiếu dự trù máu của khoa lâm sàng, kiểm tra và đối
chiếu các thông tin trên mẫu máu của người bệnh với phiếu dự trù máu. Kiểm tra về số lượng và chất lượng mẫu máu, mẫu máu của đơn vị máu và người bệnh phải đảm bảo không bị đông dây, không bị vỡ hồng cầu;
3. Tiến hành xét nghiệm phản ứng hòa hợp có sử dụng kháng globulin người:
Bước 1: Ly tâm ống máu không chống đông của người bệnh với tốc độ 2000 vòng/phút trong vòng 3 phút để tách huyết thanh;
Bước 2: Chọn đơn vị khối hồng cầu của người cho phù hợp nhóm máu hệ ABO và Rh (D) với người bệnh;
Bước 3: Chuẩn bị 1 ống nghiệm sạch, khô, ghi đầy đủ thông tin của đơn vị máu của người cho lên ống nghiệm để lấy hồng cầu từ dây túi máu của đơn vị túi máu;
Bước 4: Pha hồng cầu người cho 5% trong môi trường nước muối sinh lý (1 thể tích hồng cầu khối của người cho và 19 thể tích nước muối sinh lý);
Bước 5: Chuẩn bị một ống nghiệm sạch, khô, ghi nhãn với đầy đủ thông tin của người bệnh và đơn vị túi máu;
Bước 6: Nhỏ 1 thể tích hồng cầu của người cho 5% vào ống nghiệm đã được ghi nhãn ở trên;
Bước 7: Thêm 2 thể tích huyết thanh người bệnh vào ống nghiệm trên và trộn đều;
Bước 8: Ủ ống nghiệm trên ở bình cách thủy 37oC trong vòng 30 phút, nếu thêm 2 giọt đệm LISS vào ống nghiệm trước khi ủ thì thời gian ủ được rút ngắn chỉ còn 15 phút;
Bước 9: Sau khi ủ, ly tâm ống nghiệm trên với tốc độ 1000 vòng/phút trong vòng 20 giây;
Bước 10: Đọc kết quả bằng mắt thường và kính hiển vi ở điều kiện 37oC;
Bước 11: Ghi kết quả vào sổ kết quả phản ứng hòa hợp;
Bước 12: Sau khi đọc kết quả ở nhiệt độ 37oC, rửa hồng cầu trong ống nghiệm trên 3 lần bằng nước muối sinh lý, lấy kiệt dịch nổi sau mỗi lần rửa;
Bước 13: Kết thúc lần rửa cuối, nhỏ 2 giọt AHG vào ống nghiệm trên;
Bước 14: Ly tâm ống nghiệm trên với tốc độ 1000 vòng/phút trong vòng 20 giây;
Bước 15: Đọc kết quả bằng mắt thường và kính hiển vi. Đọc kết quả theo hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm;
Bước 16: Nếu kết quả âm tính thì nhỏ thêm 1 giọt hồng cầu chứng vào ống nghiệm trên (để kiểm chứng chất lượng của kháng globulin người), trộn đều, ly tâm với tốc độ 1000 vòng/phút trong vòng 20 giây. Đọc kết quả bằng mắt thường và kính hiển vi, kết quả phải dương tính với mức độ từ 1+ đến 2+, nếu kết quả âm tính, phải lặp lại xét nghiệm từ bước 1;
Bước 17: Ghi kết quả phản ứng hòa hợp có sử dụng kháng globulin người vào sổ phát máu và chế phẩm máu.
VI. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
- Kết quả phản ứng hòa hợp ở điều kiện kháng globulin người âm tính: Máu của người cho và người nhận hòa hợp, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để phát đơn vị máu cho người bệnh;
- Kết quả phản ứng hòa hợp ở điều kiện kháng globulin người dương tính: Máu của người cho và người nhận không hòa hợp, thông báo cho bác sỹ lâm sàng, tư vấn cho bác sỹ lâm sàng chỉ định xét nghiệm lựa chọn đơn vị máu phù hợp để truyền cho người bệnh.
Những điểm cần chú ý khi làm xét nghiêm:
1. Thực hiện kiểm chứng theo quy định của thông tư 26/ 2013/TT- BYT về Hướng dẫn hoạt động truyền máu [4].
2. Đọc kỹ và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm;
3. Cần thực hiện kỹ thuật sớm sau khi lấy mẫu máu. Mẫu máu sau khi thực hiện kỹ thuật phải được lưu giữ theo đúng quy định tại [4].
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Denise M Harmening (1999) Modem blood banking and transfusion practices, fourth edition, Book Promotion & Service Co., LTD.
2. Đỗ Trung Phấn (2013), Kỹ thuật xét nghiệm huyết học và truyền máu ứng dụng trong lâm sàng (Tái bản lần 2), Nhà xuất bản y học năm 2013.
3. Geoff Daniels and Imelda Bromilow (2009), Essential Guide to Blood Groups, Blackwell.
Thông tư 26/2013/TT- BYT đã được ban hành ngày 16/9/2013 về Hướng dẫn hoạt động truyền máu.
Nguồn: Quyết định 3336/QĐ-BYT ngày 20/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Huyết học - Truyền máu - Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử.