05-11-2021, 04:25 PM
PHẪU THUẬT MỞ BỤNG
CẮT TỬ CUNG HOÀN TOÀN VÀ HAI PHẦN PHỤ
I. ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối tử cung
bao gồm thân tử cung, cổ tử cung, vòi tử cung, buồng trứng. Tuy nhiên cũng có
những trường hợp cắt tử cung hoàn toàn để lại một hoặc hai phần phụ.
II. CHỈ ĐỊNH
1. Bệnh lý liên quan đến sản khoa
- Hầu hết trong phẫu thuật cấp cứu sản khoa thường có chỉ định cắt tử cung bán phần, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt phải có chỉ định cắt tử cung hoàn toàn.
- Rau tiền đạo trung tâm, rau bám chặt xuống sâu tận cổ tử cung gây chảy máu mà thắt động mạch hạ vị không cầm máu được.
- Thai ở cổ tử cung bị sẩy, chảy máu, sau khi can thiệp các thủ thuật như khâu, đốt nhiệt mà không có kết quả.
- Nhiễm trùng sau phẫu thuật lấy thai lan tới buồng tử cung đã bị rách phức tạp.
2. Bệnh lý liên quan đến phụ khoa
- Một số bệnh lý tiền ung thư và ung thư của bộ phận sinh dục (cổ tử cung, tử
cung, vòi tử cung, buồng trứng, rau, chửa trứng lớn tuổi…)
- Những khối u lành tính ở tử cung có chỉ định cắt tử cung nhưng cổ tử cung
không bình thường (tổn thương lành tính hoặc nghi ngờ cổ tử cung)
III. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sỹ : 01 bác sỹ mổ chính, 02 bác sỹ phụ
- Điều dưỡng: 01 dụng cụ viên, 01 phụ dụng cụ
- Kỹ thuật viên: 01 Bác sỹ vô cảm: 01. Phụ gây mê, vô cảm : 01
2. Phương tiện
Bộ dụng cụ cắt tử cung
3. Người bệnh
Chuẩn bị như các trưởng hợp mổ có chuẩn bị, được vệ sinh thụt tháo và sử dụng an thần trước mổ.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Thì 1: Mở thành bụng
Thường sử dụng đường rạch Pfannenstiel, đối với trường hợp cấp cứu hoặc
khó khăn thì sử dụng đường trắng giữa dưới rốn.
2. Thì 2: Cắt các dây chằng
Kẹp và cắt dây chằng thắt lưng – buồng trứng, tử cung – vòi tử cung và các cuống mạch, cắt dây chằng tròn hai bên, cắt hai lá dây chằng rộng. Khâu lại các cuống mạch và mỏm cắt.
3. Thì 3: Tách và cắt phúc mạc tử cung- bàng quang
- Dùng kéo mở phúc mạc ngang với chỗ bám di động ở eo tử cung và cắt
ngang trước đoạn dưới tử cung.
- Dùng gạc đẩy phúc mạc xuống sâu, giúp đẩy bàng quang ra trước, bộc lộ cổ
tử cung và túi cùng âm đạo trước.
4. Thì 4: Cắt dây chằng tử cung – cùng và phúc mạc mặt sau.
- Kéo tử cung ra trước, bộc lộ hai dây chằng tử cung – cùng và mặt sau cổ tử
cung.
- Cắt hai dây chằng tử cung – cùng gần chỗ bám ở cổ tử cung
- Tách phúc mạc sau vòng quanh cổ tử cung phía trên và đẩy xuống ngang mức cắt âm đạo.
5. Thì 5: Cặp các cuống mạch đi vào tử cung
- Cặp các động mạch tử cung từng bên. Cắt và khâu cuống mạch
- Cặp nhánh động mạch cổ TC, cắt và khâu cuống mạch.
6. Thì 6: Cắt âm đạo
- Tay trái phẫu thuật viên kéo mạnh tử cung lên trên, tay phải dùng kéo mở
cùng đồ trước hoặc cùng đồ sau.
- Dùng kẹp thẳng cặp mép trước âm đạo để giữ.
- Tiếp tục cắt vòng quanh sát với chỗ bám âm đạo và cổ tử cung từ phía trước sang phải, ra sau và qua trái.
7. Thì 7: Đóng âm đạo
Dùng kim cong và chỉ tiêu khâu qua lớp tổ chức dưới niêm mạc và niêm mạc
âm đạo bằng mũi khâu vắt hoặc mũi rời chữ X.
8. Thì 8: Phủ phúc mạc tiểu khung
Lau bụng và kiểm tra ổ bụng, kiểm tra niệu quản
9. Thì 9:Đóng thành bụng
V. BIẾN CHỨNG
1. Trong phẫu thuật
- Chảy máu: do buộc chỉ lỏng hay bị tuột chỉ mỏm cắt và cuống mạch.
- Nhiễm trùng: ở vết mổ hoặc mỏm cắt.
- Tổn thương bàng quang: do khâu chọc vào bàng quang, cắt vào bàng quang do
đẩy phúc mạc tử cung – bàng quang không tốt.
- Thắt hoặc cắt vào niệu quản: do dính hoặc thắt động mạch cổ tử cung – âm
đạo quá xa bờ ngoài cổ tử cung.
2. Sau phẫu thuật
- Tạo thành khối máu tụ
- Tắc mạch vùng hố chậu hoặc tĩnh mạch chi dưới
- Dò bàng quang
Nguồn tài liệu
- Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013.