02-07-2018, 10:39 AM
PHÁT HIỆN CHẤT ỨC CHẾ PHỤ THUỘC THỜI GIAN VÀ NHIỆT ĐỘ
ĐƯỜNG ĐÔNG MÁU NỘI SINH
(Intrinsic coagulation pathway inhibitor with time and temperature dependence)
I. NGUYÊN LÝ
Xét nghiệm APTT (Actived Partial Thromboplastin Time) giúp đánh giá các yếu tố tham gia đường đông máu nội sinh. Xét nghiệm APTT kéo dài có thể do 1 trong 2 nguyên nhân chính sau:
- Do thiếu một hoặc nhiều yếu tố tham gia đường đông máu nội sinh.
- Do có chất ức chế (phụ thuộc thời gian và nhiệt độ) một hoặc nhiều yếu tố tham gia đường đông máu nội sinh.
Tiến hành xét nghiệm APTT với mẫu huyết tương trộn theo tỷ lệ 1:1 giữa huyết tương người bệnh và huyết tương bình thường (huyết tương “chứng”). Nếu:
- APTT của mẫu huyết tương trộn điều chỉnh về bình thường nghĩa là APTT của người bệnh kéo dài do thiếu hụt một hoặc nhiều yếu tố đông máu.
- APTT của mẫu trộn (sau khi ủ 37oC trong 2h) không điều chỉnh về bình thường nghĩa là APTT của người bệnh kéo dài do có chất ức chế phụ thuộc thời gian và nhiệt độ đường đông máu nội sinh.
II. CHỈ ĐỊNH
- Là xét nghiệm cần tiến hành tiếp theo khi kết quả xét nghiệm APTT kéo dài.
- Theo dõi điều trị người bệnh có chất ức chế phụ thuộc thời gian và nhiệt độ đường đông máu nội sinh.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: 1 kỹ thuật viên xét nghiệm;
1 bác sĩ duyệt kết quả.
2. Phương tiện, hóa chất:
- Tủ lạnh;
- Máy ly tâm;
- Bình cách thủy 37C;
- Máy đông máu bán tự động/tự động;
- Đồng hồ bấm giây;
- Bơm tiêm nhựa lấy máu;
- Bông cồn sát trùng, dây garo;
- Ống nghiệm tan máu kích thước 75 x 9,5mm;
- Ống nghiệm plastic có chống đông citrat natri 3,2% hoặc 3,8%;
- Pipette 100 - 1000µl;
- Nước cất;
- Hóa chất xét nghiệm APTT (tùy theo loại máy xét nghiệm đông máu);
- Normal pool plasma.
3. Người bệnh
Không cần chuẩn bị gì đặc biệt.
4. Hồ sơ bệnh án
Chỉ định xét nghiệm được ghi trong bệnh án; Giấy chỉ định xét nghiệm ghi đầy đủ thông tin về người bệnh: họ tên, tuổi, giường bệnh, khoa phòng, chẩn đoán.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Garo, sát trùng, lấy 2ml máu tĩnh mạch của người bệnh và 2ml máu tĩnh mạch của người làm chứng bình thường - huyết tương “chứng” (nếu không có mẫu chứng thương mại - Normal pool plasma);
- Trộn đều máu với chất chống đông citrate natri 3,2% hoặc 3,8% theo tỷ lệ 1 thể tích chống đông trộn với 9 thể tích máu;
- Ly tâm mạnh để thu huyết tương nghèo tiểu cầu của người bệnh và chứng;
- Tiến hành xét nghiệm APTT đồng thời với 3 mẫu huyết tương trong cùng điều kiện:
+ Mẫu 1: huyết tương “chứng”;
+ Mẫu 2: huyết tương bệnh;
+ Mẫu 3: huyết tương hỗn hợp “bệnh + chứng” (tỷ lệ 1:1).
- Ghi thời gian đông của cả 3 mẫu.
- Ủ cả 3 mẫu trên trong 2 giờ trong bình cách thủy 37oC.
- Tiến hành xét nghiệm APTT đồng thời với cả 3 mẫu đã ủ trong cùng điều kiện:
+ Mẫu 1: huyết tương “chứng”;
+ Mẫu 2: huyết tương bệnh;
+ Mẫu 3: huyết tương hỗn hợp “bệnh + chứng” (tỷ lệ 1:1).
- Ghi thời gian đông của 3 mẫu sau khi ủ.
VI. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
- APTT của hỗn hợp “bệnh + chứng” trước và sau ủ 37oC/2h có điều chỉnh về bình thường: kháng đông phụ thuộc thời gian và nhiệt độ đường đông máu nội sinh âm tính.
- APTT của hỗn hợp “bệnh + chứng” trước ủ 37oC/2h điều chỉnh về bình thường và sau ủ 37oC/2h không điều chỉnh về bình thường: kháng đông phụ thuộc thời gian và nhiệt độ đường đông máu nội sinh dương tính.
- Ghi kết quả vào giấy xét nghiệm;
- Ghi ngày, tháng, năm tiến hành xét nghiệm.
- Bác sỹ nhận định kết quả ký tên vào vị trí người duyệt kết quả xét nghiệm.
VII. NGUYÊN NHÂN SAI SÓT
- Mẫu máu bị đông, để >4h từ khi lấy máu đến khi làm xét nghiệm.
- Mẫu huyết tương “chứng” không đảm bảo chất lượng;
- Mẫu huyết tương hỗn hợp “bệnh + chứng” không đảm bảo tỷ lệ.
- Các mẫu huyết tương bệnh, chứng, hỗn hợp “bệnh + chứng” không được tiến hành xét nghiệm APTT cùng thời điểm, cùng hóa chất.
- Thời gian ủ mẫu chưa đủ.
- Nhiệt độ bình cách thủy không đủ 37oC.
Nguồn: Quyết định 2336/QĐ-BYT ngày 20/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Huyết học - Truyền máu - Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử.