05-31-2013, 11:53 PM
C-peptid
NHẮC LẠI SINH LÝ
C-peptid (peptid de connection) kết nối các chuỗi A và B của Insulin trong phân tử proinsulin. Proinsulin được chuyển thành insulin ở các tế bào bêta của tụy. C-peptid (một polypeptid bất hoạt) là sản phẩm phụ của sự chuyển đổi này. Insulin và peptid C được giải phóng với lượng tương đương vào tuần hoàn, vì vậy nồng độ C-peptid có mối tương quan với nồng độ insulin nội sinh và không bị tác động do dùng insulin ngoại sinh (không chứa C-peptid).
MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM
Để đánh giá hoạt động chức năng của các tế bào bêta đảo tụy, nhất là ở các bệnh nhân bị ĐTĐ được điều trị bằng insulin.
CÁCH LẤY BỆNH PHẨM
- Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn 8 – 10h trước khi lấy máu xét nghiệm.
- Do xét nghiệm định lượng đơn độc C-peptid ít có giá trị. C-peptid có thể được định lượng:
+ Sau một kích thích sinh lý: lấy máu định lượng C-peptid lúc đói và sau một bữa điểm tâm 90 – 120 phút.
+ Sau một kích thích bằng thuốc: lấy máu định lượng C-peptid trước và sau khi tiêm 1 mg glucagon: để đánh khả năng bài xuất insulin nội sinh tồn dư ở bệnh nhân đái tháo đường.
GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG
0,5 – 2,0 ng/mL hay 0,17 – 0,67 mmol/L.
TĂNG NỒNG ĐỘ C – PEPTID
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- Các khối u tiết insulin
- Khối u các tế bào đảo tụy.
- Ghép tụy.
- Suy thận.
GIẢM NỒNG ĐỘ C-peptid
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- ĐTĐ phụ thuộc Insulin.
- Giảm đường huyết do quá liều Insulin.
- Sau cắt tụy.
CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
- Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
- Nồng độ C-peptid có thể không tương ứng với nồng độ insulin nội sinh ở các bệnh nhân bị béo phì hay có khối u tế bào đảo tụy.
- Tình trạng suy thận do giảm bài xuất C-peptid sẽ gây tình trạng tăng giả tạo nồng độ C-peptid trong huyết tương.
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ C-peptid: thuốc hạ đường huyết nhóm sulfonylureas.
LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG C-peptid
Đo nồng độ C-peptid là một xét nghiệm hữu ích để:
- Xác định nồng độ insulin nội sinh (đánh giá khả năng tiết insulin nội sinh còn lại) ở các bệnh nhân ĐTĐ được điều trị bằng insulin, đo nồng độ C-peptid không bị tác động khi dùng insulin ngoại sinh.
- Xác định hạ đường huyết do bị tiêm insulin không nhằm mục đích điều trị (vd: nhằm mục đích đầu độc – hạ đường huyết giả tạo): trong trường hợp này sẽ thấy nồng độ insulin máu tăng cao trong khi nồng độ C-peptid thấp.
- Để xác định sự hiện diện của một khối u tiết insulin: được chỉ dẫn bằng sự gia tăng cả nồng độ insulin và nồng độ C-peptid.
- Theo dõi sự tái phát của các khối u tiết insulin: được chỉ dẫn bằng gia tăng nồng độ C-peptid.
Nguồn: Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng - Nhà xuất bản Y học 2012