03-22-2013, 09:41 AM
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Prealbumin (còn có tên là transthyretin) là một protein giàu tryptophan, có khối lượng phân tử 55.000 dalton, được sản xuất bởi gan. Chức năng của prealbumin là gắn và vận chuyển 30-50% các protein gắn retinol và một phần nhỏ thyroxine (T4) [3]. Prealbumin có thời gian bán hủy (half-life) trong máu nhanh (2 ngày) hơn nhiều so với albumin (20 ngày), vì vậy nó là một dấu ấn được sử dụng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân nhạy hơn so với albumin [1]. Prealbumin thường được sử dụng để giúp các thầy thuốc phát hiện và chẩn đoán suy dinh dưỡng protein-năng lượng (protein-calorie malnutrition) ở những bệnh nhân có các triệu chứng suy dinh dưỡng, nhập viện với bệnh mãn tính, bệnh nặng, ung thư, đa chấn thương, bỏng nặng, trẻ em có biểu hiện suy dinh dưỡng,…[2, 5, 7].
Hiện tại, mức độ prealbumin huyết tương định lượng trên Hệ thống Cobas 6000 - c501, đã được thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
1. Chỉ định
- Khi bệnh nhân có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ thiếu hụt protein-năng lượng như: sụt cân, trẻ em chậm phát triển, nhiễm khuẩn, rụng tóc, da khô, cơ thể yếu, dễ ngất xỉu, phụ nữ trẻ tự nhiên mất kinh, nhịn đói trên 5 ngày,...
- Có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật.
- Khi bệnh nhân đang được điều trị một bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng như ung thư, đa chấn thương, viêm tụy hoặc bỏng nặng (trên 30%).
- Có thể chỉ định định kỳ ở bệnh nhân có prealbumin thấp để đánh giá hiệu quả điều trị.
- Có thể được chỉ định để giám sát những thay đổi trong tình trạng dinh dưỡng ở những bệnh nhân đang điều trị lọc máu (thận nhân tạo) [4].
- Cũng có thể được chỉ định một mình hoặc kết hợp với một số xét nghiệm khác như albumin và transferrin để đánh giá tình trạng dinh dưỡng [2, 5, 6].
2. Ý nghĩa lâm sàng
Nồng độ prealbumin huyết tương phản ánh hiện trạng của dinh dưỡng của một người. Nếu nồng độ prealbumin thấp, protein và các chất dinh dưỡng khác trong máu cũng có thể là thấp.
Bình thường, nồng độ prealbumin ở người khỏe mạnh là từ 15 đến 35 mg/dL[1].
Các mức độ prealbumin huyết tương gây nguy cơ suy dinh dưỡng có thể được đánh giá như sau:
11-15 mg/dL: nguy cơ suy dinh dưỡng tăng (increased risk of malnutrition)
5-10,9 mg/dL: nguy cơ suy dinh dưỡng cao (high risk)
< 5 mg/L: suy dinh dưỡng nặng, tiên lượng nghèo (poor prognosis) [1].
2.1. Nồng độ prealbumin huyết tương có thể giảm trong các bệnh sau:
- Các bệnh bệnh mãn tính, nghiện rượu hoặc ung thư.
- Cường giáp
- Bệnh gan
- Nhiễm khuẩn
- Một số rối loạn tiêu hóa có thể gây mất protein
- Thiếu hụt kẽm (Zinc deficiency)
- Cũng có thể gặp trong viêm. Khi bệnh nhân vừa bị viêm vừa bị suy dinh dưỡng, mức độ prealbumin có thể nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp.
- Ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, một mức độ prealbumin ban đầu thấp dự đoán nguy cơ cao về các biến chứng và sự giảm đều đặn mức độ prealbumin huyết tương liên quan đến tiên lượng thấp [4].
- Việc sử dụng các loại thuốc như amiodarone, estrogen và thuốc tránh thai có thể làm giảm mức độ prealbumin.
Chú ý: Khi chỉ định prealbumin để theo dõi hiệu quả điều trị suy dinh dưỡng, các dấu hiệu cho thấy việc cung cấp dinh dưỡng là phù hợp khi: mức độ prealbumin tăng 2 mg/dL/ngày và mức độ prealbumin trở về bình thường trong 8 ngày. Cần phải điều trị dinh dưỡng tăng cường nếu mức độ prealbumin tăng không quá 4 mg/dL trong 8 ngày [1].
2.2. Nồng độ prealbumin huyết tương có thể tăng trong các bệnh sau:
- Cường tuyến thượng thận.
- Điều trị corticosteroid (cortisol, cortisone, prednisolone, các androgen, ...) liều cao [1].
- Sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (aspirin, pyramidon, indometacin, piroxicam,…) liều cao.
- Bệnh Hodgkin.
- Suy thận.
Tóm lại, prealbumin là một dấu ấn tốt nhất để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng protein-năng lượng. Xét nghiệm prealbumin có thể được sử dụng để đánh giá, chẩn đoán và theo dõi tình trạng dinh dưỡng ở những bệnh nhân có các biểu hiện suy dinh dưỡng như các bệnh nhân bị bệnh mạn tính, ung thư, đa chấn thương, bỏng nặng, bệnh nhân trước phẫu thuật,… Xét nghiệm này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các xét nghiệm đánh giá tình trạng dinh dưỡng khác như albumin, fibrinogen, transferrin huyết tương, … để làm tăng hiệu quả chẩn đoán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Beck FK and Rosenthal TC. Prealbumin: A Marker for Nutritional Evaluation. Am Fam Physician 2002; 65(8): 1575-1579.
2. Devoto G, Gallo F, Marchello C, Racchi O, Garbarini R, Bonassi S, et al. Prealbumin serum levels as a useful tool in the assessment of malnutrition in hospitalized patients. Clin Chem 2006; 52: 2281-2285.
3. Ingenbleek Y, Young VR. Significance of prealbumin in protein metabolism. Clin Chem Lab Med 2002; 40: 1281-1290.
4. Kwon O, Cho JH, Yu CH, Park GY, Kim JS, Kang YJ, Choi JY. The Association of Prealbumin with Nutritional Markers and Inflammation in Incident Peritoneal Dialysis Patients. Kidney Research and Clinical Practice 2012; 31(2): A47.
5. RagusoCA, Dupertuis YM, Pichard C. The role of visceral proteins in the nutritional assessment of intensive care unit patients. Curr Opin Clin Nutr Metab Care 2003; 6: 211-216.
6. Robinson MK, Trujillo EB, Mogensen KM, Rounds J, McManus K, Jacobs DO. Improving nutritional screening of hospitalized patients: the role of prealbumin. JPEN J Parenter Enteral Nutr 2003; 27: 389-395.
7. Shenkin, Alan. Serum prealbumin: is it a marker of nutritional status or of risk of malnutrition? . Clin Chem 2006; 52 (12): 2177-2179.
Nguồn: Medlatec