03-22-2013, 09:50 AM
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Ung thư buồng trứng là nguyên nhân tử vong thứ tư do các ung thư nói chung ở phụ nữ trên thế giới. Đây là dạng gây tử vong nhiều nhất trong số các ung thư vùng chậu hông nhưng có khả năng điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm.
Trong những năm qua, dấu ấn ung thư CA 125 được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu của nó chưa đáp ứng được đòi hỏi của chẩn đoán lâm sàng vì nó chỉ tăng lên ở khoảng 80% ung thư buồng trứng thể biểu mô và dưới 50% ở giai đoạn sớm.
Mới đây, HE4 (Human epididymal protein 4, tiếng Việt gọi là protein mào tinh hoàn người 4) có độ nhạy và độ đặc hiệu cao đối với ung thư buồng trứng, đặc biệt là ở giai đoạn I - giai đoạn không triệu chứng - đã được đưa vào sử dụng trong lâm sàng [1, 2, 3].
Hiện nay, mức độ HE4 huyết tương định lượng bằng phương pháp miễn dịch hóa phát quang (Electrochemiluminescence Immunoassay), trên máy Phân tích miễn dịch Cobas 8000, đã được thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
- Chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng, đặc biệt là các trường hợp nghi ngờ ung thư buồng trứng thể nội mạc, thể thanh dịch và thể tế bào sáng.
- Theo dõi diễn biến của bệnh và hiệu quả điều trị ung thư buồng trứng.
- Phát hiện ung thư buồng trứng tái phát sau điều trị phẫu thuật.
- Xét nghiệm HE4 có thể được chỉ định một mình hoặc kết hợp với CA 125. Việc kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125, cùng với thuật toán đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng (Risk of Ovarian Malignancy Algorithm: ROMA) làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng.
- Việc chỉ định thêm một số dấu ấn ung thư khác như CA 72-4 và CEA hầu như không làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng.
Một điều cần chú ý là, trong quá trình theo dõi ung thư buồng trứng thể tế bào mầm hoặc thể niêm dịch, không nên chỉ định HE4 vì nồng độ của nó trong huyết tương không thay đổi ở các thể ung thư này.
Ý nghĩa lâm sàng:
Giá trị bình thường của nồng độ HE4 huyết tương ở phụ nữ khỏe mạnh là ≤ 70 pmol/L, có thể tăng theo tuổi, giá trị cắt (cut-off) hay được sử dụng là ≤ 150 pmol/L.
Các triệu chứng của ung thư buồng trứng thường liên quan đến sự có mặt của các khối u phần phụ, không rõ ràng và không đặc trưng. Trong thực tế, khoảng 70 - 75 % ung thư buồng trứng chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sót trên 5 năm của các bệnh nhân chỉ là 46%. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống sót có thể đạt đến 94%.
Gene HE4 (tổng hợp protein HE4) thường thể hiện quá mức ở 99% trường hợp ung thư buồng trứng thể nội mạc, 90% ung thư buồng trứng thể thanh dịch (serous) và 50% ung thư thể tế bào sáng (clear-cell). Tuy nhiên, gene HE4 không thể hiện nhiều ở các ung thư buồng trứng thể tế bào mầm (germ-cell) và thể niêm dịch (mucinous).
Khi sử dụng đơn lẻ, HE4 có độ nhạy cao nhất đối với việc phát hiện ung thư buồng trứng, đặc biệt trong giai đoạn I, là giai đoạn sớm còn chưa có triệu chứng. Hơn nữa, HE4 cũng có độ nhạy cao hơn CA 125 trong giai đoạn sớm của ung thư màng trong tử cung (endometrial cancer) [1, 3]. Sự tăng HE4 cùng với sự bình thường của CA 125 gợi ý rằng có thể có ung thư buồng trứng hoặc ung thư khác, chẳng hạn như ung thư màng trong tử cung [5, 6].
Sự kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125 cho phép chẩn đoán ung thư buồng trứng với độ nhạy cao nhất là 76,4% và độ đặc hiệu là 95%.
Sự kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125 có thể giúp chẩn đoán phân biệt giữa khối u lành tính hoặc ác tính ở vùng chậu hông ở những phụ ở tuổi trước và sau mãn kinh chính xác hơn. Việc sử dụng mỗi xét nghiệm đơn lẻ với độ nhạy 78,6% và độ đặc hiệu 95% [2].
Sự kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125, cùng với thuật toán đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng (ROMA) làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng ở phụ nữ có khối u vùng chậu hông [4].
Điều cần chú ý là, nồng độ HE4 huyết tương cũng có thể tăng ở những mức độ nhất định trong một ung thư khác như ung thư phổi, dạ dày, vú và một số bệnh lành tính khác.
KẾT LUẬN
1. Khi sử dụng đơn lẻ, HE4 có độ nhạy cao đối với việc phát hiện ung thư buồng trứng, đặc biệt trong giai đoạn I, là giai đoạn sớm còn chưa xuất hiện triệu chứng.
2. HE4 còn được sử dụng để theo dõi diễn biến của bệnh, hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sau phẫu thuật của ung thư buồng trứng.
3. Sự kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125 cho phép chẩn đoán ung thư buồng trứng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.
4. Sự kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125 có thể giúp chẩn đoán phân biệt giữa khối u lành tính hoặc ác tính vùng chậu hông chính xác hơn việc sử dụng mỗi xét nghiệm đơn lẻ.
5. Việc kết hợp xét nghiệm HE4 và CA 125, cùng với thuật toán đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng (ROMA) làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng ở phụ nữ có khối u vùng chậu hông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Allard WJ, Somers E, Theil R, Moore RG. Use of a novel biomarker HE4 for monitoring patients with epithelial ovarian cancer. J Clin Oncol 2009; 26: 5535.
2. Huhtinen K, Suvitie P, Hiissa J, Junnila J, Huvila J, Kujari H, Setälä M, Härkki P, Jalkanen J, Fraser J, Mäkinen J, Auranen A, Poutanen M, Perheentupa A. Serum HE4 concentration differentiates malignant ovarian tumours from ovarian endometriotic cysts. Br J Cancer 2009; 100(8): 1315-1319.
3. Langmár Z, Németh M, Vleskó G, Király M, Hornyák L, Bösze P. HE4-a novel promising serum marker in the diagnosis of ovarian carcinoma. Eur J Gynaecol Oncol 2011; 32(6): 605-610.
4. Molina R, Escudero JM, Auge JM, et al. HE4 a noval tumour marker for ovarian cancer: comparison with CA125 and ROMA algorithm in patients with gynaecological diseases. Tumor Biol 2011; 32: 1087-1095.
5. Moore RG, BrowAAKK, Badgwell D, Lu Z, Allard WJ, Granai CO, and Bast Jr RC. Utilityof a novel serum tumorbiomarker HE4 in patients with endometrioid adenocarcinoma of the uterus. Gynecologic Oncology 2008; 110(2): 196-201.
6. Moore RG, McMeekin DS, Brown AK, DiSilvestro P, Miller MC, Allard WJ, Gajewski W, Kurman R, Bast RC Jr, Skates SJ. A novel multiple marker bioassay utilizing HE4 and CA125 for the prediction of ovarian cancer in patients with a pelvic mass. Gynecol Oncol 2009; 112(1): 40-46.
Nguồn: Medlatec