09-26-2012, 04:41 PM
Biến động nồng độ AMH theo tuổi ở phụ nữ. (Nguồn: Hagen CP và CS, 2010)
Những tiến bộ về khoa học mới nhất cho thấy xét nghiệm AMH là xét nghiệm chính xác nhất để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng. Xét nghiệm mới này đóng vai trò rất quan trọng chẩn đoán và điều trị hiếm muộn. Xét nghiệm AMH chỉ mới được triển khai trên thế giới trong thời gian gần đây.
Với nỗ lực triển khai các kỹ thuật mới và kỹ thuật các đơn vị khác không thực hiện được, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Sinh Y Dược học - Học viện Quân y đã đầu tư triển khai xét nghiệm mới này, góp phần áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
AMH là gì?
AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một hormone do các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng tiết ra và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. AMH được sản xuất nhiều nhất ở những nang noãn còn non và đang phát triển, do đó nồng độ AMH phản ánh số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng càng tốt có nghĩa là khả năng sinh sản của buồng trứng càng cao và ngược lại. Nồng độ AMH không thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ kinh và giảm dần theo tuổi.
Ứng dụng của AMH?
Hầu hết phụ nữ đều có khái niệm sai lầm về khả năng sinh sản khi cho rằng kinh nguyệt còn đều nghĩa là họ có đủ số lượng và chất lượng trứng để có thai. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng, buồng trứng khi suy giảm chỉ tiết ra một lượng nội tiết tố đủ để ra kinh, chứ chất lượng buồng trứng không đủ điều kiện để có thai. AMH có thể giúp đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng qua đó giúp tiên lượng được khả năng có con của phụ nữ, do đó xét nghiệm AMH thường được ứng dụng trong các mục đích sau:
Chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, đặc biệt là trước khi thực hiện kích thích buồng trứng và thụ tinh trong ống nghiệm. Phụ nữ có nồng độ AMH cao sẽ có xu hướng đáp ứng với kích thích buồng trứng tốt và số trứng chọc hút được nhiều hơn. Khi có được nhiều trứng thì tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm sẽ cao hơn. Nồng độ AMH thường không đánh giá được chất lượng trứng nhưng khi tiên lượng chọc hút được nhiều trứng thì chúng ta có khả năng chọn lưạ được phôi có chất lượng tốt để chuyển vào buồng tử cung cao hơn và khả năng có phôi dư trữ lạnh cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, dựa vào nồng độ AMH, bác sĩ cũng có thể tiên lượng khả năng đáp ứng và điều chỉnh liều thuốc kích thích buồng trứng phù hợp hơn cho bệnh nhân.
Tiên lượng khả năng sinh sản để lập kế hoạch sinh con trong tương lai cho những phụ nữ muốn trì hoãn việc sinh con. Khả năng sinh sản của người phụ nữ thường bắt đầu suy giảm sau 30 tuổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp khả năng sinh sản của buồng trứng giảm sớm hơn và nhanh hơn. Những người này cần sinh con sớm hơn để tránh hối tiếc vì khi muốn có con thì khả năng sinh sản của buồng trứng đã giảm.
Đánh giá và tiên lượng tổn thương mô buồng trứng sau phẫu thuật buồng trứng.
Đánh giá và tiên lượng khả năng sinh sản sau điều trị ung thư.
Xét nghiệm AMH ở đâu?
AMH chỉ mới được triển khai trên thế giới trong thời gian gần đây. Labo Miễn dịch Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Sinh Y Dược học và Trung tâm Công nghệ phôi của Học viện Quân y phối hợp triển khai xét nghiệm mới này. Đây là cơ sở đầu tiên ở miền Bắc triển khai được xét nghiệm này, góp phần áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
TS. Lê Văn Đông - HVQY
Tài liệu tham khảo
Hồ Mạnh Tường (2012). Anti-mullerian hormone (AMH) và các ứng dụng. Tạp chí Phụ sản, Tập 10, Số 3, Tháng 7 – 2012. 54-58.
Baird DD and Steiner AZ (2012) Anti-Mullerian Hormone: A Potential NewTool in Epidemiologic Studies of Female Fecundability Am J Epidemiol. 175(4):245–249
Hagen CP và CS. Serum Levels of AMH as a Marker of Ovarian Function in 926 Healthy Females from Birth to Adulthood. J Clin Endocrinol Metab. 2010; 95(11): 5003-10.
Loh JS và Maheswari A (2011) Antin-Mullerian Hormone – is it a crystal ball for predicting ovarian ageing? Human Reproduction 26(11):2925-2932.
La Marca A et al. (2010) Anti-Mullerian hormone (AMH) as a predictive marker in assisted reproductive technology (ART). Human Reproduction Update 16(2): 113–130