11-30-2012, 10:34 AM
BSCKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng
Khoa Giải phẫu bệnh – BV Từ Dũ
Khoa Giải phẫu bệnh – BV Từ Dũ
Định nghĩa:
- Sinh thiết tuyến vú bằng chọc hút kim nhỏ (FNA vú) là chọc hút bằng kim nhỏ để lấy đi một mẫu mô từ một tổn thương nghi ngờ ở vú để chẩn đoán bệnh lý tuyến vú.
- Kim nhỏ là kim G22-26 (đường kính ngoài của kim: 0.6 – 0.9 mm) (thường dùng kim G25).
- Tổn thương nghi ngờ là tổn thương không có chẩn đoán chắc chắn hoặc không rõ ràng.
Chỉ định:
Chủ yếu để xác định tổn thương vú là lành hay ác.
Chống chỉ định:
Hầu như không có.
Biến chứng:
- Xuất huyết, hematoma tại vị trí chọc hút.
- Tràn khí màng phổi (rất hiếm).
Ưu điểm:
- Đơn giản, an toàn, nhanh chóng, rẻ tiền, thẩm mỹ nhưng chính xác cao.
- Độ chính xác của FNA vú như sau:
Độ nhạy: 92.5%
Độ đặc hiệu: 99.8%
Giá trị tiên lượng dương: 99.7%
Giá trị tiên lượng âm: 94.2%
Độ chính xác: 96.5%
- Tỉ lệ kết quả dương tính giả rất ít (0.28%), do đọc sai, chủ yếu liên quan đến các bệnh lý như u sợi tuyến có biến đổi không điển hình, tăng sản biểu mô (như tiết sữa, tăng sản, u nhú, u tuyến lành và phì đại tuyến vú ở nam giới), u diệp thể, tổn thương viêm (như hoại tử mỡ, nang bị rách và tái tạo), tế bào đỉnh tiết không điển hình, biến đổi tế bào do xạ trị.
- Tỉ lệ kết quả âm tính giả: 5-20%. Nếu chỉ xét những phết đạt yêu cầu thì tỉ lệ âm tính giả # 2% (tương đương với cắt lạnh, thậm chí với cắt thường). Chủ yếu do lấy mẫu không đúng vị trí, hiếm khi o đọc sai. Kích thước và tính chất tổn thương có thể ảnh hưởng đến việc lấy mẫu. Những tổn thương nhỏ, nhất là những tổn thương <1 cm (có thể là ung thư vú còn nhỏ) có thể bị bỏ sót và lấy được ít tế bào, gây ra âm tính giả. Để cảm hận được các u nhỏ, có thể dùng kim không syringe (còn gọi là kỹ thuật không hút), nhưng phương pháp này ít thành công trong u lành. Ngược lại, u lớn (>4 cm) cũng gây dương tính giả. Những tổn thương lành tính có kích thước lớn có thể làm lu mờ một tổn thương ác tính nhỏ. Tính chất u tự nó cũng có thể gây âm tính giả (ví dụ như trong K ống tuyến vú xơ hóa hoặc K tiểu thùy xâm nhập). Khi gặp u xơ hóa mà nghi ngờ K xơ hóa thì nên chọc hút phần ngoại biên của u và dùng kim nhỏ hơn (G25).
Tóm lại, có một số ung thư vú không chẩn đoán được bằng FNA vú. Nhưng u mà FNA cho kết quả âm tính giả thường có kích thước nhỏ, phát triển chậm và có tiên lượng tốt. Cần biết rằng kết quả FNA âm tính không thể loại trừ hoàn toàn tổn thương ác tính.
Bộ ba chẩn đoán:
- Chỉ khám lâm sàng, độ chính xác # 70-90%.
- Chỉ X-Q vú, chính xác # 85-90%.
- Chỉ FNA vú, chính xác # 90-99%.
- Không có một chẩn đoán nào mà một mình nó có thể chẩn đoán tất cả các trường hợp ung thư vú. Do đó, rất cần phải kết hợp bộ ba chẩn đoán trên. Khi kết hợp bộ ba chẩn đoán, độ chính xác đạt đến 100%.
- Nếu 1 trong 3 chẩn đoán có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán toàn bộ.
- Nếu tất cả 3 chẩn đoán đều cho thấy ác tính rõ (3A: 3 ác) thì chỉ có 1% sai lầm.
- Nếu tất cả 3 chẩn đoán đều cho thấy lành tính rõ (3L: 3 lành) thì 99% tổn thương đó lành tính thật sự.
- Bộ 3 chẩn đoán rất hiếm khi bỏ sót ung thư vú và điều này thường xảy ra ở phụ nữ trẻ (≤35 tuổi), là đối tượng có tần suất ung thư vú thấp. Chỉ có # 1-3% FNA vú ở phụ nữ trẻ <30 tuổi là ác tính.
- Nếu 1 trong 3 chẩn đoán, có chẩn đoán nào không phù hợp thì phải khám lâm sàng lại một cách cẩn thận và nói chung là nên mổ sinh thiết. FNA vú (-) mà lâm sàng nghi ngờ thì vẫn nghi ngờ và cần mổ sinh thiết.
Kỹ thuật chọc hút:
- Chuẩn bị: syringe 10 ml, kim G25, súng, lam (có ký hiệu bệnh nhân), lọ đựng dung dịch cố định (cồn 97-1000), cồn sát trùng da. Lắp syringe + kim vào súng. Đeo găng. Giải thích, trấn an bệnh nhân.
- Khám, xác định vùng chọc hút. Đường vào là đường ngắn nhất tới u, tránh vùng nhạy cảm (quầng vú, núm vú). Nếu cần, có thể gây tê. Chọn tiêu điểm điển hình đặc trưng cho chẩn đoán. Sát trùng da trên vùng đó.
- 1 tay cố định u và căng da.
- 1 tay cầm súng, đâm kim dứt khoát, nhanh (ước lượng độ sâu của kim). Kéo pistol ra # 1ml. Nhấp kim vào-ra nhịp nhàng, tốc độ 3-4 nhịp/giây, mỗi nhát dứt khoát, không xoay kim, mạnh vừa phải. Đổi hướng kim bằng cách rút kim lui (nhưng chưa ra khỏi u), đổi hướng, tiếp tục nhấp kim vào-ra. Hướng thay đổi theo hình nón (từ 1 điểm ra nhiều hướng) hoặc từ 2 điểm khác nhau đi 2 hướng khác nhau. Khi đốc kim xuất hiện chất màu đỏ thì nên ngưng nhấp kim (lưu ý không để bệnh phẩm lọt vào syringe). Đẩy pistol trở về vị trí ban đầu. Rút kim ra. Lấy gòn đè mạnh tại vị trí chọc hút để cầm máu. Dán băng keo tại vị trí chọc hút.
- Tháo kim ra khỏi syringe. Kéo pistol ra. Gắn kim trở lại. Đặt mặt vát kim tiếp xúc mặt lam. Đẩy mạnh pistol vào để tống bệnh phẩm trong kim ra. Có thể làm động tác này nhiều lần để lấy được bệnh phẩm nhiều nhất có thể. Lấy bệnh phẩm trong đốc kim bằng cách 1 tay dùng kẹp, kẹp kim, 1 tay búng nhẹ đốc kim nhiều lần. Bệnh phẩm sẽ từ đốc kim rơi vào lam.
- Dùng 1 lam khác đặt úp sát lên lam đó, xoay vòng nhẹ, rồi kéo bệnh phẩm sao cho dàn đều và mỏng trên 2 lam. Làm nhanh, tránh làm khô bệnh phẩm. Cho 2 lam vào lọ đựng dung dịch cố định.
- Bước tiếp theo là nhuộm tế bào bằng phương pháp Papanicolaou, dán lamen và đọc lam dưới kính hiển vi quang học.
Hình 1. Súng, syringe 10 ml và kim G25
Hình 2. Kỹ thuật cầm kim chọc hút.
Hình 3. Kỹ thuật lấy mẫu tế bào u.
Hình 4. Kỹ thuật đưa tế bào u từ trong kim lên lam.
Hình 5. Kỹ thuật phết mỏng tế bào u.
Hình 6. Đọc lam dưới kính hiển vi quang học.
Hình 7. Hình ảnh vi thể tế bào carcinôm ống tuyến vú.
Nhân to gấp 2 lần đường kính 1 hồng cầu. Không có nhân trần 2 cực.
Nguồn: tudu.com.vn