12-10-2015, 11:33 AM
CHỌC HÚT BẰNG KIM NHỎ TUYẾN GIÁP
I. NGUYÊN LÝ
Tất cả các các tổn thương tuyến giáp có thể sờ nắn được. Dùng bơm tiêm gắn kim tiêm đưa kim qua da vào vùng tổn thương, hút với áp lực âm để các tế bào từ tổn thương vào trong kim, phụt chất dịch lấy được trên phiến kính, cố định, nhuộm, nhận định hình thái tế bào, sự sắp xếp tế bào, nền phiến đồ dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán bệnh của tuyến giáp.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học hoặc bác sĩ lâm sàng đã được đào tạo về chọc hút kim nhỏ: 01
- Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 01
2. Phương tiện, hóa chất
- Phòng để thực hiện kỹ thuật từ 15-20 m2, đủ ánh sáng, thoáng, có vòi nước, chậu rửa và bàn để dụng cụ nhuộm.
- Bàn để dụng cụ (1), ghế ngồi cho bác sĩ và kỹ thuật viên (2) và ghế ngồi choNgười bệnh (1), giường Người bệnh nằm (1), gối kê gáy Người bệnh (1).
- Bông sạch, cồn iod, găng tay vô trùng, khẩu trang, băng dính y tế.
- Kẹp không mấu (1), kéo (1).
- Hộp đựng bông cắt nhỏ vô trùng (1), hộp đựng bông cồn để sát trùng vùng chọc (1).
- Bơm tiêm 10ml hoặc 20ml, kim các cỡ từ 25G đến 21G.
- Dụng cụ gắn bơm tiêm để chọc hút (1).
- Hộp bằng thép không rỉ đựng bơm, kim tiêm sạch.
- Hộp đựng kim đã dùng, dụng cụ đựng bơm đã sử dụng, dụng cụ đựng bông đãdùng.
- Phiến kính sạch, một đầu mài mờ để ghi mã số Người bệnh.
- Giá để đựng phiến kính đã dàn bệnh phẩm (phiến đồ).
- Bút chì mềm ghi mã số Người bệnh, vị trí chọc hút trên phiến kính.
- Dung dịch cố định bệnh phẩm (cồn tuyệt đối hoặc cồn/ete tỷ lệ 1/1).
- Phẩm nhuộm phiến đồ (Giemsa/Diff - Quik/HE/ PAP…)
- Các dụng cụ để nhuộm: khay, giá, cốc pha thuốc nhuộm, ống hút
- Nước cất, nước sạch để rửa thuốc nhuộm trên phiến kính.
- Các dung dịch sát khuẩn.
- Kính hiển vi quang học, bàn có mặt phẳng, đủ rộng để đặt kính hiển vi và để viết (1).
- Phiếu xét nghiệm ghi rõ họ và tên Người bệnh, người thực hiện kỹ thuật, vị trí chọc hút, dịch chọc và kết quả chẩn đoán.
- Sổ hoặc máy tính ghi lại thông tin của từng Người bệnh, đặc điểm tổn thương, vị trí chọc hút, dịch chọc và kết quả chẩn đoán.
- Hộp thuốc chống sốc, ống nghe, máy đo huyết áp.
- Các sọt rác đựng rác thải y tế, rác thải thường.
3. Chuẩn bị Người bệnh (với các Người bệnh tỉnh táo, giao tiếp được với thầy thuốc)
- Giải thích cho Người bệnh (hoặc người nhà Người bệnh) về qui trình thực hiện, mục đích, nguy cơ, lợi ích để Người bệnh yên tâm và hợp tác làm xét nghiệm.
- Khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng lâm sàng, siêu âm, các xét nghiệm đánh giá tình trạng hóc môn tuyến giáp.
- Mạch nhanh >100 lần/phút: không tiến hành thực hiện thủ thuật.
- Khám Người bệnh xác định vị trí tổn thương cần chọc hút, màu sắc, số lượng, mật độ, kích thước, sự di động.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Lấy bệnh phẩm
- Người bệnh nằm thẳng trên gường, có thể kê gối mỏng dưới đầu.
- Bộc lộ vị trí cần chọc hút
- Sát trùng vùng cần chọc hút bằng cồn iod.
- Chọc hút để lấy bệnh phẩm:
+ Người bệnh không được nói, không được nuốt khi đang được làm thủ thuật.
+ Cố định vị trí tổn thương cần chọc bằng hai ngón bàn tay trái, tay phải
cầm kim có gắn bơm tiêm đâm qua da vào tổn thương, hút dưới áp lực âm để dịch chọc vào trong lòng kim.
+ Cố định mũi kim trong khi hút để tránh chảy máu và làm đau Người bệnh.
+ Tùy độ nông hay sâu của tổn thương mà giới hạn độ sâu của kim. Có thể xoay mũi kim theo nhiều hướng hoặc chọc hút nhiều vị trí trên tổn thương để lấy đủ bệnh phẩm (tổn thương >1,5cm).
+ Trước khi rút mũi kim ra khỏi mô, cần giải phóng áp lực âm, rút nhanh kim qua da.
+ Nếu tổn thương là u nang, có nhiều dịch: nên hút hết dịch. Khi rút kim không cần giải phóng áp lực âm.
+ Sát trùng lại vị trí đã chọc hút, băng lại (nếu cần).
2. Làm phiến đồ
+ Tháo kim ra khỏi bơm tiêm.
+ Kéo pittông xuống để lấy không khí vào bơm tiêm tạo áp lực.
+ Lắp kim vào bơm tiêm.
+ Nhanh chóng phụt dịch chọc ra các phiến kính đã ghi sẵn mã số BN.
+ Dùng một phiến kính khác dàn bệnh phẩm trên các phiến kính có bệnh phẩm để bệnh phẩm được dàn mỏng, đều.
3. Cố định phiến đồ: bằng một trong các phương pháp cố định phiến đồ tế bào học (đã nêu ở phần cố định phiến đồ).
4. Nhuộm các phiến đồ: theo một trong các phương pháp nhuộm: Giemsa, Papanicolaou, Diff - Quick hay May Grünwanld Giemsa hoặc HE (như đã nêu ở mục nhuộm phiến đồ tế bào học).
5. Nhận định kết quả: trên kính hiển vi quang học, do bác sĩ giải phẫu bệnh - tế
bào bệnh học.
IV. KẾT QUẢ
- Phiến đồ chọc hút phải có được đúng, đủ các thành phần tế bào của mô tổn thương, cũng như các thành phần của tổn thương cần xác định.
- Các phiến đồ được dàn mỏng, đều, không chồng chất lên nhau.
- Các tế bào được bảo tồn tốt đúng với hình thái của mô và tổn thương.
- Các tế bào bắt màu rõ ràng, phân biệt được rõ hình thái của nhân và bào tương.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ
- Phiến đồ không thỏa đáng:
+ Quá nghèo tế bào hoặc không lấy được tế bào của tổn thương:
Do mũi kim chọc quá nông hoặc quá sâu: cần đâm mũi kim trúng tổn thương, hoặc không cố định tốt vùng cần chọc trong khi hút làm vùng tổn thương di động: cần ấn ngón tay giữ chặt vùng cần chọc.
+ Quá nhiều hồng cầu: nên sử dụng kim nhỏ, chỉ kéo pittông 3-5 lần, không đổi hướng mũi kim khi hút hoặc chọc thêm 1 mũi ở vị trí khác (khối >1,5cm) nếu thấy nhiều máu (trừ trường hợp u nang chảy máu mới).
+ Phiến đồ dàn quá dày hoặc kéo quá mạnh làm các tế bào chồng chất hoặc bị kéo dài, nát: cần phụt một lượng vừa đủ ra mỗi phiến kính và dàn nhẹ nhàng, đều tay.
+ Cố định kém làm tế bào thoái hóa không nhận định được hình thái nhân và bào tương: cần lặp lại xét nghiệm, cố định ngay sau khi dàn phiến đồ.
+ Các tế bào bắt màu quá kém: cần nhuộm đủ thời gian và cố định phiến đồ tốt hoặc kiểm tra thuốc nhuộm.
- Người bệnh không hợp tác: thuyết phục giải thích.
- Chảy máu nhỏ tại nơi chọc hút: chỉ cần băng ép lại.
- Dịch chọc bị khô trong lòng kim hoặc trong đốc kim hoặc khô trên phiến kính trước khi dàn: chọc hút nhanh, phụt nhanh ra phiến kính đã chuẩn bị sẵn và dàn ngay, hoặc bơm nước muối sinh lý để rửa kim lấy dịch làm phiến đồ.
- Chọc hút vào vị trí ngoài tổn thương (mạch máu, thần kinh, khí quản…): rút ngay kim ra, cố định tốt vị trí cần chọc hút và chọc hút lại.
- Nên yêu cầu Người bệnh không nhịn ăn trước khi tiến hành thủ thuật. Giải thích để Người bệnh yên tâm. Nếu Người bệnh bị choáng khi chọc hoặc sau khi chọc: nhanh chóng cho Người bệnh nằm xuống gường và xử trí chống choáng.
Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT