05-13-2021, 05:34 PM
Chỉ số chất lượng là một yếu tố rất quan trọng trong hệ thống QLCL xét nghiệm. Nó phản ánh kết quả của việc xây dựng và duy trì hệ thống QLCL có hiệu quả hay không. Có rất nhiều PXN đã liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về xây dựng bộ chỉ số chất lượng. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy các PXN còn khá mơ hồ về chỉ số chất lượng. Do vậy trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ làm rõ hơn về chỉ số chất lượng xét nghiệm.
1. Chỉ số chất lượng xét nghiệm là gì?
Theo định nghĩa của ISO thì chỉ số chất lượng (quality indicator) là:
Thước đo mức độ một tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu.
CHÚ THÍCH 1: Thước đo có thể được thể hiện, ví dụ như % kết quả (% nằm trong yêu cầu quy định), % khuyết tật (% nằm ngoài yêu cầu quy định), các khuyết tật trên một triệu cơ hội (DPMO) hoặc trong khoảng 6 sigma.
CHÚ THÍCH 2: Các chỉ số chất lượng có thể đo lường mức độ tổ chức đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu của người sử dụng và chất lượng của tất cả các quá trình vận hành.
VÍ DỤ: Nếu yêu cầu là nhận được tất cả các mẫu nước tiểu trong phòng thí nghiệm không bị nhiễm, số lượng các mẫu nước tiểu bị nhiễm nhận được được thể hiện bằng tỉ lệ % của tất cả các mẫu nước tiểu nhận được (đặc tính vốn có của quá trình) là thước đo chất lượng của quá trình đó.
Tóm lại chỉ số chất lượng là những đo lường được thiết lập và sử dụng để xác định mức độ đáp ứng nhu cầu và các mong đợi về vận hành và hiệu quả.
Như vậy có thể hiểu “Chỉ số chất lượng xét nghiệm”: Là các đo lường được thiết lập để xác định mức độ đáp ứng nhu cầu và mong đợi về chất lượng của các quá trình liên quan đến hoạt động xét nghiệm. Các quá trình này có thể ở giai đoạn trước, trong và sau xét nghiệm.
2. Tại sao cần theo dõi các chỉ số chất lượng xét nghiệm?
– Đáp ứng yêu cầu trong thông tư 01/2013 TT-BYT về hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh.
– Đáp ứng tiêu chí 1.7 trong bộ tiêu chí 2429/QĐ-BYT về Tiêu chí đánh giá mức chất lượng PXN Y học.
– Đáp ứng yêu cầu của ISO 15189:2012 PXN Y tế – Yêu cầu về chất lượng và năng lực.
– Và quan trọng hơn hết nó phản ánh chất lượng thực sự của phòng xét nghiệm. Từ đó là cơ sở cho các hoạt động cải tiến chất lượng.
3. Có những chỉ số chất lượng xét nghiệm nào?
Có rất nhiều các chỉ số chất lượng xét nghiệm để phòng xét nghiệm theo dõi đánh giá. Các chỉ số chất lượng được thể hiện ở cả 3 giai đoạn: Trước, trong và sau xét nghiệm. Cụ thể một số chỉ số như sau:
Chỉ số giai đoạn trước xét nghiệm:
+ Thông tin về người bệnh đầy đủ, chính xác.
+ Phiếu yêu cầu xét nghiệm hoàn thành đầy đủ thông tin và chính xác.
+ Nhãn mẫu xét nghiệm được ghi thông tin đầy đủ, chính xác.
+ Mẫu xét nghiệm được bảo quản và vận chuyển đúng quy định.
+ Thời gian lấy mẫu xét nghiệm.
+ Chất lượng mẫu xét nghiệm.
+ Các mẫu xét nghiệm bị từ chối.
+ Tỷ lệ tổn thương do kim tiêm đâm của nhân viên Khoa Xét nghiệm.
Chỉ số giai đoạn xét nghiệm:
+ Theo dõi và đánh giá năng lực nhân viên.
+ Kết quả QC.
+ Kết quả ngoại kiểm tra chất lượng.
+ Số lần trang thiết bị y tế hỏng.
+ Hết, thiếu sinh phẩm, thuốc thử.
Chỉ số giai đoạn sau xét nghiệm:
+ Kết quả đúng và chính xác.
+ Thời gian trả kết quả kịp thời.
+ Trả kết quả xét nghiệm chính xác không nhầm lẫn.
+ Sự hài lòng của khách hàng.
+ Dịch vụ gián đoạn do các vấn đề về nhân sự.
+ Quản lý mẫu sau xét nghiệm.
+ Bảo trì và hiệu chỉnh thiết bị.
4. Phòng xét nghiệm nên theo dõi chỉ số chất lượng nào?
Có rất nhiều chỉ số chất lượng như ở trên để phòng xét nghiệm theo doi. Tuy nhiên trong cùng 1 thời điểm ta không thể theo dõi quá nhiều các chỉ số chất lượng. Nó sẽ quá sức và không hiệu quả. PXN chỉ nên chọn vài chỉ số chất lượng cần thiết để theo dõi. Nhưng phải đảm bảo các chỉ số này đánh giá cả 3 giai đoạn trước, trong và sau xét nghiệm.
Ví dụ: Với 1 phòng xét nghiệm mới áp dụng thì có thể theo dõi 3 chỉ số như: Tỉ lệ mẫu bị từ chối (trước xét nghiệm), Tỉ lệ kết quả ngoại kiểm “đạt” (trong xét nghiệm), Tỉ lệ trả kết quả đúng hẹn (sau xét nghiệm).
Các năm sau đó khi các chỉ số này đã được cải tiến tốt rồi thì sẽ theo dõi thêm các chỉ số khác.
5. Các bước để theo dõi chỉ số chất lượng là gì?
Để theo dõi chỉ số chất lượng, thông thường phải trải qua các bước sau:
– Ban lãnh đạo khoa và nhân viên QLCL sẽ xem xét toàn bộ tiến trình công việc để xác định và chọn lựa các chỉ số chất lượng cần theo dõi.
– Xây dựng kế hoạch theo dõi các chỉ số đã chọn lựa và đặt ra mục tiêu/ ngưỡng của mỗi chỉ số. Tần suất và ngưỡng chấp nhận của mỗi chỉ số chất lượng là khác nhau.
– Phân công nhân viên có nhiệm vụ thu thập dữ liệu của mỗi chỉ số chất lượng.
– Nhân viên được phân công định kỳ thu thập, xem xét các chỉ số chất lượng và thông báo kết quả cho toàn thể nhân viên.
6. Cần làm gì sau khi theo dõi chỉ số chất lượng xét nghiệm?
Sau một quá trình theo dõi chỉ số chất lượng, có kết quả và được đánh giá thì có 2 trường hợp xảy ra:
– Trong trường hợp chỉ số không đạt ngưỡng/mục tiêu cần tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất hành động khắc phục. Thực hiện các hoạt động cải tiến dựa trên kết quả của chỉ số chất lượng đã theo dõi.
– Thay đổi chỉ số chất lượng cần theo dõi nếu như kết quả cho thấy mục đích yêu cầu đã đạt được một cách bền vững.
7. Ai là người theo dõi chỉ số chất lượng và theo dõi thế nào?
– Tất cả các nhân viện trong PXN đều có thể tham gia theo dõi chỉ số chất lượng. Tuy nhiên cần phân công 1 người chịu trách nhiệm chính để theo dõi, giám sát, tồng hợp và báo cáo chỉ số chất lượng.
– Mỗi người chỉ nên phân công theo dõi 1 chỉ số chất lượng để đạt hiệu quả cao nhất.
– Phải có các công cụ (như biểu mẫu) phù hợp để theo dõi cho từng chỉ số.
Trên đây là một số các khái niệm cơ bản về chỉ số chất lượng xét nghiệm. Ở các bài viết sau chúng tôi sẽ đi sâu vào hướng dẫn thiết lập và theo dõi các chỉ số chất lượng.
PXN của bạn có đang theo dõi các chỉ số chất lượng không? Các bạn có gặp khó khăn gì không? Hãy chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm cũng như khó khăn mà các bạn đang gặp phải.
Hiện tại chúng tôi có “Cung cấp bộ tài liệu hệ thống QLCL theo tiêu chí 2429“. Trong bộ tài liệu đã có quy trình về theo dõi chỉ số chất lượng cũng như các biểu mẫu để thực hiện theo dõi chỉ số chất lượng. Nếu các PXN có nhu cầu sử dụng bộ tài liệu này của chúng tôi vui lòng liên hệ trực tiếp:
Cao Văn Tuyến/ 0913.334.212 hoặc 0978.336.115.
Nguyễn Văn Quang/ 0981.109.635.
Email: chatluongxetnghiem@gmail.com