05-11-2021, 05:20 PM
PHẪU THUẬT SOI BUỒNG TỬ CUNG TÁCH DÍNH BUỒNG TỬ CUNG
I. ĐẠI CƯƠNGĐiều trị các tổn thương dính buồng tử cung không hoàn toàn (hội chứng
Ashermann) bằng phương pháp soi buồng tử cung. Dính buồng tử cung chủ yếu là hậu quả của thủ thuật nạo, hút buồng tử cung.
II. CHỈ ĐỊNH
Dính buồng tử cung không hoàn toàn, có nhu cầu sinh đẻ hay có biến chứng.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Dính buồng tử cung hoàn toàn
- Dính buồng tử cung không hoàn toàn, không có biến chứng và không có nhu cầu sinh đẻ.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản đã được đào tạo.
2. Phương tiện
- Dụng cụ soi buồng tử cung chẩn đoán và phẫu thuật.
3. Người bệnh
- Khám toàn thân và chuyên khoa đánh giá các bệnh lý phối hợp
- Được tư vấn về nguy cơ, biến chứng, tai biến của phẫu thuật.
- Chụp tử cung-vòi tử cung xác định tổn thương dính buồng tử cung.
4. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án phẫu thuật theo qui định.
5. Nơi thực hiện thủ thuật
Phòng mổ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Người bệnh nằm tư thế phụ khoa
- Giảm đau: giảm đau toàn thân
1. Soi buồng tử cung chẩn đoán
- Sát khuẩn vùng sinh dục
- Thông tiểu và lưu ống thông.
- Đặt van âm đạo hay mỏ vịt
- Cặp cổ tử cung bằng kẹp Pozzi
- Thăm dò buồng tử cung bằng thước đo
- Đưa ống soi chẩn đoán vào buồng tử cung
- Làm căng buồng tử cung bằng một trong các dung dịch sau:
+ Dung dịch có trọng lượng phân tử cao: Hyskon.
+ Dung dịch không có điện giải như: manitol, sorbitol, dextran.
- Có thể áp dụng một trong các cách sau để dịch chảy vào buồng tử cung:
+ Để dịch ở vị trí cao hơn ổ bụng người bệnh từ 90-100 cm và cho tự chảy.
+ Nếu là túi dịch, có thể quấn băng máy đo huyết áp và duy trì áp lực khoảng
80 mmHg.
+ Máy bơm hút tự động: áp lực bơm 40-60 mmHg.
- Tiến hành quan sát toàn bộ buồng tử cung để đánh giá tổn thương dính buồng tử cung.
2. Soi buồng tử cung phẫu thuật:
- Tiến hành nong cổ tử cung đến 10,5
- Đưa kính soi phẫu thuật vào buồng tử cung
- Sử dụng đầu cắt thẳng hay bóng lăn để cắt tổn thương dính. Chỉ thực hiện cắt tổn thương khi quan sát rõ ràng.
- Cắt hết tổn thương dính
- Soi lại buồng tử cung để kiểm tra bảo đảm không chảy máu và buồng tử cung toàn vẹn.
- Có thể đặt dụng cụ tử cung hay những dụng cụ chuyên biệt để tránh dính lại.
VI. THEO DÕI
- Theo dõi: toàn thân, mạch, huyết áp, ra máu âm đạo trong vòng vài giờ sau thủ
thuật.
- Chỉ định dùng vòng kinh nhân tạo ngay sau phẫu thuật.
- Chụp lại buồng tử cung sau vài tháng để đánh giá sự vẹn toàn của buồng tử
cung.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Thủng tử cung: ngừng thủ thuật. Tiến hành soi ổ bụng để đánh giá tổn thương thủng tử cung và xử trí phù hợp theo tổn thương. Trong nhiều ca có thể bảo tồn được tử cung. Theo dõi sát người bệnh trong những giờ đầu sau mổ.
- Biến chứng liên quan đến quá tải tuần hoàn do dịch làm căng buồng tử cung
đi vào mạch máu. Để tránh tai biến này, không nên phẫu thuật quá lâu (trên 30
phút), phải kiểm soát lượng dịch vào và ra, sử dụng máy bơm hút liên tục chuyên dụng.
- Nhiễm khuẩn.
Ghi chú: phẫu thuật này thường hay thực hiện soi ổ bụng kết hợp với mục đích
chẩn đoán vô sinh và kiểm soát thủ thuật cắt vách ngăn qua soi buồng tử cung.
Nguồn tài liệu
- Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013.