05-06-2021, 10:31 AM
KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG
I. ĐẠI CƯƠNGLà thủ thuật khâu một đường vòng tròn quanh cổ tử cung để thu hẹp lỗ trong cổ tử cung.
II. CHỈ ĐỊNH
– Sẩy thai liên tiếp do hở eo tử cung.
– Trong các trường hợp tiền sử sẩy thai từ hai lần trở lên mà nguyên nhân không rõ.
– Trong các trường hợp đặc biệt như song thai mà siêu âm đo chiều dài cổ tử cung dưới 25mm
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Tuổi thai trên 14 tuần.
– Viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung.
– Thai chết.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Bác sĩ chuyên khoa Phụ sản đã được đào tạo và kíp trợ thủ.
– Rửa tay, mặc áo, đội mũ, đeo khẩu trang, đi găng tay vô khuẩn.
2. Phương tiện, dụng cụ.
– Dung dịch betadine.
– Chỉ perlon.
– Van âm đạo.
3. Người bệnh
– Nằm tư thế phụ khoa.
– Giải thích mục đích khâu, tai biến có thể xảy ra sau khi khâu.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thì 1: Bộc lộ cổ tử cung.
Sát trùng, kẹp kéo cổ tử cung ra ngoài.
Thì 2: Khâu vòng.
– Dùng chỉ perlon bền chọc kim vào vị trí 11 giờ 30, ra ở vị trí 9 giờ 30, rồi tiếp tục chọc vào ở vị trí 8 giờ 30 xuống 7 giờ 30, tiếp tục chọc vào ở vị trí 5 giờ 30 lên 3 giờ 30 và mũi chọc cuối cùng vào vị trí 2 giờ 30 lên 12 giờ 30.
– Buộc chỉ ở vị trí 12 giờ.
– Cắt đầu chỉ xa nút buộc khoảng 1cm.
Thì 3: Kiểm tra nút chỉ.
– Sát trùng âm đạo và cổ tử cung.
– Khi thắt, hai mũi chỉ sẽ kéo hẹp lỗ cổ tử cung chít lại theo hai chiều đứng và ngang.
– Cắt hai đầu chỉ dài khoảng 1- 1.5cm.
VI. THEO DÕI
– Để người bệnh nghỉ lại giường sau 3 ngày để theo dõi chảy máu, cơn co tử cung, vỡ ối.
– Rút gạc sau 4-6 giờ.
– Điều trị kháng sinh (uống) và chống co tử cung.
– Thai phụ xuất viện sau 3 ngày và hướng dẫn thai phụ vào viện lại khi có: cơn co tử cung, ra máu đường âm đạo, ra nước ối đường âm đạo, ngày cắt chỉ tính vừa đủ thai 37 tuần.
VII. TAI BIẾN.
– Ra máu: thường hết ra máu (trừ trường hợp bị bệnh về máu không phát hiện trước) sau khi chèn gạc cầm máu từ 3-4 giờ.
– Nhiễm trùng: do thủ thuật tiến hành không vô trùng, hoặc do ổ nhiễm trùng đường sinh dục chưa điều trị ổn định.
– Gây sẩy thai hoặc đẻ non: do có cơn co.
– Vỡ ối, hoặc rỉ ối.
– Gãy kim vào trong cổ tử cung: nên dùng kim tròn to có độ cong nhỏ.
Nguồn tài liệu
- Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013.