02-24-2019, 05:02 PM
ĐO KHẢ NĂNG GẮN SẮT TOÀN THỂ
(Total Iron Binding Capacity - TIBC)
I. NGUYÊN LÝ
- TIBC là tổng lượng sắt có thể được gắn tối đa trên phân tử transferrin của người bệnh. TIBC được tính toán gián tiếp theo công thức:
TIBC = UIBC + sắt huyết thanh.
- Nguyên lý chung để đo TIBC chính là nguyên lý đo UIBC và đo sắt huyết thanh.
- TIBC được chỉ định trong các trường hợp cần khảo sát bilan về sắt và theo dõi điều trị cho các trường hợp thiếu máu hồng cầu nhỏ, Đánh giá khả năng đáp ứng của cơ thể với các tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt.
II. CHỈ ĐỊNH
- Giống như chỉ định UIBC;
- Đánh giá khả năng vận chuyển sắt của cơ thể.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
01 Cán bộ đại học chuyên ngành Hóa sinh và một KTV.
2. Phương tiện, hóa chất
2.1. Phương tiện
- Các máy phân tích hóa sinh như: AU 680, 640, 2700, 5800 và một số máy khác;
- Máy ly tâm;
- Tủ lạnh để bảo quản hóa chất và bảo quản QC, mẫu bệnh phẩm;
- Pipet các loại, ống sample cup;
- Ống nghiệm, đầu côn xanh và vàng;
- Giá đựng ống nghiệm;
- Nước cất 2 lần.
2.2. Hóa chất
- Hóa chất định lượng UIBC (theo qui trình đã viết);
- Hóa chất định lượng sắt huyết thanh (theo qui trình đã viết);
- Các mẫu QC được lấy từ huyết thanh của người tự nguyện khỏe mạnh đã sàng lọc các yếu tố nguy cơ gây nhiễm HIV, viêm gan B, C,..
- Hóa chất được ổn định đến ngày ghi trên nắp hộp với điều kiện không mở nắp và bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC. Không được để trong ngăn đá của tủ lạnh.
2.3. Các dụng cụ tiêu hao khác
- ống nghiệm;
- Găng tay, khẩu trang, nước rửa tay, khăn lau tay;
- Bông , cồn sát trùng, bơm kim tiêm lấy máu.
3. Người bệnh
Cần giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh về mục đích của xét nghiệm.
Người bệnh cần phối hợp để lấy máu theo đúng yêu cầu về thời gian và số lượng.
4. Phiếu xét nghiệm
Thực hiện theo y lệnh của bác sỹ lâm sàng trên phiếu xét nghiệm.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Lấy bệnh phẩm
- Thực hiện trên mẫu máu: Dùng huyết thanh hoặc huyết tương chống đông bằng lithium heparin.
- Tính ổn định của mẫu: Huyết thanh và huyết tương ổn trong 1 tuần khi bảo quản ở 2 đến 8°C và 3 tháng khi bảo quản (-20)oC.
Cần tách huyết thanh và huyết tương ngay sau khi lấy máu để tránh tình trạng tan máu vỡ hồng cầu.
Mẫu cần phải được thực hiện vào buổi sáng từ các người bệnh trong tình trạng đói, vì giá trị sắt có thể giảm xuống 30% trong suốt thời gian trong ngày.
2. Tiến hành kỹ thuật
2.1. Chuẩn bị máy phân tích
- Dựng đường chuẩn với UIBC và đường cong chuẩn với sắt huyết thanh: mỗi thông số dựa trên chuẩn 2 điểm với c ác nồng độ chuẩn khác nhau.
- Phân tích QC của 2 thông số UIBC và sắt huyết thanh: ở cả 2 level với mỗi thông số. Khi QC đạt mới tiến hành phân tích mẫu.
2.2. Phân tích mẫu
- Mẫu bệnh phẩm nên được tiến hành phân tích trong vòng 2h.
- Mẫu sau khi ly tâm chuyển vào khay đựng bệnh phẩm trên máy phân tích.
- Đánh số (hoặc ID của người bệnh); chọn làm 2 test đồng thời UIBC và sắt huyết thanh. Sau đó vận hành theo chương trình đã được cài đặt trong máy, máy sẽ tự động phân tích.
2.3. Tính kết quả
Kết quả được tính theo công thức: TIBC = UIBC + sắt huyết thanh
VI. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
Trị số tham khảo: Giá trị bình thường ở người khỏe mạnh là 28 -110µmol/L.
VII. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
- Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả khi: Mẫu máu bị huyết tán, nồng độ bilirubin > 200mg/L. Triglycerid máu >5 mmol/L.
- Xử trí: Khi lấy máu tránh gây vỡ hồng cầu, mẫu bị vỡ hồng cầu nên loại lấy mẫu máu khác thay thế.
Nguồn: Quyết định 3336/QĐ-BYT