08-03-2016, 10:16 PM
TỔNG PHÂN TÍCH NƯỚC TIỂU (Bằng máy tự động)
I. NGUYÊN LÝ
10 thông số hoá sinh nước tiểu được bán định lượng bằng thanh giấy thử sử dụng kỹ thuật đo phản quang. Riêng xét nghiệm tỷ trọng nếu thực hiện trên máy Urisys 2400 thì được đo bằng khúc xạ kế và kết quả có giá trị định lượng.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Nhân viên xét nghiệm khoa Hóa sinh.
2. Phương tiện, hóa chất
2.1. Máy phân tích nước tiểu tự động: Urisys 2400, Siegmen, …
2.2. Hóa chất
Urisys 2400 casette
Hóa chất được bảo quản ở 25 – 30oC.
3. Người bệnh
Cần được tư vấn về mục đích xét nghiệm
4. Phiếu xét nghiệm
Thực hiện theo chỉ định của bác sĩ lâm sàng.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Lấy bệnh phẩm
Nước tiểu
Nước tiểu (tốt nhất lấy vào buổi sáng), bảo quản ở 2 - 8oC.
2. Tiến hành kỹ thuật
2.1. Chuẩn bị hóa chất
Chuẩn bị hóa chất.
2.2. Tiến hành kỹ thuật
- Với máy tự động :
+ Bệnh phẩm được phân tích trên máy phân tích tự động Urisys 2400 theo chương trình của máy.
- Với máy bán tự động
+ Nhúng ướt toàn bộ thanh thử vào nước tiểu.
+ Đặt thanh thử vào khay đựng test.
+ Nhấn nút Start. Máy sẽ tự phân tích và in ra kết quả.
- Kết quả sau khi được đánh giá sẽ được chuyển vào phần mềm quản lý dữ liệu hoặc vào sổ lưu kết quả (tùy thuộc vào điều kiện của phòng xét nghiệm).
- Trả kết quả cho khoa lâm sàng, cho người bệnh
IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
1. Tỉ trọng
Bình thường tỷ trọng nước tiểu vào khoảng 1,014 - 1,028. Tỷ trọng tăng trong bệnh ĐTĐ, giảm trong bệnh đái tháo nhạt. Tỷ trọng thấp kéo dài cũng thường gặp trong suy thận.
2. pH
- Bình thường pH từ 5 - 6.
- pH axit: Đái tháo đường không kiểm soát, mất nước, đói lả.
- pH kiềm: nhiễm khuẩn tiết niệu
3. Các chất cetonic
Bình thường không có các chất cetonic trong nước tiểu. Khi chúng xuất hiện thì có thể người bệnh mắc bệnh đái đường có biến chứng toan ceto, người bệnh nhịn đói lâu ngày, nôn mửa kéo dài, trong một vài trường hợp ngộ độc.
4. Máu
- Bình thường không có hồng cầu trong nước tiểu.
- Dương tính và hồng cầu còn nguyên: Sỏi thận, lao thận, ung thư thận, viêm thận.
- Dương tính và hồng cầu đã vỡ: tan máu như sốt rét, vàng da do tan máu, ngộ độc photpho…
5. Bilirubin (Sắc tố mật)
- Bình thường Bilirubin không có mặt trong nước tiểu.
- Dương tính: có tổn thương của gan hoặc đường dẫn mật.
6. Urobilinogen
- Bình thường có ít trong nước tiểu.
- Tăng: bệnh gan hoặc tan huyết
- Nếu tắc mật hoàn toàn thì không có Urobilinogen trong nước tiểu.
7. Protein niệu
- Bình thường nước tiểu có chứa một lượng nhỏ Protein không đủ tạo ra phản ứng dương tính trên giấy thử.
- Dương tính: bệnh thận, nhiễm trùng tiết niệu, TH , ngộ độc thai nghén, suy tim xung huyết.
8. Đường niệu
- Bình thường không có Glucose trong nước tiểu.
- Dương tính: ĐTĐ, Stress, Viêm tuỵ cấp, Cushing, sau gây mê...
9. Nitrit
- Bình thường không có trong nước tiểu
- Dương tính: nhiễm trùng tiết niệu
10. Bạch cầu
Dương tính: nhiễm trùng bàng quang hay thận.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
1. Trước phân tích
Nước tiểu của người bệnh phải lấy đúng kỹ thuật, không lẫn máu, mủ.
Trên dụng cụ đựng mẫu bệnh phẩm phải ghi đầy đủ các thông tin của người bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, khoa/ phòng, số giường…). Các thông tin này phải khớp với các thông tin trên phiếu chỉ định xét nghiệm. Nếu không đúng: hủy và lấy lại mẫu.
2. Trong phân tích
Mẫu bệnh phẩm của người bệnh chỉ được thực hiện khi kết quả kiểm tra chất lượng không vi phạm các luật của quy trình kiểm tra chất lượng; nếu không, phải tiến hành chuẩn và kiểm tra chất lượng lại, đạt mới thực hiện xét nghiệm cho người bệnh; nếu không đạt: tiến hành kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của máy, sửa chữa hoặc thay mới các chi tiết nếu cần. Sau đó chuẩn và kiểm tra chất lượng lại cho đạt.
3. Sau phân tích
Phân tích kết quả thu được với chẩn đoán lâm sàng, với kết quả các xét nghiệm khác của chính người bệnh đó; nếu không phù hợp, tiến hành kiểm tra lại: thông tin trên mẫu bệnh phẩm, chất lượng mẫu, phân tích lại mẫu bệnh phẩm đó.
Theo quyết định số: 320 /QĐ-BYT ngày 23 tháng 01 năm 2014