12-14-2015, 11:44 AM
Vi khuẩn kháng thuốc định tính
I. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN LÝ
1. Mục đích
Xác định mức độ nhạy cảm với kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh.
2. Nguyên lý
Mức độ nhạy cảm với kháng sinh của các chủng vi khuẩn thử nghiệm được đánh giá bằng phương pháp kháng sinh khuếch tán trong thạch. Sự phát triển của vi khuẩn sẽ bị ức chế khi kháng sinh đạt đến một nồng độ nhất định. Đường kính vùng ức chế tỷ lệ thuận với mức độ nhạy cảm được phiên giải ra các phân loại S (sensitive – nhạy cảm), I (intermediate – trung gian), hoặc R (resistant – đề kháng) khi so sánh với bảng chuẩn CSLI cập nhật hàng năm.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Người thực hiện Cán bộ xét nghiệm đã được đào tạo và có chứng chỉ hoặc chứng nhận về chuyên ngành Vi sinh.
- Người nhận định và phê duyệt kết quả: cán bộ xét nghiệm có trình độ đại học hoặc sau đại học về chuyên ngành Vi sinh.
2. Phương tiện, hóa chất
Phương tiện, hóa chất như ví dụ dưới đây hoặc tương đương.
2.1 . Trang thiết bị
- Tủ ấm
- Tủ an toàn sinh học cấp 2
- Máy lắc
- Ống độ đục chuẩn McFarland 0.5
2.2. Dụng cụ, hóa chất và vật tư tiêu hao (bao gồm nội kiểm, ngoại kiểm)
- Khoanh giấy kháng sinh
- Que cấy
- Thạch Muller Hinton
- Thạch máu
- Giấy kháng sinh đồ
- Bông
- Cồn 90 độ (vệ sinh dụng cụ)
- Panh
- Khay đựng bệnh phẩm
- Hộp vận chuyển bệnh phẩm
- Mũ
- Khẩu trang
- Găng tay
- Găng tay xử lý dụng cụ
- Quần áo bảo hộ
- Nước muối sinh lý
- Ống nghiệm thủy tinh
- Tăm bông vô trùng
- Bút viết kính
- Bút bi
- Bật lửa
- Sổ lưu kết quả xét nghiệm
- Cồn sát trùng tay nhanh
- Dung dịch nước rửa tay
- Khăn lau tay
- QC (nếu thực hiện) *
- EQAS (nếu thực hiện) *
* Ghi chú:
- Chi phí nội kiểm cho quy trình kỹ thuật được tính cụ thể theo Chương trình nội kiểm (QC) là 1/10 tổng chi phí dụng cụ, hóa chất, vật tư tiêu hao (với số lượng ≥ 10 mẫu cho 1 lần tiến hành kỹ thuật).
- Chi phí ngoại kiểm cho quy trình kỹ thuật được tính cụ thể theo Chương trình ngoại kiểm (EQAS) là 1/200 tổng chi phí dụng cụ, hóa chất, vật tư tiêu hao (với số lần ngoại kiểm trung bình 2 lần/1 năm).
3. Bệnh phẩm
Chủng vi khuẩn được xác định là căn nguyên gây bệnh, thuần và mới.
4. Phiếu xét nghiệm
Điền đầy đủ thông tin theo mẫu phiếu yêu cầu.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Các bước tiến hành thực hiện theo phương tiện, hóa chất được ví dụ ở trên.
1. Lấy bệnh phẩm
Chủng vi khuẩn cần thử nghiệm đã được nuôi cấy thuần nhất trong điều kiện tối ưu và đang ở giai đoạn phát triển mạnh (nuôi cấy sau 16-24 giờ).
2. Tiến hành kỹ thuật
2.1. Pha huyền dịch vi khuẩn
Dùng que cấy lấy vi khuẩn từ 3-5 khuẩn lạc có hình thái giống nhau nghiền đều vào ống nước muối sinh lý 5 ml, lắc đều trên máy lắc để có huyền dịch đồng nhất. So sánh độ đục của huyền dịch vi khuẩn với độ đục của ống McFarland 0,5.
2.2 . Dàn đều canh khuẩn lên mặt đĩa thạch
Dùng tăm bông vô trùng nhúng vào ống huyền dịch vi khuẩn đã pha ở trên, ép nhẹ và xoay tròn tăm bông trên thành bên của ống huyền dịch vi khuẩn để loại bớt phần huyền dịch vi khuẩn đã thấm vào đầu tăm bông. Sau đó, ria đều que tăm bông trên toàn bộ mặt đĩa thạch Mueller-Hinton sao cho vi khuẩn được dàn đều lên trên toàn bộ bề mặt đĩa thạch
2.3. Đặt các khoanh giấy kháng sinh lên mặt thạch
Các khoanh giấy sau khi đặt cần được ấn xuống vừa phải để đảm bảo chúng được tiếp xúc hoàn toàn với mặt thạch. Trong vòng 15 phút sau khi đặt khoanh giấy kháng sinh, các đĩa thạch phải được lật úp để trong tủ ấm 35ºC.
2.4. Ủ đĩa thạch trong tủ ấm 16 - 24 giờ
IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
Chỉ đọc kết quả kháng sinh đồ chủng người bệnh khi kết quả QC đạt.
Đo đường kính vùng ức chế (bao gồm cả đường kính của khoanh giấy kháng sinh) tính theo mm.
Phiên giải đường kính vùng ức chế ra kết quả S, I, R theo hướng dẫn của CLSI cập nhật hàng năm.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
Quy trình này chỉ áp dụng cho các chủng vi khuẩn hiếu kỵ khí tùy tiện dễ nuôi cấy, không áp dụng cho các vi khuẩn kỵ khí bắt buộc.
Sai sót có thể gặp khi:
- Lẫn hai hay nhiều chủng vi khuẩn
- Vi khuẩn mọc quá dày hoặc quá thưa.
Phải tiến hành làm lại khi thấy các hiện tượng như trên.
Theo quyết định số 26 /QĐ-BYT ngày 03 tháng 01 năm 2013