11-29-2015, 11:38 PM
NHUỘM SỢI VÕNG THEO GOMORI
I. NGUYÊN LÝ
Dựa vào tính ưa bạc của sợi võng, người ta đã sử dụng phương pháp nhuộm tẩm/ngấm bạc để phát hiện loại sợi đặc biệt này. Hai phương pháp nhuộm sợi võng thông dụng nhất là Gomori và Gordon – Sweet. Bước đầu tiên của quy trình là thực hiện oxy hóa chất đường hexose có trong sợi võng để tạo ra aldehit. Bước tiếp theo làm “tăng độ nhạy” do lắng đọng thành phần kim loại (ammonium sunfat) quanh sợi võng. Hiện tượng tẩm/ngấm bạc xảy ra khi dung dịch bạc diamin hoặc bạc ammoniac bị oxy hóa tạo ra aldehit. Oxy hóa tiếp theo của bạc diamin khi mảnh cắt được chuyển vào trong formaldehit. Bước này được gọi là “tráng bạc”. Sau cùng, kim loại vàng có trong clorua vàng đã thay thế kim loại bạc để làm tăng độ “sắc nét” sợi võng, làm chúng chuyển từ màu nâu sang màu đen.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 02
2. Phương tiện, hóa chất
2.1. Phương tiện, hóa chất chung
- Dung dịch cố định bệnh phẩm.
- Cồn (70o, 80o, 95o , 100o).
- Xylen hay toluen.
- Nước cất 2 lần.
- Parafin.
- Sáp ong.
- Albumin + glyxerin.
- Máy đo độ pH điện tử.
- Máy chuyển bệnh phẩm tự động.
- Máy đúc khối parafin.
- Bàn hơ dùng điện.
- Máy cắt lát mỏng (microtome).
- Lưỡi dao cắt lát mỏng.
- Lò nấu parafin.
- Tủ ấm 37o và 56o.
- Tủ lạnh.
- Điều hòa nhiệt độ.
- Tủ hốt phòng thí nghiệm.
- Nguồn cấp nước chảy.
- Bể nhuộm bằng thủy tinh.
- Bể thủy tinh đựng cồn, xylen.
- Hộp bằng thép không rỉ đựng parafin.
- Khuôn nhựa.
- Giá đựng tiêu bản (đứng và nằm ngang).
- Cốc đong loại 1000ml, 500ml, 100ml và 50ml.
- Ống hút bằng nhựa, quả bóp cao su hút hóa chất.
- Kẹp không mấu, kéo.
- Cân phân tích.
- Giấy lọc.
- Phiến kính, lá kính.
- Axit picric ngâm, làm sạch phiến kính.
- Bôm Canada hoặc keo gắn lá kính.
- Kính hiển vi 2 mắt để kiểm tra kết quả nhuộm.
- Kính phòng hộ, găng tay các loại, mặt nạ phẫu thuật, áo choàng phẫu thuật.
2.2. Phương tiện, hóa chất riêng biệt cho kỹ thuật
Phẩm nhuộm (hoặc dùng phẩm nhuộm có sẵn của các hãng hoặc pha như hướng dẫn dưới đây): hydroxit kali, bạc nitrat, ammonium.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Cố định
Bệnh phẩm được lấy ra khỏi cơ thể được cố định ngay trong dung dịch formol đệm trung tính 10% với tỷ lệ thể tích dung dịch cố định nhiều gấp 20 -30 lần thể tích bệnh phẩm. Thời gian cố định từ 2-12 giờ tuỳ theo mảnh bệnh phẩm to hay nhỏ.
Sau cố định, bệnh phẩm được thực hiện qua các khâu kỹ thuật sau:
2. Chuyển bệnh phẩm
3. Vùi parafin
4. Đúc khối parafin
5. Cắt và dán mảnh cắt
6. Nhuộm mảnh cắt
6.1. Chuẩn bị phẩm nhuộm
Cứ 10ml dung dịch hydroxit kali 10% lại thêm 40ml dung dịch bạc nitrat 10%. Sau đó để tủa lắng cặn và gạn bỏ chất nổi trên bề mặt dung dịch, chỉ để lại chất tủa. Rửa chất tủa lắng cặn vài lần bằng nước cất. Thêm từng giọt ammonium cho tới khi chất tủa được hoà tan hết. Tiếp theo, thêm dung dịch bạc nitrat 10% cho tới khi xuất hiện lại một chút chất tủa. Sau đó, thêm nước cất vào dung dịch vừa pha để thành 100ml và lọc. Cất trữ vào bình màu sẫm.
6.2. Tiến hành kỹ thuật
1. Tẩy parafin các mảnh cắt bằng 3 bể toluen (xylen), mỗi bể 2 phút
2. Chuyển vào các bể cồn 100°, 95°, 80° mỗi bể 2 phút
3. Rửa trong nước cất 3 – 5 phút
4. Xử lý bằng dung dịch permanganat kali 1% x 2 phút.
5. Rửa dưới vòi nước chảy.
6. Làm trắng trong dung dịch metabisunfat kali 2% .
7. Rửa dưới vòi nước chảy.
8. Xử lý bằng dung dịch phèn sắt (iron alum) 2% x 2 phút.
9. Rửa vài lần bằng nước cất.
10. Đặt mảnh cắt vào trong bình Coplin đựng dung dịch bạc x 1 phút.
11. Rửa vài lần bằng nước cất.
12. Khử bằng dung dịch nước formalin 4% x 3 phút.
13. Rửa dưới vòi nước chảy.
14. Làm sắc nét bằng dung dịch clorua vàng 0,2% x 10 phút.
15. Rửa dưới vòi nước chảy.
16. Xử lý bằng dung dịch metabisunfat kali 2% x 1 phút.
17. Rửa dưới vòi nước chảy.
18. Xử lý bằng dung dịch sodium thiosunfat 2% x 1 phút.
19. Rửa dưới vòi nước chảy.
20. Nhuộm đối màu bằng van Gieson hoặc eosin.
21. Đẩy nước bằng cồn 95° và 100°
22. Làm trong bằng 3 bể toluen sạch
23. Gắn lá kính
IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
- Sợi võng: Đen
- Nhân: Xám nhạt
- Mô khác: Phụ thuộc chất nhuộm đối màu
V. MỘT SỐ SAI SÓT VÀ CÁCH XỬ TRÍ
Nên dùng bình thót cổ đựng dung dịch bạc và khuấy kỹ mỗi khi thêm một giọt amoniac, vì nếu thêm quá nhiều amoniac sẽ làm cho dung dịch bạc kém tác dụng. Dung dịch bạc có thể pha hàng ngày trước sử dụng, nếu cần thiết.
Dung dịch bạc amoniac có thể cất trữ ở 4°C trong vài tuần. Dung dịch này có thể nổ, nếu để tiếp xúc tực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Thời gian xử lý bằng dung dịch bạc – amoniac rất khác nhau phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường và hiệu lực của dung dịch bạc.
Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT