11.1. LƠ-XÊ-MI KINH DÒNG BẠCH CẦU HẠT
11.1.1. Khái niệm về bệnh lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt
Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (LXMKDBCH) là một bệnh lý ác tính của tuỷ xương, đặc trưng bởi sự tăng sinh quá mức dòng bạch cầu hạt biệt hoá ở các lứa tuổi khác nhau, dẫn tới hậu quả là số lượng bạch cầu hạt tăng cao và găp đủ các lứa tuổi từ non đến già ở máu ngoại vi.
Đa số bệnh nhân LXMKDBCH có một nhiễm sắc thể (NST) đột biến gọi là NST Philadelphia (NST Ph1). Ở mức độ phân tử, đột biến tạo ra NST Ph1 biểu hiện bởi gen tổ hợp bcr-abl. Gen ung thư này mã hoá tạo ra một phân tử protein có hoạt tính tyrosine kynase cao bất thường gọi là p210. Hậu quả của quá trình này gây ra sự rối loạn về truyền tín hiệu sinh sản và biệt hoá đối với các tế bào dòng bạch cầu hạt, gây sự tăng sinh không kiểm soát nổi.
Về lâm sàng, bệnh LXMKDBCH chia làm 3 giai đoạn: mạn tính, tăng tốc và chuyển cấp (trở thành lơ-xê-mi cấp). Trong giai đoạn mạn tính, biểu hiện lâm sàng đặc trưng nhất là dấu hiệu lách rất to, ngoài ra bệnh nhân thường có các biểu hiện khác như thiếu máu, biến chứng tắc mạch và các triệu chứng chung của bệnh lý ác tính như sốt, sụt cân v.v… Trong giai đoạn tăng tốc và chuyển cấp, có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu của lơ-xê-mi cấp như thiếu máu tăng dần, nhiễm trùng, xuất huyết.
11.1.2. Một số biến đổi tế bào máu ngoại vi gặp trong bệnh LXMKDBCH
Ở giai đoạn mạn tính, biểu hiện điển hình của LXMKDBCH khi xét nghiệm tế bào máu ngoại vi là tình trạng số lượng bạch cầu tăng cao (phần lớn trường hợp trên 100x10[sup]9[/sup]/L khi phát hiện bệnh). Công thức bạch cầu thường thấy đủ các lứa tuổi trung gian dòng bạch cầu hạt, từ nguyên tuỷ bào, tiền tuỷ bào, tuỷ bào, hậu tuỷ bào, bạch cầu đũa và bạch cầu đoạn trung tính. Đây là những dấu hiệu đặc trưng, rất có giá trị khi gợi ý chẩn đoán xác định bệnh.
Một dấu hiệu khá đặc trưng nữa ở giai đoạn mạn tính của bệnh LXMKDBCH là có sự tăng bạch cầu hạt ưa acid và ưa bazo cả về số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ phần trăm trong công thức bạch cầu. Đặc biệt, dấu hiệu tăng bạch cầu hạt ưa bazo rất đặc trưng và có thể xuất hiện khá lâu trước khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh.
Khoảng 50-70% bệnh nhân LXMKDBCH có tăng số lượng tiểu cầu, thậm chí tăng trên 1000x10[sup]9[/sup]/L trong một số trường hợp. Tiểu cầu có thể bất thường về kích thước, chẳng hạn xuất hiện các tiểu cầu kích thước lớn. Tiểu cầu tăng cùng với bạch cầu làm trầm trọng thêm nguy cơ tắc mạch cho bệnh nhân LXMKDBCH.
Đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh có biểu hiện thiếu máu ở các mức độ khác nhau, thường là mức độ nhẹ hoặc trung bình. Có biểu hiện thiếu máu bình sắc, tế bào hồng cầu kích thước bình thường. Mức độ thiếu máu thường tỷ lệ với mức độ tăng bạch cầu, bạch cầu càng cao thì hồng cầu giảm càng nhiều.
Trong giai đoạn tăng tốc và chuyển cấp, có biểu hiện giảm số lượng hồng cầu và tiểu cầu. Trong máu ngoại vi tăng tỷ lệ tế bào non ác tính (tế bào blast) hoặc tế bào đầu dòng dòng bạch cầu hạt (nguyên tủy bào và tiền tuỷ bào).
11.1.3. Những thay đổi của tuỷ xương trong bệnh LXMKDBCH
Tuỷ xương trong LXMKDBCH thường giàu tế bào (số lượng tế bào tuỷ tăng cao trên 100x10[sup]9[/sup]/L). Có tình trạng tăng sinh tế bào tuỷ xương, chủ yếu dòng bạch cầu hạt đủ các lứa tuổi. Ở giai đoạn mạn tính tỷ lệ nguyên tuỷ bào thường không quá 5% tế bào có nhân trong tuỷ. Nhìn chung hình thái tế bào dòng bạch cầu hạt không có rối loạn nhiều. Thường tăng cả các tế bào bạch cầu hạt ưa bazo và ưa acid ở các tuổi trung gian và trưởng thành.
Số lượng mẫu tiểu cầu thường tăng tuy nhiên hình thái không có rối loạn đáng kể.
Số lượng tế bào dòng hồng cầu thường giảm. Tỷ lệ dòng tuỷ : dòng hồng cầu (tỷ lệ M:E) thường tăng cao từ 10-30:1 (thay vì 3-4:1 như bình thường). Hình 11.1 minh hoạ hình ảnh tiêu bản máu (a) và tuỷ (b) bệnh LXMKDBCH.
Xét nghiệm sinh thiết tủy xương thường phát hiện thấy tình trạng tăng sinh xơ.
Hình 11.1. Hình ảnh tiêu bản tế bào máu ngoại vi và tuỷ xương trong LXMKDBCH
11.2. LƠ-XÊ-MI KINH DÒNG LYMPHO
11.2.1. Khái niệm về bệnh lơ-xê-mi kinh dòng lympho
Lơ-xê-mi kinh dòng lympho (LXMKDLP) là một bệnh lý ác tính hệ tạo máu, đặc trưng bởi tự tăng sinh và tích luỹ ở máu ngoại vi, tủy xương, hạch lympho và ở lách các tế bào lympho trưởng thành.
Bệnh LXMKDLP thường gặp ở người tuổi trung niên trở lên. Nhiều bệnh nhân chưa có triệu chứng lâm sàng khi phát hiện bệnh (chủ yếu nhờ xét nghiệm tế bào máu ngoại vi khi khám sức khoẻ định kỳ). Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã có ít nhất một trong các triệu chứng như hạch to, gan hoặc lách to, thiếu máu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có biểu hiện chảy máu, tan máu hoặc nhiễm trùng.
LXMKDLP được chia thành giai đoạn theo phân loại bệnh. Xin giới thiệu trong bài này phân loại giai đoạn bệnh của Rai, cụ thể như sau:
· Giai đoạn 0: Số lượng tế bào lympho trên 15x10[sup]9[/sup]/L;
· Giai đoạn I: Như giai đoạn 0 + hạch to;
· Giai đoạn II: Như giai đoạn 0 + lách hoặc gan to;
· Giai đoạn III: Như giai đoạn 0 + thiếu máu (hemoglobin dưới 100 g/L) và/hoặc hạch to và/hoặc gan lách to;
· Giai đoạn IV: Như giai đoạn 0 + giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu dưới 100x10[sup]9[/sup]/L và/hoặc hạch to và/hoặc gan lách to.
11.2.2. Những thay đổi tế bào máu ngoại vi trong bệnh LXMKDLP
Số lượng tế bào lympho tăng trên 10x10[sup]9[/sup]/L (thường tăng trên 30x10[sup]9[/sup]/L khi phát hiện bệnh).
Tế bào lympho thường không có biểu hiện rối loạn hình thái, kích thước hơi nhỏ hoặc bình thường. Có thể gặp một số tế bào tiền lympho hoặc tế bào lympho trưởng thành có rối loạn hình thái như tế bào lớn, nhiều nguyên sinh chất, nhân chẻ v.v… (hình 11.2)
Ở nước ta, bệnh nhân LXMKDLP thường được phát hiện khi đã ở vào những giai đoạn muộn của bệnh, do đó thường có thêm những biểu hiện khác như giảm số lượng hồng cầu, tiểu cầu.
Hình 11.2. Hình ảnh tế bào máu ngoại vi trong LXMKDLP
11.2.3. Những thay đổi của tuỷ xương trong bệnh LXMKDLP
Trong LXMKDLP tuỷ xương có tình trạng tăng sinh và tích luỹ tế bào lympho, thay thế các tế bào máu bình thường.
Sinh thiết tuỷ xương cho thấy tình trạng tăng sinh và xâm nhiễm tế bào lympho thường là lan toả, tuy nhiên một số trường hợp tế bào lympho phân bố khu trú theo dạng nang lympho.