(06-02-2014, 08:19 PM)colour123 Đã viết: xin thầy cô hướng dẫn e cách tiến hành làm xét nghiệm TS TC...
TS là thời gian máu chày:
Phương pháp Duke
1. Nguyên lý:
Đo thời gian máu chảy từ khi tạo vết thương ở vùng dái tai đến khi máu ngừng chảy.
Thời gian máu chảy phụ thuộc vào sự bền vững của thành mạch, số lượng và chức năng của tiểu cầu.
2. Tiến hành kỹ thuật
- Dùng ether sát trùng nhẹ nhàng vùng dái tai. Đợi 1-2 phút cho ether bay hơi.
- Dùng kim chích chọc dứt khoát vào vùng giữa dái tai tạo một vết thương rộng 5mm sâu 2mm. Khởi động đồng hồ bấm giây.
- Cứ 30 giây một lần, dùng giấy thấm các giọt máu chảy ra từ vết chích cho đến khi máu ngừng chảy, bấm đồng hồ ngừng lại.
3. Kết quả
- Thời gian máu chảy thường dưới 5 phút. Trị số này có thể thay đổi tuỳ phòng xét nghiệm.
- Khi thời gian máu chảy kéo dài trên 5 phút, nên kiểm tra ở tai đối diện hoặc tốt nhất nên tiến hành theo phương pháp Ivy.
- Thời gian máu chảy kéo dài trong các bệnh lý về thành mạch (thiếu vitamin C ...), bệnh lý về số lượng, chất lượng tiểu cầu (xuất huyết giảm tiểu cầu, Glanzmann...).
TC là xét nghiệm thời gian máu đông
I. PHƯƠNG PHÁP MILIAN 1. Nguyên lý:
Xác định thời gian đông của giọt máu từ khi chích máu đến khi hình thành sợi huyết.
2. Tiến hành
- Đánh số 2 lam 1, 2
- Sát khuẩn đầu ngón tay
- Chờ cồn khô, chích máu
- Bấm đồng hồ tính giờ
- Nhỏ 2 giọt máu lên 2 lam kính
- Nghiêng 45o khảo sát sự đông.
- Cứ 30s khảo sát một lần, đến khi giọt 1 đông hẳn, lấy giọt 2 ra khảo sát tương tự, khi giọt 2 đông bấm đồng hồ dừng lại.
- Kết quả là thời gian đông của giọt máu số 2. 3. Kết quả:
- Thời gian máu đông bình thường từ 5 – 10 phút
- > 15 phút là bất thường.
II. PHƯƠNG PHÁP LEE – WHITE 1. Nguyên lý:
Xác định thời gian đông của ống máu từ khi máu chảy vào đốc kim đến khi hình thành cục đông.
2. Tiến hành kỹ thuật
- Chuẩn bị 2 ống nghiệm cho mỗi bệnh nhân, ghi tên, tuổi, khoa, phòng.
- Dùng bơm tiêm nhựa lấy 2-3ml máu tĩnh mạch (yêu cầu động tác nhanh, gọn, chọc chính xác, không luồn lách kim, không chọc đi chọc lại).
- Khi máu chẩy vào đốc kim, bấm đồng hồ tính giờ.
- Phân phối đều vào 2 ống nghiệm đã chuẩn bị. Mỗi ống 1-1,5ml , lưu ý tránh làm nổi bọt khi cho máu vào ống nghiệm.
- Để 2 ống máu vào nồi cách thuỷ 37oC.
- Sau 3 phút, cứ 30 giây nghiêng nhẹ nhàng ống 1 để kiểm tra cho đến khi máu đông.
- Tiếp tục kiểm tra ống thứ 2 như ống thứ nhất. Bấm đồng hồ dừng lại khi máu ở ống thứ 2 đông chặt. Thời gian đông máu là thời gian đến khi máu ở ống thứ 2 đông.
3. Kết quả
- Bình thường thời gian đông của ống 1 từ 6-8 phút và của ống 2 từ 8-10 phút. Sự chênh lệch thời gian đông giữa ống 2 và ống 1 từ 2’-2’30”. Tuy nhiên trị số bình thường của thời gian máu đông phụ thuộc nhiều vào từng điều kiện kỹ thuật, động tác của kỹ thuật viên, vì vậy mỗi phòng xét nghiệm nên có một trị số riêng của mình.
- Thời gian máu đông kéo dài thưòng gặp trong các trường hợp rối loạn đường đông máu nội sinh như Hemophilie, điều trị heparin v.v...
- Đây là một xét nghiệm thô, đơn giản nên độ chính xác bị hạn chế ngay cả khi đã tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện kỹ thuật. Vì vậy thời gian máu đông bình thường không có nghĩa là hệ thống đông máu bình thường.
- Thời gian máu đông có thể vẫn bình thường ở bệnh nhân có số lượng tiểu cầu giảm nặng và ngay cả bệnh nhân Hemophilie.