04-20-2012, 12:57 PM
1. Đại cương về mã tiền
Mã tiền còn có tên gọi khác là Củ chi, Phan mộc thiết. Có tên khoa học là: Strychnos nux-vomica. Thuộc họ mã tiền (Loganiaceae).
Cây gỗ cao 5-12m, tới 25m, phân cành trên 7m. Vỏ thân màu xám trắng. Lá đơn, mọc đối, mặt trên bóng có 5 gân hình cung, gân nhỏ hình mạng. Cụm hoa mọc ở nách lá đầu cành. Hoa trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Quả hình cầu, đường kính 2,5-4cm khi chín màu vàng lục, chứa 1-5 hạt hình tròn dẹt như chiếc khuy áo, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt bóng.
2. Tác dụng
Thường dùng trị:
- Ăn uống không biết ngon, tiêu hoá kém.
- Phong thấp nhức mỏi tay chân, bại liệt.
- Trị đau dây thần kinh, liệt do rượu, liệt não do có nguồn gốc tuỷ.
- Suy nhược thần kinh, suy mòn.
- Ho lao mạn tính.
- Ðái dầm.
3. Độc tính:
Hạt Mã tiền có chứa các alcaloid chính là strychnin, brucin. Trong đó strychnin là một chất rất độc.
4. Triệu chứng ngộ độc
- Kích thích, biểu hiện kiểu co giật, co cứng và rất đau ở các cơ: há miệng khó, cứng gáy, cảm giác thắt ngực. Co giật từng bộ phận hoặc toàn thân. Nếu co giật nhiều dẫn tới bất tỉnh, tử vong.
- Hiện tượng co cứng, co giật rất dễ xuất hiện khi nạn nhân bị kích thích bởi tiếng động, ánh sáng, va chạm.
- Thở nhanh, mạch nhanh hoặc chậm, yếu, vã mồ hôi, tím tái.
- Tăng thân nhiệt, thiểu niệu.
- Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Nhưng nếu được cấp cứu kịp thời kết quả thường tốt.
5. Điều trị ngộ độc
- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): chỉ làm với bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên, khi bệnh nhân tỉnh táo, nói được rõ và mới ăn, uống chất độc xong trong vòng 1 giờ. Cho bệnh nhân tự uống nưuớc, sau đó dùng ngón tay, cán bàn chải đánh răng hoặc tăm bông ngoáy họng tự gây nôn.
- Uống than hoạt tính: nếu bệnh nhân tỉnh, nói được rõ, tự uống được, trên 2 tuổi và mới ăn, uống xong trong vòng vài giờ. Liều 1 gam than hoạt tính cho 1 kg cân nặng của bệnh nhân.
- Bệnh nhân co giật, co cứng: không để bệnh nhân ngã, đặt tư thế nằm ngửa, cổ ngửa và quay sang một bên hoặc cả người nằm nghiêng sang một bên. Không dùng vật cứng để chèn vào miệng bệnh nhân để chống cắn.
- Thở yếu, chậm, ngừng thở hoặc tím tái: đặt bệnh nhân nằm ngửa, cổ ngửa, dùng ngón tay móc lấy bỏ các mảnh thức ăn, dị vật trong miệng và hô hấp nhân tạo trực tiếp (thổi ngạt) bằng phương pháp miệng - miệng hoặc miệng mũi.
6. Xét nghiệm.
6.1 Mẫu thử
Mẫu thử là phủ tạng,dịch dạ dày, chất nôn của nạn nhân hoặc tang vật như hạt, rượu ngâm...
6.2 Xử lý mẫu
Xử lý chiết mẫu trong môi trường kiềm (cắn B).
6.3 Xác định
- Phản ứng màu
- Sắc ký lớp mỏng
- Sắc ký lỏng cao áp (HPLC)
- Quang phổ UV - VIS
- Thử phản ứng trên sinh vật.