01-06-2013, 10:29 PM
VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI
1. Đặc điểm sinh vật học
1.1. Hình thể và tính chất bắt màu
H.pylori có hình xoắn hoặc hơi cong dạng sừng bò hoặc như hình chữ U, C, kích thước 0,5μm x 3-5μm. Trong bệnh phẩm có hình cong, mảnh, hoặc hình dấu hỏi, hình chữ S. Trên môi trường nuôi cấy lâu ngày có thể hình cầu. Có chùm lông ở một đầu, di động mạnh, không có vỏ, không sinh nha bào, bắt màu gram âm.
1.2. Tính chất nuôi cấy
Nuôi cấy H.pylori rất khó. Môi trường nuôi cấy phải giàu chất dinh dưỡng như thạch pylori (thạch có huyết thanh ngựa) hoặc thạch não tim có 7% huyết thanh ngựa. Thường dùng môi trường thạch máu có thêm vitamin và một số kháng sinh như amphotericin (2μg/ml); trimethoprim (5μg/ml)… để ức chế nấm và một số vi khuẩn khác. Vi khuẩn thích hợp ở nhiệt độ 37oC và khí trường 7% CO2. Vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ từ 30-40oC. Một số môi trường khác như Thayer Martin, môi trường sữa-lòng đỏ trứng nuôi cấy cũng có hiệu quả tốt. Mặc dù vi khuẩn sống được ở pH thấp của dạ dày nhưng khi nuôi cấy vi khuẩn thích hợp ở pH từ 6,7 - 8.
Trên môi trường nuôi cấy, khuẩn lạc trong hoặc xám nhạt, đường kính 1mm, có sau 48-72 giờ, đôi khi tan máu.
1.3. Tính chất sinh vật hoá học
- Men urease (+++); đây là tính chất quan trọng để phân biệt với Campylobacter.
- Catalase (+), oxydase (+).
- Nitrat (-).
- Nhậy cảm với cephalothin.
- Đề kháng với acid nalidixic.
1.4. Sức đề kháng
H.pylori có sức đề kháng cao hơn một số vi khuẩn đường ruột khác. Qua các nghiên cứu cho thấy thực chất H.pylori không phải là vi khuẩn ưa acid vì chúng bị tiêu diệt rất nhanh ở môi trường có pH là 3,1-3,5 trong khi chúng tồn tại lâu ở dạ dày có pH là 2,5 -3,0. Có hiện tượng trên vì H.pylori có khả năng tiết men urease rất mạnh, phân giải urê trong dạ dày tạo thành amoniac bao quanh vi khuẩn làm cho vi khuẩn chịu được môi trường acid của dạ dày.
1.5. Kháng nguyên và phân loại
Kháng nguyên lông H: Có bản chất là protein.
Kháng nguyên thân O: Có bản chất là lipopolysaccharid chịu nhiệt, kháng nguyên này có tính độc với tế bào túc chủ.
Kháng nguyên là các men: Một số kháng nguyên là các men có vai trò quan trọng liên quan đến khả năng gây bệnh như urease, catalase, hismatase, adhezin giúp vi khuẩn bám vào tế bào niêm mạc.
Hiện nay đã tìm thấy 12 loài trong giống Helicobacter, trong đó có 4 loài ký sinh ở người nhưng chỉ có H.pylori gây bệnh.
2. Khả năng gây bệnh
H.pylori gây viêm loét dạ dày tá tràng do tiết ra các men làm suy thoái màng nhầy bảo vệ dẫn đến viêm và loét. Theo các nghiên cứu ở Úc và Pháp, có khoảng 95% bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng và trên 80% bệnh nhân ung thư dạ dày có nhiễm H.pylori. H.pylori còn tiết ra độc tố gây độc và phá huỷ tế bào và độc tố gây tăng tiết dịch vị. Gần đây người ta phát hiện thấy kháng nguyên CagA làm tăng tiết interleukin 8, đó là một trong các yếu tố làm cho bệnh tiến triển đến ung thư.
3. Chẩn đoán vi khuẩn học
3.1. Chẩn đoán trực tiếp
3.1.1. Bệnh phẩm:
Bệnh phẩm phải là mảnh sinh thiết từ vùng viêm hoặc ổ loét của dạ dày tá tràng.
3.1.2. Nhuộm soi:
Nhuộm gram hoặc giemsa, thường dùng kỹ thuật nhuộm gram để xem tính chất bắt màu của H.pylori. ở những nơi có điều kiện có thể nhuộm huỳnh quang miễn dịch trên lam kính.
3.1.3. Nuôi cấy:
Nghiền bệnh phẩm rồi nuôi cấy vào môi trường thạch pylori, thạch não tim hoặc một số môi trường khác, để nhiệt độ 370C và khí trường 10% CO2, sau 48-72 giờ nhuộm soi khuẩn lạc rồi xác định tính chất sinh vật hoá học của vi khuẩn.
3.1.4. Test urease:
- Test urease trong bệnh phẩm: Dựa vào khả năng sinh urease rất mạnh của H.pylori: cho vào môi trường urê có phenol làm chỉ thị pH một mẩu bệnh phẩm, lắc đều, để nhiệt độ 370C/10-15 phút. Urease của vi khuẩn sẽ chuyển ure thành amoniac làm tăng pH môi trường, môi trường sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ. Đây là một loại test nhanh, độ nhậy cao 89-98%.
- Test urease trong hơi thở: Phát hiện sự có mặt của men urease trong trường hợp viêm niêm mạc dạ dày bị nhiễm H.pylori thông qua việc gắn chất đồng vị phóng xạ 14C (carbon) vào dạ dầy, nếu có men urease thì sẽ nhanh chóng phân giải urê 14C thành amoniac và dioxyd phóng xạ 14C. Chất phóng xạ này sẽ nhanh chóng vào máu và tới phổi, có thể phát hiện chúng qua hơi thở của bệnh nhân.
3.1.5. Kỹ thuật khuếch đại gen PCR (polymerase chain reaction):
Kỹ thuật này cho phép phát hiện được các đoạn gen đặc hiệu của H.pylori ở cả mảnh sinh thiết dạ dày, dịch dạ dày, nước bọt và phân bệnh nhân.
3.2. Chẩn đoán gián tiếp
Tìm kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân. Phương pháp này có giá trị cao trong chẩn đoán dịch tễ học.
4. Phòng bệnh và điều trị
4.1. Phòng bệnh
Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh. Đây là bệnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội. Chủ yếu là nâng cao đời sống, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống.
4.2. Điều trị
- Dùng kháng sinh diệt khuẩn: Amoxicillin, penicillin, cephalothin, erythromycin, tetracyclin, gentamycin, nên dùng phối hợp 2 loại kháng sinh có hiệu quả hơn.
- Điều trị viêm loét và tăng tiết dịch vị do H.pylori gây ra.