02-08-2012, 11:04 PM
ĐẠI CƯƠNG VỀ VI KHUẨN
GIỚI THIỆU:
Bài Đại cương về vi khuẩn nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vi khuẩn, về phân bố của vi khuẩn trong thiên nhiên và vai trò của vi khuẩn đối với đời sống con người. Ngành vi khuẩn học có vai trò rất lớn trong việc chẩn đoán, phòng và điều trị các bệnh do vi khuẩn.
Những người làm công tác xét nghiệm cần biết những kiến thức cơ bản về vi khuẩn để áp dụng trong thực tế khi làm các kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn.
MỤC TIÊU:
Sau khi học xong bài này, học sinh có khả năng:
1. Trình bày được định nghĩa và vai trò của vi khuẩn.
2. Nêu được tầm quan trọng của ngành vi khuẩn học.
3. Trình bày được sự phân bố của vi khuẩn trong thiên nhiên và trên cơ thể người
NỘI DUNG:
1. Định nghĩa
Vi khuẩn là những sinh vật đơn bào rất nhỏ mà mặt thường không nhìn thấy được, muốn quan sát được phải nhìn qua kính hiển vi có độ phóng đại hàng trăm lần. Có một số vi khuẩn gây bệnh cho người, cho thực vật và động vật, nhưng có nhiều loại vi khuẩn khác không gây bệnh và ngược lại còn có ích cho con người
2. Vai trò của vi khuẩn
2.1. Tác dụng có lợi của vi khuẩn
Vi khuẩn không hoàn toàn là những mầm bệnh nguy hiểm, mà vi khuẩn nói chung là cần thiết cho sự sống. Những tác dụng tích cực của vi khuẩn chủ yếu trên một số lĩnh vực sau:
- Trong thiên nhiên: Vi khuẩn tham gia vào tuần hoàn CO[sub]2[/sub] và chuyển hoá Nitơ, hai chu trình có ý nghĩa quyết định cho sự sống của mọi sinh vật trên trái đất. Trong không khí có nhiều Nitơ, động vật và thực vật không thể trực tiếp sử dụng chất đạm đó. Nhờ có vi khuẩn mà khí đạm được biến thành muối vô cơ mang đạm. Thực vật có thể hấp thu những chất này tạo nên những chất hoá hợp hữu cơ của thực vật, rồi tiếp đó là tạo thành anbumin động vật, để sự sống tiếp diễn không ngừng. Khi động vật, thực vật chết, vi khuẩn làm thối rữa, các chất hữu cơ sinh vật lại được hoàn trả lại cho đất.
- Trong công nghiệp: Từ cổ xưa, khi loài người chưa hiểu biết về vi sinh vật nhưng đã biết muối dưa, muối cà, làm tương làm mắm….Sau này người ta biết nấu rượu, làm bia, bành mì, nem chua. Các sản phẩm này đều cần có qúa trình lên men của vi sinh vật.
Ngày nay công nghệ sinh học đã đem lại cho con người nhiều lợi ích và là cuộc cách mạng khoa học cách mạng kỹ thuật rất lớn. Vi sinh vật là một công cụ được sử dụng nhiều trong công nghệ sinh học.
- Trong nông nghiệp: Trong đất có một số vi sinh vật có khả năng cố định đạm vô cơ thành đạm hữu cơ và một số vi sinh vật có khả năng quang hợp. Những khả năng này làm giàu dinh dưỡng cho đất, làm ải đất giúp cho cây trồng phát triển tốt.
- Trên cơ thể người: Trên da và một số bộ phận của cơ thể có khá nhiều loại vi sinh vật ký sinh. Chúng với cơ thể tạo nên mối quan hệ sinh thái và có tác dụng chống lại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vì chúng đã chiếm được các thụ thể trên cơ thể, làm cho vi sinh vật gây bệnh không có chỗ bám để gây bệnh. Tất nhiên cũng có thể chúng sẽ gây bệnh cơ hội. Một số vi khuẩn đường ruột tham gia vào quá trình tiêu hoá cellulose, tiêu hoá thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng cho người. Một số có khả năng tổng hợp được vitamin B[sub]1[/sub], B[sub]12[/sub], K cho cơ thể. Một số vi khuẩn lại tiết ra những chất để ức chế, tiêu diệt các vi khuẩn khác trong qúa trình cạnh tranh sinh tồn.
- Trong y học: Vi sinh vật được dùng để sản xuất kháng sinh, sản xuất vaccin và huyết thanh miễn dịch. Đó là những sản phẩm quan trọng được dùng trong việc phòng và điều trị các bệnh do vi sinh vật. Ngày nay, vi sinh vật còn là mô hình để nghiên cứu về di truyền phân tử, hoá sinh học… do vi sinh vật có số lượng gen ít, phát triển nhanh.
2.2. Tác dụng có hại của vi sinh vật
Mặc dù vi khuẩn có nhiều lợi ích đối với đời sống con người song tác hại của nó là rất đáng kể. Vi khuẩn là căn nguyên của các bệnh nhiễm khuẩn gây tổn hại đến sức khoẻ con người, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trên thế giới đã có nhiều bệnh dịch gây chết người hàng loạt như dịch tả, dịch hạch hoặc nhiều bệnh nguy hiểm do virus gây nên.
Ngày nay, vi khuẩn gây ô nhiễm môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Vì vậy mà các bệnh nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng ở các nước kém phát triển.
Ngoài ra, vi sinh vật cũng gây ảnh hưởng lớn đối với đời sống sinh hoạt của con người như phân giải thức ăn, thực phẩm, lương thực, phá huỷ đồ dùng.
Hiện nay, những vấn đề của vi sinh vật y học đang được con người đặc biệt quan tâm và được coi là vấn đề toàn cầu như xuất hiện những vi sinh vật gây bệnh chết người hoặc ảnh hưởng đến tính mạng mà ít có biện pháp điều trị có hiệu quả như: HIV/AIDS, virus Ebola, bệnh bò điên, virus gây khối u, virus gây ung thư…Mặt khác, vi khuẩn kháng kháng sinh cũng là vấn đề nổi cộm của y tế các nước. Các vi khuẩn là căn nguyên gây bệnh thường gặp cũng là những vi khuẩn kháng thuốc mạnh nhất như: tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đường ruột. Đây là một cản trở lớn trong điều trị các bệnh do vi khuẩn.
3. Vai trò của ngành vi sinh vật học
3.1. Chẩn đoán bệnh
Vai trò rất lớn của ngành vi sinh vật học là chẩn đoán chính xác các bệnh nhiễm khuẩn, truyền nhiễm. Đó là việc tìm vi sinh vật gây bệnh trong các bệnh phẩm như: đờm, máu, mủ, dịch, phân… hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân chẩn đoán miễn dịch
3.2. Dự phòng các bệnh truyền nhiễm
Các bệnh truyền nhiễm ngày nay đã được giảm rất nhiều và một số bệnh đã được thanh toán như: bại liệt, dịch hạch, đậu mùa.. Đó là kết quả của việc đã sản xuất ra các loại vaccin phòng bệnh, góp phần đáng kể trong công tác phòng chống các dịch bệnh.
3.3. Điều trị bệnh
Ngành vi khuẩn học đã điều chế ra các kháng huyết thanh để điều trị bệnh như kháng độc tố bạch hầu, uốn ván hoặc tổng hợp ra các loại kháng sinh điều trị các bệnh do vi khuẩn.
4. Vi sinh vật trong tự nhiên
4.1. Vi sinh vật trong đất
Đất là kho chứa vi sinh vật vì đất là môi trường quan trọng với một số vi sinh vật, là nơi có muối, nước và các chất hữu cơ cần thiết cho sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất của đất ở từng địa phương khác nhau mà thành phần vi sinh vật cũng khác nhau. Mật độ vi khuẩn còn phục thuộc vào mức độ ô nhiễm phân và các chất bài tiết của người và động vật. Đất canh tác có nhiều vi khuẩn nhất, càng sâu xuống lòng đất lượng vi khuẩn càng giảm. ở độ sâu 2.000- 4.000m, chỉ có một số vi khuẩn cá biệt, chủ yếu là nha bào. Vi sinh vật trong đất được chia thành 3 loại:
- Vi sinh vật tự dinh: là vi sinh vật tự tổng hợp được các chất cần thiết trong đất.
- Vi sinh vật dị dinh: là vi sinh vật làm thối rữa xác động vật, thực vật trong đất.
- Vi sinh vật gây bệnh: Vi sinh vật theo thi thể hoặc các chất bài tiết của động vật và người vào lòng đất. Những vi sinh vật này phải cần có nhiều chất dinh dưỡng và một số điều kiện sống thích hợp nên loại này rất dễ chết. Những vi khuẩn gây bệnh thường ở trong đất như tụ cầu, trực khuẩn than, trực khuẩn uốn ván, xoắn khuẩn.
4.2. Vi sinh vật trong nước
Nước là môi trường thiên nhiên vi sinh vật có thể phát triển được đặc biệt là những vi khuẩn ưa ẩm ướt. Phần lớn vi khuẩn trong nước có nguồn gốc từ đất và không khí rơi vào. Nước hồ ao, sông ngòi có nhiều vi khuẩn hơn nước giếng, nước biển. Vi khuẩn từ phân, nước tiểu, rác, xác động vật là nguồn hay lây nhiễm vào nước, nhất là vi sinh vật gây bệnh có khả năng lây lan như: Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae.
Một số vi sinh vật có thể sống lâu hàng tháng trong nước. Trong nước cũng có nhiều yếu tố để tiêu diệt vi khuẩn như do sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, kháng sinh của thực vật hoặc do sự cạnh tranh sinh tồn. Những vi sinh vật gây bệnh thường thấy trong nước như cầu khuẩn, trực khuẩn đường ruột, xoắn khuẩn, trực khuẩn uốn ván.
4.3. Vi sinh vật trong không khí
Không khí là môi trường mà vi sinh vật khó phát triển nhất vì thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó ánh sáng mặt trời làm cho vi sinh vật ít có khả năng nhân lên và làm chết một số vi sinh vật. Tuy nhiên trong không khí vẫn có nhiều loại vi sinh vật vì bụi và chất thải. Bụi càng nhiều thì số lượng và chủng loại vi khuẩn càng phong phú. Mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào vệ sinh môi trường từng khu vực. Không khí ở thành thị nhiều vi sinh vật hơn vùng nông thôn. Không khí ở bệnh viện nhiều vi sinh vật hơn nơi khác. Không khí miền núi ít vi sinh vật hơn vùng đồng bằng. Càng lên cao, vi sinh vật trong không khí càng giảm. Vi sinh vật gây bệnh trong không khí thường gặp nhiều hơn thuộc về đường hô hấp như tụ cầu, liên cầu nhóm A, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, virus cúm, virus sởi…
4.4. Vi sinh vật trên cơ thể người
4.4.1. Vi sinh vật trên da và niêm mạc:
Trên da có nhiều loại vi sinh vật và chủng loại thay đổi tuỳ thuộc vào tình hình vệ sinh cá nhân, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp… Da ở những nơi có nhiều khe kẽ, nếp nhăn, có độ ẩm thích hợp, những nơi da hở sẽ có nhiều vi sinh vật hơn những nơi khác. Trên da có chủ yếu là cầu khuẩn gram (+) như tụ cầu không gây bệnh. Ngoài ra còn có các trực khuẩn gram (+). Một số vi khuẩn khác có trên da không thường xuyên hoặc chỉ có ở những vùng nhất định như tụ cầu gây bệnh. Da cũng có một số yếu tố có khả năng diệt khuẩn.
4.4.2. Vi sinh vật ở đường tiêu hoá:
- Vi sinh vật ở miệng: Miệng là nơi có các điều kiện thuận lợi cho nhiều vi sinh vật phát triển như thức ăn, độ ẩm, nhiệt độ thích hợp. Miệng có một số loại men và có nhiều khe kẽ cho vi sinh vật cư trú. Trong 1ml nước bọt có tới hàng triệu vi sinh vật. Phần lớn các vi sinh vật chung sống với nhau, một số có khả năng gây bệnh tại chỗ hoặc toàn thân như liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn, xoắn khuẩn.
- Vi sinh vật trong dạ dày: Vi sinh vật có trong dạ dày là do từ miệng xuống hoặc theo thức ăn vào. Tuy nhiên, độ pH ở dạ dày thấp (pH = 2) nên rất ít vi sinh vật sống được ở đó trừ những loại chịu được môi trường acid như trực khuẩn lao, xoắn khuẩn Helicobacter polyri là căn nguyên gây viêm loét dạ dày tá tràng.
- Vi sinh vật ở ruột: Trẻ em sau khi đẻ vài giờ đã có vi sinh vật trong ruột, thường trực khuẩn E.coli có sớm sau khi trẻ được sinh ra. Số lượng và chủng loại vi sinh vật trong ruột khác nhau tuỳ từng đoạn ruột. Ở ruột non do có nhiều enzym ly giải vi sinh vật nên số lượng vi sinh vật ít. Đại tràng có nhiều loại vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn kỵ khí. Trong số các loại vi khuẩn hiếu khí thì nhiều nhất là trực khuẩn E.coli, rồi đến Proteus, cầu khuẩn đường ruột, Klebsiella..
4.4.3. Vi sinh vật ở đường hô hấp:
- Vi sinh vật ở mũi, họng mũi: Ở mũi có nhiều trực khuẩn gram (+) và tụ cầu gây bệnh, có khoảng 20-30% người lành mang tụ cầu vàng. Ở họng mũi có nhiều chủng loại và số lượng vi sinh vật do từ miệng lan truyền lên như phế cầu, liên cầu, cầu khuẩn màng não, Hemophilus influenzae.
- Vi sinh vật ở khí quản, phế quản: Ở đường hô hấp dưới thường rất ít hoặc không có vi sinh vật do chức năng sinh lý và các dịch niêm mạc.
4.4.4. Vi sinh vật ở bộ phận sinh dục, tiết niệu:
Trong điều kiện bình thường, chỉ có bộ phận sinh dục ngoài, niệu đạo mới có vi sinh vật do vi sinh vật từ ngoài vào. Ở nam giới, lỗ niệu đạo thường có tụ cầu, trực khuẩn gram (-). Ở nữ giới, niệu đạo thường có tụ cầu, trực khuẩn gram (+), vi khuẩn đường ruột như cầu khuẩn, trực khuẩn gram (-). Khi trưởng thành, trong âm đạo phụ nữ có một số vi sinh vật đôi khi gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn gram (-).
4.4.5. Vi sinh vật ở niêm mạc mắt:
Ở niêm mạc mắt thường có các trực khuẩn hoặc tụ cầu không gây bệnh do niêm mạc mắt thường tiếp xúc với không khí.
4.4.6. Vi sinh vật trong máu và các phủ tạng
Bình thường trong máu và các cơ quan nội tạng không có vi sinh vật túc trực.