10-28-2012, 04:23 PM
TRUYỀN MÁU TỰ THÂN
1. Giới thiệu chung về các phương pháp truyền máu tự thân
Truyền máu tự thân là phương pháp điều trị bằng cách thu gom và sau đó truyền lại máu của chính bệnh nhân. Truyền máu tự thân được sử dụng chủ yếu trong ngoại khoa và sản khoa, nhất là một số trường hợp mổ phiên mà bệnh nhân được dự kiến trước là sẽ cần truyền máu.
Hiện nay có 3 phương pháp truyền máu tự thân chủ yếu, bao gồm: cho máu trước phẫu thuật theo kế hoạch, pha loãng đẳng tích và truyền máu hoàn hồi.
2. Các phương pháp truyền máu tự thân
2.1. Cho máu trước phẫu thuật theo kế hoạch
Cho máu trước phẫu thuật theo kế hoạch là phương pháp lấy máu của bệnh nhân trước khi mổ phiên và bảo quản để truyền lại cho chính bệnh nhân khi mổ. Việc lấy máu được hoàn thành trước khi mổ ít nhất 5 ngày để tránh tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu vì cho máu. Bệnh nhân cũng được bổ sung chế phẩm sắt để hạn chế tình trạng thiếu máu. Thường cần chuẩn bị 3-4 đơn vị máu sẵn sàng trước khi mổ.
Máu được xét nghiệm, dán nhãn và bảo quản như chế phẩm máu thông thường. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng thì đơn vị máu không được truyền cho bệnh nhân khác. Nếu muốn sử dụng cho bệnh nhân khác, đơn vị máu cần được xét nghiệm sàng lọc các tác nhân nhiễm trùng lây qua đường truyền máu, bao gồm HIV, HBV, HCV, giang mai và sốt rét.
2.2. Pha loãng đẳng tích
Pha loãng đẳng tích là phương pháp truyền máu tự thân thực hiện bằng cách lấy một thể tích nhất định máu của bệnh nhân ngay trước phẫu thuật. Thể tích tuần hoàn được bù bằng dung dịch keo hay dung dịch điện giải. Như vậy, máu được hoà loãng và bệnh nhân sẽ mất ít hồng cầu hơn khi phẫu thuật, hạn chế tình trạng thiếu máu sau mổ. Ngoài ra, thể tích máu đã lấy cũng được bảo quản phù hợp và truyền lại cho bệnh nhân sau mổ.
Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, phương pháp pha loãng đẳng tích chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân không bị bệnh về tim mạch và hô hấp, có thể gây thiếu ô xy tổ chức nếu máu bị hoà loãng. Ngoài ra, để bù đủ dịch cho bệnh nhân cần chú ý rằng dung dịch điện giải nên được bù theo tỷ lệ 3-4/1 và dung dịch keo cần được bù theo tỷ lệ 1-1,2/1 so với thể tích máu lấy ra.
2.3. Truyền máu hoàn hồi
Truyền máu hoàn hồi là phương pháp truyền máu tự thân thực hiện bằng cách lấy máu từ các khoang cơ thể, ổ khớp hoặc vết thương, sau đó truyền trả lại cho bệnh nhân để hạn chế tình trạng mất máu cấp. Phương pháp này rất hiệu quả trong các trường hợp cấp cứu ngoại và sản khoa (chấn thương gây mất máu cấp, chửa ngoài tử cung vỡ v.v…), khi bệnh nhân mất máu cấp tính mức độ nặng, cần được bù gấp mà chưa có sẵn chế phẩm máu hoà hợp để sử dụng. Cần lưu ý rằng không được sử dụng phương pháp này trong trường hợp máu chảy ra ngoài có nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc tạp nhiễm bởi dịch ruột (ví dụ trường hợp thủng tạng rỗng trong ổ bụng, máu lẫn nước ối, nước tiểu, tế bào ung thư v.v…). Ngoài ra, nếu máu chảy ra ngoài có thời gian tương đối lâu (trên 6 giờ tính đến thời điểm định truyền máu hoàn hồi) thì không được sử dụng để truyền do nguy cơ vỡ hồng cầu cao.
Phương pháp thu gom máu hoàn hồi phổ biến nhất hiện nay là lấy máu trực tiếp rồi lọc qua lưới. Máu được lấy trực tiếp từ vết thương, khoang cơ thể hoặc ổ khớp bằng dụng cụ vô trùng, trộn với chất chống đông, lọc qua lưới rồi truyền trả lại cho bệnh nhân. Phương pháp này rất dễ thực hiện và không đòi hỏi dụng cụ chuyên dụng, do đó có thể sử dụng ở tuyến cơ sở trong các trường hợp mổ cấp cứu có chỉ định truyền máu hoàn hồi.
Phương pháp thu gom máu hoàn hồi thứ hai được sử dụng hiện nay là lấy máu bằng dụng cụ hút. Dụng cụ này bao gồm ống hút nối với bình chứa chất chống đông. Do có ống hút nên có thể thu gom máu triệt để hơn hoặc lấy máu qua ống dẫn lưu. Tuy nhiên khi sử dụng ống hút cần lưu ý duy trì áp lực hút thấp để tránh tình trạng vỡ hồng cầu.
Phương pháp thu gom máu hoàn hồi hiện đại nhất là sử dụng hệ thống hút tự động. Hệ thống này cho phép thực hiện tự động các khâu của quá trình thu gom máu bao gồm lấy máu, trộn với chất chống đông, rửa hồng cầu, hoà loãng. Tuy nhiên giá thiết bị khá cao và phải sử dụng bộ kit thu gom dung một lần cho nên giá thành của phương pháp này tương đối cao, phần nào hạn chế khả năng sử dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng.
Hình 1. Sơ đồ minh hoạ phương pháp truyền máu hoàn hồi