10-05-2012, 10:51 PM
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
VŨ THỊ TÚ ANH
ỨNG DỤNG KỸ THUẬT GELCARD
TRÊN HỆ THỐNG MÁY TỰ ĐỘNG HEMOS SP II
ĐỂ PHÁT HIỆN KTBT Ở BỆNH NHÂN BỊ BỆNH MÁU
TẠI VIỆN HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU TW 2010 - 2011
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN KỸ THUẬT Y HỌC
CHUYÊN NGÀNH: HUYẾT HỌC
KHÓA: 2007 - 2011
HÀ NỘI - 2011
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
VŨ THỊ TÚ ANH
ỨNG DỤNG KỸ THUẬT GELCARD
TRÊN HỆ THỐNG MÁY TỰ ĐỘNG HEMOS SP II
ĐỂ PHÁT HIỆN KTBT Ở BỆNH NHÂN BỊ BỆNH MÁU
TẠI VIỆN HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU TW 2010 - 2011
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN KỸ THUẬT Y HỌC
CHUYÊN NGÀNH: HUYẾT HỌC
KHÓA: 2007 - 2011
HÀ NỘI - 2011
ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ xa xưa, con người đã biết đến tầm quan trọng của máu đối với sự sống. Ngày nay, nhờ các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, máu và các chế phẩm máu không chỉ được sử dụng trong điều trị bệnh máu mà còn được sử dụng rộng rãi trong các chuyên ngành khác như nội, ngoại, sản, nhi…Truyền máu là một phương pháp điều trị rất có hiệu quả trong nhiều bệnh lý và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, truyền máu cũng có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn ở nhiều mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả này, phần lớn là do bất đồng miễn dịch nhóm máu hệ hồng cầu giữa người cho và người nhận. Sự bất đồng này dẫn đến nhiều tai biến có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi truyền máu được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của y tế thì an toàn truyền máu càng được coi trọng, đặc biệt là việc đảm bảo hòa hợp miễn dịch, trước hết là hòa hợp các nhóm máu hệ hồng cầu.
Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra nhóm máu hệ ABO. Đây là hệ nhóm máu được phát hiện đầu tiên ở người và cũng là hệ nhóm máu đóng vai trò quan trọng nhất trong thực hành truyền máu. Đến nay, Hội truyền máu quốc tế đã công nhận có khoảng 30 nhóm máu hệ hồng cầu khác nhau với khoảng 285 kháng nguyên khác nhau. Như vậy khi truyền máu, bệnh nhân và người cho cần phải có sự hòa hợp nhóm máu hệ ABO và các hệ nhóm máu khác.
Trên thế giới, tại các nước phát triển, việc đảm bảo an toàn truyền máu được thực hiện rất triệt để. Xét nghiệm hòa hợp các nhóm máu hệ hồng cầu và xác định kháng thể bất thường ở người cho và người nhận đã trở thành thường quy. Do vậy, truyền máu rất an toàn và hiệu lực.
Tại Việt Nam hiện nay, an toàn truyền máu về mặt miễn dịch chưa được thực hiện triệt để. Chúng ta chỉ mới xác định sự hòa hợp nhóm máu hệ ABO và Rh (D) giữa người cho và người nhận. Phản ứng hòa hợp có sử dụng kháng globulin người và xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường mới chỉ thực hiện ở các trung tâm truyền máu lớn. Còn lại, các trung tâm và bệnh viện khác mới chỉ định nhóm máu hệ ABO bằng một phương pháp và chỉ thực hiện phản ứng hòa hợp ở 220C.
Tại Viện Huyết học - truyền máu TW, xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường hệ hồng cầu đã được thực hiện từ những năm của thập kỷ 80 bằng kỹ thuật ống nghiệm. Năm 2009, Khoa Huyết thanh học nhóm máu được cung cấp hệ thống máy tự động Hemos SP II của hãng Biorad. Hệ thống máy Hemos SP II đã được ứng dụng để triển khai một số xét nghiệm miễn dịch huyết học, đặc biệt là có thể triển khai được xét nghiệm sàng lọc và định danh kháng thể bất thường cho bệnh nhân bị bệnh máu. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật gelcard trên hệ thống máy tự động Hemos SP II để phát hiện KTBT ở bệnh nhân bị bệnh máu tại Viện Huyết học - truyền máu TW 2010 - 2011” nhằm mục tiêu:
1. Xác định tỷ lệ xuất hiện kháng thể bất thường và một số yếu tố liên quan đến sự xuất hiện kháng thể bất thường ở bệnh nhân bị bệnh máu tại Viện Huyết học - truyền máu TW năm 2010 - 2011.
2. Nhận xét một số ưu điểm và hạn chế của hệ thống máy tự động Hemos SP II trong việc triển khai xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường hệ hồng cầu.
Nguồn: kythuatyhoc.com