NÃO MÔ CẦU
(Neisseria meningitidis)
(Neisseria meningitidis)
Anton Weichselbaum là người đầu tiên phát hiện được bệnh nhân bị nhiễm meningocci (Neisseria meningitidis)
1. Đặc điểm sinh vật học
1.1. Hình thể và tính chất bắt màu
Não mô cầu là loại song cầu hình hạt cà phê hai mặt lõm quay vào nhau, kích thước khoảng 0,8-1μm, đứng riêng rẽ từng đôi hoặc nhiều đôi tụ với nhau thành từng đám. Ở bệnh phẩm dịch não tủy, vi khuẩn này có thể nằm ở trong hoặc ngoài bạch cầu đa nhân. Trên tiêu bản nhuộm từ môi trường nuôi cấy, não mô cầu thường có hình thể đa dạng, to nhỏ khác nhau và cách sắp xếp không điển hình. Vi khuẩn ở trong bệnh phẩm dịch não tuỷ thường có vỏ, ở các bệnh phẩm khác thường không có vỏ, không có lông, không di động, không sinh nha bào, bắt màu Gram (-).
1.2. Tính chất nuôi cấy
Khi mới nuôi cấy từ bệnh phẩm, não mô cầu chỉ phát triển tốt ở môi trường giàu chất dinh dưỡng như thạch máu, chocolate và khí trường có 5 - 10% CO2. Sau khi đã cấy chuyển nhiều lần thì sự đòi hỏi về dinh dưỡng của vi khuẩn giảm đi, thậm chí phát triển được ở môi trường dinh dưỡng bình thường. Nhiệt độ thích hợp là 370C, có thể phát triển được ở nhiệt 25 - 420 C.
- Trên môi trường thạch máu, khuẩn lạc tròn, nhẵn, lồi, óng ánh và có màu hơi xám. Sau 24 giờ nuôi cấy, khuẩn lạc có đường kính khoảng 1mm, không tan máu, để lâu khuẩn lạc có màu xám đục và có thể làm màu môi trượng ở dưới vùng nuôi cấy vi khuẩn đậm hơn.
- Trên môi trường thạch chocolate, khuẩn lạc Neisseria meningitidis có dạng S, xám đục và óng ánh.
1.3.Tính chất sinh vật hoá học
- Oxydase dương tính;
- Lên men không sinh hơi các loại đường maltose, glucose. Trong đó, tính chất lên men đường maltose để phân biệt với cầu khuẩn lậu.
1.4. Cấu trúc kháng nguyên
Não mô cầu có kháng nguyên vỏ là polysaccharid. Dựa vào kháng nguyên này hiện nay đã có 13 nhóm kháng nguyên được biết, trong đó có 9 nhóm thường gặp là A, B, C, D, X, Y, Z,W-135, E-29. Bốn nhóm còn lại là H, I, K, L hiếm gặp hơn. Các nhóm A, B, C thường gây thành dịch. Dựa vào protein màng ngoài tế bào lại chia mỗi nhóm kháng nguyên thành các typ huyết thanh. Các kháng nguyên vỏ polysaccharid của não mô cầu được tìm thấy trong dịch não tuỷ và máu. Có thể chẩn đoán nhanh kháng nguyên bằng kỹ thuật miễn dịch.
1.5. Độc tố
Não mô cầu có nội độc tố vững bền với nhiệt độ. Khi tiêm nội độc tố vào tĩnh mạch hay phúc mạc thỏ có thể gây chết thỏ, tiêm vào trong da thì gây hoại tử da.
1.6. Sức đề kháng
Não mô cầu có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường và điều kiện khô, nóng và ánh sáng mặt trời. Bị chết sau khi ra khỏi cơ thể 3 - 4 giờ, ở nhiệt độ 600C/10 phút
Ngoài ra vi khuẩn dễ bị chết do men tự ly giải.
2. Khả năng gây bệnh
Não mô cầu chỉ ký sinh ở người và gây bệnh cho người. Chúng thường ký sinh ở họng mũi người bình thường với tỷ lệ 2 - 8% và không gây bệnh. Khi điều kiện thuận lợi, não mô cầu gây viêm họng mũi nhưng thường nhẹ, không có triệu chứng. Có thể một số ít từ họng mũi vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Từ máu, vi khuẩn đến màng não gây viêm màng não hoặc gây nên các ban xuất huyết - hoại tử (còn gọi là tử ban); hiếm hơn, có thể gặp não mô cầu gây các tổn thương ở khớp và phổi.
Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu có thể dẫn đến tình trạng Shock do nội độc tố.
3. Chẩn đoán vi khuẩn học
3.1. Lấy bệnh phẩm
Bệnh phẩm là dịch não tuỷ trong viêm màng não, là máu trong nhiễm khuẩn huyết hoặc là chất dịch họng mũi.
3.2. Chẩn đoán trực tiếp
Thông thường áp dụng với bệnh phẩm dịch não tuỷ. Dịch não tủy được ly tâm ở 2000 vòng/ phút × 20 phút sẽ thu được nước nổi và cặn. Trong đó, cặn dịch não tủy được sử dụng để nhuộm, nuôi cấy và chẩn đoán PCR; nước nổi được sử dụng để làm phản ứng ngưng kết hạt latex để xác định kháng nguyên của Neisseria meningitidis trong dịch não tủy.
- Nhuộm Gram:
Được thực hiện từ căn bệnh phẩm dịch não tuỷ. Nêu trên tiêu bản có nhiều song cầu Gram âm nằm trong, ngoài tế bào bạch cầu đa nhân thì có thể chẩn đoán sớm bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu.
- Kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction):
Hiện này, trên lâm sàng có thể sử dụng PCR đa mồi để xác định một số
căn nguyên chính gây viêm màng não: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis. Đây là phương pháp chẩn đoán cho kết quả nhanh và có độ nhạy, độ đặc hiệu cao.
- Phản ứng ngưng kết hạt latex:
Đây là kỹ thuật xác định sự hiện diện kháng nguyên của Neisseria meningitidis trong dịch não tủy bằng kháng thể mẫu kháng vi khuẩn này có gắn hạt latex. Hiện nay, kit chẩn đoán này khá phổ biến trên thị trường và kỹ thuật thực hiện khá đơn giản.
3.3. Nuôi cấy
- Bệnh phẩm là máu: thực hiện quy trình cấy máu. Đó là nuôi cấy vào môi trường canh thanh não tim (Brain heart infusion). Sau đó theo dõi hàng ngày, nếu bình cấy máu dương tính thì cấy nhuộm sơ bộ và chuyển ra môi trường thạch máu để xác định.
- Dịch não tuỷ, dịch họng mũi: Nuôi cấy đông thời vào môi trường thạch máu và chocolate. Sau 18-24 giờ nuôi cấy ở 37oC/ 5-10% CO2, có khuẩn lạc mọc thì chọn khuẩn lạc nghi ngờ để xác định.
3.4. Xác định:
Chọn khuẩn lạc: tròn, nhẵn, lồi, óng ánh và có màu hơi xám, kích thước khoảng 1mm, không tan máu
- Oxydase dương tính;
- Glucose dương tính, mantose dương tính.
4. Phòng bệnh và điều trị
4.1. Phòng bệnh
4.1.1. Phòng đặc hiệu:
Hiện nay đã có vacxin chế từ vỏ polysaccharid của não mô cầu. Vaccin gồm 4 nhóm kháng nguyên (A,C,Y và W-135) trong đó nhóm A gây đáp ứng
miễn dịch tốt hơn các nhóm khác ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nhóm B không có tính sinh miễn dịch ở người nên không dùng để sản xuất vaccin.
4.1.2. Phòng không đặc hiệu:
Phát hiện sớm bệnh nhân và cách ly ngay vì bệnh viêm màng não do não mô cầu lây bằng đường hô hấp. Dùng kháng sinh phòng cho những người tiếp xúc với bệnh nhân hoặc ở trong vùng dịch. Thường dùng rifampicin hoặc minocyclin.
4.2. Điều trị
Điều trị bằng kháng sinh thích hợp sớm và liều lượng cao. Các kháng sinh thường dùng là peniciline, chloramphenicol, các cephalosporin... Các sulfamid thấm qua màng não tốt nhưng tỷ lệ não mô cầu kháng thuốc này cao nên không được dùng một mình để điều trị não mô cầu.
Tác giả: TS.BS. Trần Quang Cảnh - Khoa Xét nghiệm - HMTU