05-12-2021, 10:58 AM
PHẪU THUẬT BÓC KHỐI LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG Ở TẦNG SINH MÔN, THÀNH BỤNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Lạc nội mạc tử cung(LNMTC) tại tầng sinh môn (TSM) hoặc thành bụng là
do những tế bào nội mạc tử cung dừng lại tại TSM khi đẻ có cắt TSM hoặc mổ lấy thai mà dừng lại ở thành bụng, phát triển dần và to lên, gây các triệu chứng đau theo chu kỳ kinh.
II. CHỈ ĐỊNH
Khi khối LNMTC gây đau, khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường hay tình dục
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Khi khối LNMTC còn quá nhỏ
- Khi đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn hoặc các bệnh về máu
- Khi đang có thai
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Phụ sản hoặc ngoại
2. Phương tiện
Bộ tiểu hoặc trung phẫu (những khối LNMTC to và nằm sâu trong tổ chức)
3. Người bệnh
- Khám toàn thân và chuyên khoa để đánh giá tổng thể sức khỏe và phát hiện những chóng chỉ đinh.
- Được tư vấn kỹ về bệnh và kỹ thuật cũng như những tai biến có thể xảy ra.
- Vệ sinh tại chỗ
- Nên mổ sau sạch kinh khoảng 1 tuần.
4. Hồ sơ bệnh án
Được chuẩn bị theo qui định
VIII. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Bóc LNMTC tại thành bụng
- Gây tê hoặc tiền mê
- Sát khuẩn vùng phẫu thuật.
- Trải khăn vô khuẩn
- Rạch da theo đường ngang để hạn chế sẹo xấu. Rạch chiều rộng vừa đủ để
bóc nang
- Dùng kéo phẫu thuật bóc tách vỏ nang xuống tận đáy (cố gắng không làm vỡ
nang)
- Dùng kìm chắc kẹp cuống nang ở phần đáy, tránh chảy máu
- Dùng chỉ Vicryl số 2 hoặc 3 khâu cầm máu kỹ cuống khối LNMTC và ở thành của nang, sau đó khâu đáy và tổ chức dưới da một hoặc hai lớp tùy thuộc tổn thương. Lấy hết đáy tránh máu đọng hoặc chảy máu dưới đáy vết mổ
- Đóng da bằng khâu da mũi liền hoặc khâu da mũi rời theo thông thường bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu
- Sát khuẩn lại vết mổ và bằng lại
- Thay băng và cắt chỉ (nếu khâu da bằng chỉ không tiêu) theo qui định thông
thường
2. Bóc LNMTC tại TSM
- Bóc sau sạch kinh 1 tuần để chức năng đông máu trở về bình thường và xa kỳ kinh sau vì hành kinh dễ làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn, khó liền
- Gây tê hoặc tiền mê. Tùy tổn thương mà có thể gây tê đám rối thần kinh thẹn hoặc gây tê tủy sống
- Nếu LNMTC ở sâu trong lớp cơ mông hoặc vào đáy chậu hoặc trực tràng thì phải thực hiện ở phòng mổ
- Sát khuẩn âm đạo và TSM.
- Trải khăn vô khuẩn
- Rạch da theo đường ngang hoặc dọc tùy theo vị trí của LNMTC để hạn chế
sẹo xấu. Rạch chiều rộng vừa đủ để bóc nang
- Dùng kéo phẫu thuật bóc tách vỏ nang xuống tận đáy (cố gắng không làm vỡ
nang)
- Dùng kìm chắc kẹp cuống nang ở phần đáy, tránh chảy máu
- Dùng chỉ Vicryl số 2 hoặc 3 khâu cầm máu kỹ cuống khối LNMTC và ở thành của nang, sau đó khâu đáy và tổ chức dưới da một hoặc hai lớp tùy thuộc tổn thương. Nhớ lấy hết đáy tránh máu đọng hoặc chảy máu dưới đáy vết mổ.
- Nếu tổn thương nằm sâu trong lớp cơ mông thì phải khâu nhiều lớp để tránh hở đáy và gãy kim khi khâu
- Đóng da bằng khâu da mũi liền hoặc khâu da mũi rời theo thông thường bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu
- Sát khuẩn lại vết mổ và bằng lại
- Thay băng và cắt chỉ (nên khâu da bằng chỉ không tiêu) theo qui định thông
thường
IX. THEO DÕI
- Theo dõi xem băng có bị thấm máu không
- Vết mổ có bị bầm tím do máu
- Sưng đỏ do viêm nhiễm
- Dặn người bệnh vệ sinh TSM ngày 2 lần hoặc sau đại tiểu tiện, sau đó lau khô
V. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Nếu chảy máu vết mổ nhiều thì khâu tăng cường để cầm máu
- Nếu tụ máu thì để 3-4 ngày sau, cắt nới 1 mũi chỉ và nặn dịch máu ra rồi rửa
và thay băng bằng nước Oxy già
- Nếu nhiễm khuẩn vết mổ thì tăng liều thuốc kháng sinh
- Bóc LNMTC ở đáy chậu hoặc sát vùng hậu môn có thể làm tổn thương đến trực tràng: thấy phân và niêm mạc đỏ. Xử trí là bóc tách thành trực tràng và thành âm đạo. Khâu thành trực tràng mép lộn vào lòng trực tràng. Khâu thành âm đạo mũi rời hoặc khâu vắt, mũi nằm trong âm đạo. Ăn nhẹ hoặc nhịn ăn tùy thuộc tổn thương vào trực tràng nhiều hay ít.
Nguồn tài liệu
- Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013.