LIÊN CẦU KHUẨN
(Streptococcus)
(Streptococcus)
Liên cầu (Streptococcus) được Billroth mô tả lần đầu tiên vào năm 1874 sau khi phân lập từ mủ các tổn thương và các vết thương nhiễm trùng. Năm
1880, L. Pasteur phân lập được liên cầu ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết.
Streptococcus là một giống của các cầu khuẩn Gram dương. Tế bào phân chia xảy ra cùng một trục đơn nên vi khuẩn vi khuẩn có dạng hình chuỗi, vì thế mà có tên liên cầu (từ Hy Lạp streptos στρεπτος, có nghĩa là giống như một chuỗi). Trái ngược với sự phân chia của tụ cầu theo nhiều hướng khác nhau và tạo ra hình thể như chùm nho của tế bào. Streptococcus có enzym oxidase, catalase âm tính và hô hấp hiếu kỵ khí tùy tiện.
Năm 1984, nhiều sinh vật trước đây được coi là Streptococcus đã được tách ra thành các giống Enterococcus và Lactococcus .
1. Đặc điểm sinh vật học
1.1. Hình thể và tính chất bắt màu
Liên cầu là những cầu khuẩn bắt màu Gram dương, đường kính khoảng 0,6- 0,8 μm, xếp liên tiếp với nhau thành từng chuỗi, dài ngắn khác nhau và có thể đứng với nhau thành từng đôi hoặc từng đám. Liên cầu không có lông, không di động, không sinh nha bào, bắt màu Gram (+) và một số loài có vỏ.
1.2. Tính chất nuôi cấy
Liên cầu hiếu khí kỵ khí tùy tiện và thường đòi hỏi môi trường nuôi cấy có nhiều chất dinh dưỡng như máu, huyết thanh, đường... Vi khuẩn phát triển tốt hơn ở điều kiện khí trường có thêm 5-10% CO2. Nhiệt độ nuôi cấy thích hợp là 37oC, một số phát triển được ở 10- 400C như liên cầu đường ruột.
Trong môi trường lỏng (canh thang): Liên cầu dễ tạo thành những chuỗi dài không bị gẫy, sau đó tạo thành những hạt nhỏ hoặc những hạt như bông rồi lắng xuống đáy môi trường nuôi cấy. Do đó sau 24 giờ, môi trường trở nên trong và có lắng cặn.
- Trên môi trường đặc: Liên cầu có khuẩn lạc tròn, lồi, bóng khô, màu hơi xám trong. Những chủng có vỏ khuẩn lạc lầy nhầy.
- Trên môi trường thạch máu: Liên cầu phát triển tốt, có thể làm tan máu dưới 3 hình thức α, β, γ tuỳ
thuộc từng nhóm liên cầu:
+ Tan máu (α): đây là tan máu không hoàn toàn, vòng tan máu có xuất hiện màu xanh. Liên cầu tan máu α, loài Streptococcus viridans thường là loại không gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chúng có khả năng gây các bệnh nhiễm trùng ở người, như viêm nội tâm mạc bán cấp (subacute endocarditis) có thể dẫn đến tổn thương van tim và suy tim nếu không điều trị. Streptococus pneumoniae, căn nguyên gây viêm phổi thuỳ (lobar pneumonia) sẽ được nghiên cứu trong phần xét nghiệm phân lập.
+ Tan máu (β):Tan máu β, đây là tan máu hoàn toàn, vòng tan máu trong suốt và có đường kính gấp 2 - 4 lần đường kính của khuẩn lạc. Những Streptococci có khả năng gây tan máu β phần lớn có khả năng gây bệnh. Tan máu β chủ yếu ở liên cầu nhóm A, ngoài ra có thể gặp ở nhóm B, C, D.
+ Tan máu (γ): Tan máu γ là loại tan máu không có vòng tan máu xung quanh của khuẩn lạc. Hầu hết các streptococci gây tan máu γ không mang tính độc lực. Tan máu kiểu này đối với liên cầu nhóm D (E. faecalis).
1.3. Tính chất sinh vật hoá học
- Liên cầu không có enzym catalase.
- Liên cầu không bị ly giải bởi muối mật, tức là:
+ Thử nghiệm optochin âm tính; hay
+ Thử nghiệm ly giải bởi muối mật âm tính
Tuy nhiên, để phân biệt các loại liên cầu khác nhau thì phải dựa trên một số tính chất sinh hóa, cụ thể ở bảng sau:
- Các thử nghiệm khác sử dụng để phân biệt các loại liên cầu:
+ Bacitracin:
[align=center]
+ CAMP test: Liên cầu nhóm B được xác định bởi thử nghiệm CAMP (viết tắt của Christie, Atkins và Munch-Peterson). Liên cầu nhóm B sản xuất một chuỗi peptide hay chất CAMP có hoạt động phối hợp với hemolysin gây tan máu β được sinh ra bởi một số chủng Staphylococcus aureus, tạo ra hiệu quả tan máu tăng lên rõ rệt. Sau khi nuôi cấy và ủ, kết quả tác dụng là vùng tan máu có hình dạng như mũi tên nằm kề với trung tâm của đường cấy của S. aureus.
Những liên cầu không phải nhóm B không có phản ứng này.
+ Thử nghiệm bile esculin: Với sự xuất hiện của muối mật, liên cầu D thuỷ phân glycoside esculin thành 6,7-dihydroxy-coumarin; chất này sẽ phản ứng với muối sắt trong môi trường để tạo ra màu nâu cho đến màu đen sau khi nuôi cấy và ủ. Nếu không xuất hiện màu tối này trên môi trường, đó không phải là liên cầu nhóm D.
+ Canh thang chứa muối NaCl 6.5%: Liên cầu nhóm D có thể phân biệt với các cầu khuẩn không thuộc họ đường ruột khác bằng khả năng tồn tại và phát triển trên môi trường này.
1.4. Cấu trúc kháng nguyên
- Kháng nguyên C đặc hiệu nhóm: Năm 1930, Lancefield dựa vào kháng nguyên C (carbohydrat) của vách tế bào vi khuẩn để xếp liên cầu thành các nhóm từ A, B, C...R. Liên cầu nhóm A và D có khả năng gây bệnh cho người. Các nhóm khác (B,C) gây bệnh cho súc vật hoặc không gây bệnh.
- Kháng nguyên M đặc hiệu typ: Kháng nguyên M ( Protein M) cũng nằm ở vách tế bào vi khuẩn. Dựa vào kháng nguyên này Lancefiel xếp liên cầu nhóm A thành 80 typ huyết thanh khác nhau. Protein M nằm trên bề mặt tế bào nên dễ dàng kết hợp với kháng thể kháng protein M.
Kháng nguyên M có khả năng chống lại thực bào vì vậy nó liên quan trực tiếp tới độc lực của liên cầu.
- Những kháng nguyên khác của liên cầu:
+ Kháng nguyên T: Là protein của vách tế bào vi khuẩn, bị phá huỷ bởi nhiệt độ ở pH acid.
+ Kháng nguyên P: Bản chất là nucleoprotein, kháng nguyên này có phản
ứng chéo với nucleoprotein của tụ cầu.
+ Kháng nguyên R: Bản chất là protein, nằm ở vách tế bào vi khuẩn, có một số typ M của liên cầu nhóm A.
+ Kháng nguyên vỏ acid hyaluronic: Có ở những liên cầu có vỏ của nhóm A.
1.5. Các enzym và độc tố
1.5.1. Các enzym (men):
- Men Streptokinase: Thường có ở liên cầu nhóm A,C,G. Men này là một kháng nguyên có khả năng kích thích cơ thể hình thành kháng thể Anti Streptokinase (ASK). Streptokinase có khả năng làm tan tơ huyết, hoạt hoá xung quanh vùng tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn lan tràn.
- Streptodornase (Desoxyribonuclease): Streptodornase có khả năng thuỷ phân ADN, do đó làm lỏng mủ nhưng chỉ có tác dụng khi có mặt của ion Mg. Men streptodornase có 4 loại A,B,C,D và đều là những kháng nguyên kích thích cơ thể hình thành những kháng thể đặc hiệu.
- Hyaluronidase: Men có tác dụng phân huỷ acid hyaluronic của tổ chức, tạo điều kiện cho vi khuẩn lan truyền sâu rộng vào các mô. Men này cũng có tính kháng nguyên kích thích cơ thể sinh kháng thể anti streptohyaluronidase.
- Diphospho pyridine nucleotidase (DPNase): Men này có ở liên cầu nhóm A, C, G. Có độc tính với tế bào bạch cầu và gây chết bạch cầu. Đây cũng là men có tính kháng nguyên và kích thích cơ thể hình thành kháng thể.
- Proteinase: Có tác dụng phân huỷ protein và kích thích cơ thể hình thành kháng thể.
1.5.2. Độc tố:
Dung huyết tố: Liên cầu tan máu α có khả năng hình thành hai loại dung huyết tố:
- Streptolysin O: Hầu hết liên cầu tan máu β đều có khả năng sinh ra men này. Chúng bị mất hoạt tính bởi oxy nên trên môi trường nuôi cấy, chúng gây tan máu ở phía sâu trong thạch. Độc tố này mang tính chất của một ngoại độc tố, có tính kháng nguyên mạnh nên kích thích cơ thể hình thành kháng thể (anti streptolysin O). Việc định lượng kháng thể này có giá trị trong chẩn đoán bệnh liên cầu đặc biệt trong bệnh thấp tim và viêm cầu thận cấp.
- Streptolysin S: Nhiều liên cầu tiết ra loại men này, men gây tan máu ở bề mặt môi trường nuôi cấy, tính kháng nguyên yếu nên không kích thích cơ thể hình thành kháng thể.
Độc tố hồng cầu: Còn được gọi là độc tố sinh đỏ, bản chất là protein gây phát ban trong bệnh tinh hồng nhiệt.
2. Khả năng gây bệnh
2.1. Gây bệnh cho người
2.1.1. Bệnh do liên cầu nhóm A:
Liên cầu nhóm A gây bệnh quan trọng nhất ở người. Tuỳ từng typ huyết thanh học mà gây nên các thể lâm sàng:
Nhiễm khuẩn tại chỗ: Viêm họng, eczema, chốc lở, nhiễm khuẩn vết thương, viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm trùng tử cung sau đẻ.
Các nhiễm khuẩn thứ phát: Từ nhiễm khuẩn tại chỗ bệnh nhân có thể bị
nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim ác tính.
Bệnh tinh hồng nhiệt: Bệnh thường gặp ở các nước ôn đới. Trong đó, trẻ em trên 2 tuổi dễ mắc bệnh hơn. Các biểu hiện lâm sàng đáng chú ý nhất là ở thận và tim.
Các bệnh khác:
- Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu nhóm A: Thường do typ 12, một số typ 4, 18, 25, 49, 52, 55 gây ra. Bệnh thường xảy ra sau khi bị viêm họng hoặc viêm da do liên cầu. Các giả thuyết cho rằng sự tác động của kháng thể chống lại kháng nguyên vách của liên cầu nhóm A phản ứng chéo với màng đáy của cầu thận.
- Bệnh thấp (thấp tim, thấp khớp,viêm cầu thận cấp): Bệnh thường xảy ra sau nhiễm liên cầu nhóm A ở họng 2-3 tuần, sau khi cơ thể đã hình thành kháng thể chống liên cầu. Thường gặp một số typ huyết thanh: 1, 3, 5, 6, 14, 18, 19, 24, 27, 29 gây thấp tim. Nguyên nhân do glycoprotein của van tim, bao khớp và cầu thận có kháng nguyên chung với kháng nguyên của liên cầu nên đã phản ứng với kháng thể của liên cầu nhóm A.
2.1.2. Bệnh do liên cầu nhóm D:
Liên cầu D là một trong những vi khuẩn bình thường ở đường ruột và gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Liên cầu D có thể nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, đôi khi viêm màng trong tim.
2.1.3. Bệnh do liên cầu Viridans:
Liên cầu Viridans là ký sinh ở đường hô hấp, không tan máu hoặc tan máu α, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp và là căn nguyên chính gây viêm màng trong tim chậm (osler) trên những người có van tim không bình thường.
2.2. Gây bệnh thực nghiệm
Thỏ là súc vật cảm nhiễm đối với liên cầu. Thỏ có thể biểu hiện các bệnh cảnh khác nhau như ápxe, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết.
2.3. Miễn dịch
Trong các loại kháng thể được tạo thành, chỉ có kháng thể chống protein M có khả năng chống lại quá trình nhiễm trùng, kháng thể này mang tính đặc hiệu typ. Các kháng thể không có khả năng bảo vệ cơ thể.
3. Chẩn đoán vi khuẩn học
3.1. Chẩn đoán trực tiếp
3.1.1. Lấy bệnh phẩm:
Bệnh phẩm có thể là mủ vết thương, dịch ngoáy họng, máu, dịch não tuỷ, dịch ổ ápxe... tuỳ từng thể bệnh. Các loại bệnh phẩm phải được nuôi cấy ngay, chậm nhất không quá 3 giờ. Đối với máu phải lấy vào lúc bệnh nhân đang sốt, trường hợp chẩn đoán viêm màng trong tim phải cấy máu nhiều lần.
3.1.2. Nhuộm soi:
Bằng phương pháp nhuộm Gram, có thể thấy cầu khuẩn Gram (+) xếp thành chuỗi. Đây là dấu hiệu gợi ý cho phân lập xác định liên cầu. Tuy nhiên, phần lớn bệnh phẩm nhuộm Gram không thấy có vi khuẩn mà chỉ thấy các bạch cầu đa nhân.
3.1.3. Nuôi cấp phân lập:
Tuỳ theo từng loại bệnh phẩm sẽ nuôi cấy vào các môi trường khác nhau. Cụ thể:
- Bệnh phẩm là máu: thực hiện quy trình cấy máu. Đó là nuôi cấy vào môi trường canh thanh não tim (Brain heart infusion). Sau đó theo dõi hàng ngày, nếu bình cấy máu dương tính thì cấy nhuộm sơ bộ và chuyển ra môi trường thạch máu để xác định.
- Dịch não tuỷ: Nuôi cấy đông thời vào môi trường thạch máu và chocolate. Sau 18-24 giờ nuôi cấy ở 37oC/ 5-10% CO2, có khuẩn lạc mọc thì chọn khuẩn lạc nghi ngờ để xác định.
- Bệnh phẩm là mủ, dịch ngoáy họng: Nuôi cấy bệnh phẩm vào môi trường thạch máu, để tủ ấm 37oC/ 5-10% CO2 theo dõi sự hình thành khuẩn lạc và tính chất tan máu.
Sau 18-24 giờ, chọn khuẩn lạc nghi ngờ để xác định.
3.1.4. Xác định:
- Nhuộm Gram khuẩn lạc nghi ngờ:
Nhuộm soi lại hình thể nếu là cầu khuẩn Gram (+) đứng thành chuỗi thì xác định tính chất sinh vật hóa học.
- Xác định tính chất sinh vật học:
+ Catalase (-)
+ Liên cầu không bị ly giải bởi muối mật, tức là:
/ Thử nghiệm optochin âm tính; hay
/ Thử nghiệm ly giải bởi muối mật âm tính
- Các thử nghiệm khác sử dụng để phân biệt các loại liên cầu:
3.2. Chẩn đoán gián tiếp
Tìm kháng thể trong huyết thanh chỉ áp dụng chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh do liên cầu nhóm A. Đặc biệt xét nghiệm anti streptolysin O (ASO) là xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán bệnh thấp tim và viêm cầu thận cấp ở trẻ em.
- Phản ứng huyết thanh tìm kháng thể ASO: Phản ứng này thông dụng nhất. ở người bình thường, hiệu giá kháng thể dưới 200 đơn vị. Hiệu giá kháng thể cao chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh do liên cầu. Tuy nhiên, trường hợp hiệu giá kháng thể thấp cũng chưa kết luận được bệnh nhân không mắc bệnh.
- Phản ứng huyết thanh tìm kháng thể ASK: Phản ứng này ít được sử dụng hơn. ở người bình thường, hiệu giá kháng thể là 900 đơn vị, trường hợp thấp khớp hiệu giá tăng rõ rệt
- Phản ứng Dick: Dùng để chẩn đoán bệnh nhân có kháng thể chống độc tố tinh hồng nhiệt do liên cầu.
4. Phòng bệnh và điều trị
4.1. Phòng bệnh
Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh có hiệu quả nên chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Để tránh nhiễm trùng thứ phát và biến chứng thấp khớp, tim, thận thì cần phải phát hiện sớm và điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn ở da, ở họng do liên cầu nhóm A gây nên. Sử dụng kháng sinh thích hợp phòng bệnh do liên cầu sau các phẫu thuật đường hô hấp, tiết niệu...
4.2. Điều trị
Các kháng sinh penicillin, tetracyclin, ampicillin... vẫn có tác dụng với
liên cầu nhóm A, liên cầu Viridans. Liên cầu đường ruột kháng kháng sinh mạnh do đó điều trị phải dựa vào kháng sinh đồ.
Tác giả: TS.BS. Trần Quang Cảnh - Khoa Xét nghiệm - HMTU