03-22-2013, 10:43 AM
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Xét nghiệm Vitamin D là xét nghiệm định lượng chất chuyển hóa 25-hydroxyvitamin (Vitamin D3). 25-hydroxyvitamin D3 là dạng lưu hành chủ yếu của Vitamin D trong cơ thể và là thông số tốt nhất thể hiện tình trạng vitamin thực sự của bệnh nhân. Chức năng sinh học chính của vitamin D là duy trì nồng độ calci và phospho trong máu bình thường liên quan đến sự khoáng hoá xương. Vitamin D cũng ảnh hưởng đến biểu hiện của hơn 2.000 gen, bao gồm cả những gen chịu trách nhiệm về điều hòa sự tăng sinh của tế bào, sự biệt hóa tế bào, sự chết tế bào theo chương trình (apoptosis) và sự tạo thành mạch. Vitamin D có các tác dụng điều biến miễn dịch sâu sắc, nhiều tình trạng bệnh lý có liên quan với tình trạng thiếu Vitamin D [3].
Nồng độ 25-Hydroxy vitamin D3 huyết tương được định lượng bằng kỹ thuật miễn dịch điện hóa phát quang (electrochemiluminescence immunoassay) với máy phân tích miễn dịch Elecsys cobas e, hiện đang được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC số 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
1. Sinh học của vitamin D
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giúp tăng cường sản xuất của Vitamin D trong da và ngăn ngừa nhiều bệnh mạn tính. Vitamin D có thể được cung cấp bằng cách uống Vitamin D và bằng cách ăn các thực phẩm trong tự nhiên có chứa Vitamin D (như mỡ cá, dầu gan cá và trứng). Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến sự tăng nguy cơ cho nhiều bệnh, gồm cả một số bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch và loãng xương. Sự thiếu hụt vitamin D cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ và những người không nhận được Vitamin D bổ sung. Người lớn ở mọi lứa tuổi như những người có da sẫm màu (da tăng hắc tố melanin), những người luôn luôn mặc áo chống nắng hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời như các người cao tuổi luôn ở trong nhà cũng dễ bị thiếu hụt Vitamin D.
2. Chỉ định
Xét nghiệm định lượng Vitamin D huyết tương có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
1. Bất kỳ bệnh gì liên quan đến Vitamin D (ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hệ thống, trầm cảm, bệnh Alzheimer, Parkinson, động kinh,…)
2. Bệnh loãng xương, còi xương
3. Đau cơ xương khớp dai dẳng và không đặc hiệu
4. Bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm hoặc thiếu năng lượng
5. Các bệnh tiêu hóa hoặc đã bị cắt bỏ túi mật
6. Những người già
7. Những người thừa cân có chỉ số khối cơ thể BMI > 25
8. Các trẻ chỉ bú sữa mẹ hoặc các trẻ em không có một chế độ ăn uống được cân bằng tốt
9. Những người uống Vitamin D bổ sung nhiều hơn 50 mcg (2.000 IU) mỗi ngày
10. Những người có màu da đậm từ mức trung bình đến màu đen hoặc những người không thường xuyên được tiếp xúc trực tiếp 20 phút với ánh sáng mặt trời mỗi ngày [5].
3. Giá trị bình thường và bệnh lý
Giá trị bình thường của nồng độ 25-OH vitamin D3 huyết thanh của những người khỏe mạnh, được tính bằng đơn vị ng/mL là (Bảng 1):
Bảng 1. Nồng độ Vitamin D huyết tương (ng/mL) (theo Holick MF, 2010) [4]
[table=95][tr][td]Thiếu hụt[/td][td]Bình thường[/td][td]Cần theo dõi điều trị[/td][td]Thừa[/td][/tr][tr][td]< 50[/td][td]50-70[/td][td]70-100[/td][td]>100[/td][/tr][/table]
4. Ý nghĩa lâm sàng
4.1. Nồng độ 25-OH vitamin huyết thanh tăng khi: trường hợp này rất hiếm gặp, thường chỉ gặp khi bổ sung dư thừa vitamin D. Mức độ nhiễm độc Vitamin D là 200-250 ng/mL.
4.2. Nồng độ 25-OH vitamin D huyết thanh có thể giảm trong các rối loạn và các bệnh sau đây:
1. Bệnh tim mạch, gồm cả đột quỵ và cao huyết áp [5]
2. Bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt [1]
3. Chứng loãng xương (Osteoporosis)/ bệnh nhuyễn xương (Osteomalacia)
4. Mức độ calci máu thấp
5. Các bệnh đau xương, cơ, khớp mạn tính
6. Bệnh nha chu (Periodontal disease)
7. Đái tháo đường type I và II
8. Các bệnh viêm ruột
9. Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis)
10. Các bệnh bệnh tự miễn (bệnh đa xơ cứng)
11. Chứng mệt mỏi mạn tính
12. Bệnh trầm cảm (Depression) và rối loạn tâm trạng
13. Bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia)
14. Suy giảm nhận thức ở người cao tuổi [2]
15. Dị tật bẩm sinh [3].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Davis CD, Hartmuller V, Freedman M, Hartge P, Picciano MF, Swanson CA, Milner JA. Vitamin D and cancer: current dilemmas and future needs. Nutr Rev 2007; 65: S71-S74.
2.Ensrud KE, Ewing SK, Fredman L, Hochberg MC,Cauley JA, Hillier TA, et al. Circulating 25-hydroxyvitamin D levels and frailty status in older women. J Clin Endocrinol Metab 2010; 95: 5266-5273.
3.Holick MF, Binkley NC, Bischoff-Ferrari HA, et al. Evaluation, treatment, and prevention of vitamin D deficiency: an endocrine society clinical practice guideline. J Clin Endocrinol Metab 2011; 96(7):1911-1930.
4.Holick MF. Calcium and Vitamin D. Diagnostics and Therapeutics. Clin Lab Med 2000; 20(3): 569-590
5.Holick MF. Vitamin D deficiency. N Engl J Med 2007; 357: 266-281.
Tác giả bài viết : PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện MEDLATEC