12-11-2015, 12:14 PM
KỸ THUẬT TẾ BÀO HỌC ĐỜM
I. NGUYÊN LÝ
Trong đờm chứa các tế bào bong ra của phổi, phế quản, khí quản và đường hô hấp trên cũng như các tế bào từ các tổn thương có trên các cơ quan này bong vào trong đờm. Vì vậy, cần lấy được các tế bào này và nhận định loại tế bào, hình thái, số lượng tế bào, sự sắp xếp tế bào, nền phiến đồ dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán bệnh.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học: 01
- Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 01
2. Phương tiện, hóa chất
- Găng tay vô trùng, khẩu trang.
- Ống hút tự động.
- Máy ly tâm và các lọ đựng dịch ly tâm
- Máy trộn (khuấy)
- Phiến kính sạch, một đầu mài mờ.
- Giá để đựng phiến kính đã dàn bệnh phẩm.
- Bút chì mềm ghi mã số Người bệnh, vị trí chọc hút.
- Dung dịch cố định bệnh phẩm:
+ dung dịch carbowax 2% trong cồn
+ cồn ethanol 95 độ
- Phẩm nhuộm phiến đồ (Giemsa/Diff - Quik/HE/ PAP, Ziehl - Neelsen…).
- Các dụng cụ để nhuộm: khay, giá, cốc pha thuốc nhuộm, ống hút.
- Nước cất, nước sạch để rửa thuốc nhuộm trên phiến kính.
- Các dung dịch sát khuẩn.
- Kính hiển vi quang học, bàn có mặt phẳng, đủ rộng để đặt kính hiển vi và viết (1).
- Phiếu xét nghiệm ghi rõ họ và tên Người bệnh, số lượng đờm, màu sắc, thời gian lấy, người thực hiện kỹ thuật, số lượng phiến đồ.
- Sổ hoặc máy tính ghi lại thông tin của từng Người bệnh và kết quả chẩn đoán.
- Các sọt rác đựng rác thải y tế, rác thải thường.
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Lấy bệnh phẩm
- Việc lấy mẫu được thực hiện bởi các khoa lâm sàng và gửi bệnh phẩm về khoa giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học.
* Yêu cầu:
- Lấy đờm của đường hô hấp dưới (để chẩn đoán tổn thương của phế quản - phổi).
- Lấy đờm của buổi sáng sớm, trước khi ăn uống.
- Số mẫu đờm cần lấy: 3-5 mẫu.
- Người bệnh hít thở sâu, ho mạnh và khạc đờm vào một hộp miệng rộng, làm lại nhiều lần.
- Chuyển ngay bệnh phẩm đến làm xét nghiệm (Người bệnh trong bệnh viện) hoặc pha sẵn 50ml dung dịch tiền cố định trong hộp đựng đờm (nếu lấy đờm từ nhà).
- Dung dịch tiền cố định: 50ml cồn 70% hoặc dung dịch 2% carbowax trong cồn 50% với thể tích tương đương.
2. Kỹ thuật làm tan nhày và tập trung tế bào
- 50ml dung dịch đờm trong lọ đã pha sẵn dung dịch cố định, dùng bi sắt đánh tan đờm hoặc dùng máy trộn xoáy đặt đứng trong nhiệt độ phòng 30-60 phút hoặc cho vào máy xay tốc độ cao trong 5-10 giây, nếu chưa tan nhày lại xay tiếp 5-10 giây hoặc cho chất làm tan nhày vào mẫu đờm đã cố định .
- Cho mẫu đã tan nhày đặt vào máy ly tâm với tốc độ 2000 vòng/phút x10 phút.
- Gạn bỏ phần trong bên trên, để lại vài giọt cùng phần lắng cặn tế bào bên dưới (1-2ml).
- Lấy phần cặn lắc trên máy trộn điện 4-5 giây rồi lấy làm phiến đồ.
3. Làm phiến đồ
- Dùng ống hút hút dịch cặn đã được trộn, nhỏ lên phần trung tâm của các phiến kính đã ghi sẵn mã Người bệnh (1-2 giọt/phiến kính nếu cặn giàu tế bào; 3-4 giọt nếu cặn lỏng, nhiều nước).
- Dùng một phiến kính sạch khác đặt lên trên cặn, dàn nhẹ, đều bệnh phẩm giữa hai phiến kính để bệnh phẩm được dàn mỏng, đều.
4. Cố định phiến đồ
- Các phiến đồ để khô trong không khí 10-30 phút trong môi trường sạch, không bụi.
- Ngâm phiến đồ 10 phút trong cồn 95 độ trước khi nhuộm.
5. Nhuộm các phiến đồ: theo một trong các phương pháp nhuộm: Giemsa, Papanicolaou, Diff - Quick hay May Grünwanld Giemsa, Ziehl - Neelsen hoặc HE như đã nêu ở mục nhuộm phiến đồ tế bào học).
6. Nhận định kết quả trên kính hiển vi quang học do bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học.
IV. KẾT QUẢ
- Các phiến đồ giàu tế bào, được dàn mỏng, đều, các tế bào không chồng chất
lên nhau.
- Hình thái các tế bào được bảo tồn tốt.
- Các tế bào bắt màu rõ ràng, phân biệt được rõ hình thái của nhân và bào tương.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ
- Phiến đồ bị mất tế bào vào trong dịch cố định: cần để khô sau khi dàn 10-30 phút trước khi cố định bằng cồn.
- Bong bệnh phẩm: rửa nhẹ nhàng, nên dùng phiến kính có phủ chất dính (albumin)
- Các tế bào dày, chồng chất: lấy lượng dịch vừa đủ, dàn đều tay
- Tế bào thoái hóa tan rã không nhận định được hình thái nhân và bào tương: dịch lấy ra khỏi cơ thể phải làm xét nghiệm ngay hoặc phải tiền cố định.
- Các tế bào bắt màu quá kém: cần cố định tốt và nhuộm đủ thời gian, thuốc nhuộm tốt .
- Nhuộm quá đậm: tẩy bớt thuốc nhuộm bằng cồn tuyệt đối.
- Các tế bào bị kéo dài hoặc bị dập nát: cần dàn nhẹ tay.
Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT