11-26-2015, 08:54 AM
CỐ ĐỊNH BỆNH PHẨM BẰNG FORMOL ĐỆM TRUNG TÍNH
I. NGUYÊN LÝ
Cố định là làm bất động những cấu trúc của mô cũng như tế bào nhưng vẫn giữ tới mức tối đa hình thái của chúng giống như khi còn sống. Trừ khi cần nhuộm tươi hay cần nghiên cứu về enzym, nuôi cấy tế bào… nói chung, mọi bệnh phẩm cần cố định ngay khi lấy ra khỏi cơ thể. Phải luôn nhớ, cố định tồi sẽ làm giảm chất lượng xét nghiệm và cố định hỏng bệnh phẩm là không thể sửa chữa được. Nồng độ formol thích hợp là 4-10%, không kết tủa protein nhưng cố định hoàn toàn các gel gelatin bằng cách làm cho chúng không hoà tan, cố định các lipid phức tạp kể cả ty lạp thể (mitochondrion) và bộ Golgi, tuy không tác dụng trực tiếp lên lipid, nhưng vẫn bảo toàn được chúng. Tốc độ xuyên thấm nhanh, khoảng 0,7-0,8mm/giờ. Không làm co nhưng làm cứng mạnh mô. Cấu trúc tế bào bảo toàn tốt. Làm tăng tính kiềm khi nhuộm mô. Hơi formol độc nên cần đậy kín và cố định xong phải rửa nước chảy đến 3 giờ trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 02 người.
2. Phương tiện, hóa chất
+ Dung dịch cố định bệnh phẩm: formol đệm trung tính 10%.
+ Các lọ thủy tinh có dung tích 50-300ml để cố định các bệnh phẩm đã phẫu tích.
+ Bình thủy tinh có dung tích lớn (1000-3000ml), có nắp đậy để cố định các bệnh phẩm lớn, chưa phẫu tích.
+ Cốc đong thủy tinh có chia ml
+ Phễu thủy tinh.
+ Kẹp không mấu gắp bệnh phẩm.
+ Nhãn ghi mã số bệnh phẩm, mô u.
+ Bút chì mềm để ghi mã số bệnh phẩm.
+ Găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ.
+ Vòi nước chảy, các dụng cụ và thuốc tẩy trùng để làm sạch dụng cụ.
3. Bệnh phẩm
Bệnh phẩm tươi (hoặc không để quá 30 phút sau khi lấy ra khỏi cơ thể), đã được phẫu tích để xét nghiệm mô bệnh học hoặc chưa phẫu tích.
4. Phiếu xét nghiệm
+ Có đầy đủ thông tin về Người bệnh (họ tên, tuổi, giới, địa chỉ, điện thoại), khoa phòng yêu cầu xét nghiệm.
+ Có ghi đầy đủ chẩn đoán lâm sàng, bao gồm các triệu chứng lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng khác, phương pháp lấy bệnh phẩm, vị trí, số lượng bệnh phẩm.
+ Có ghi rõ yêu cầu xét nghiệm, tên bác sĩ yêu cầu xét nghiệm.
+ Ghi ngày giờ cố định.
+ Có phần mô tả đại thể, số lượng bệnh phẩm lấy xét nghiệm, vùng lấy bệnh phẩm, loại mô xét nghiệm…
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Qui trình chuẩn bị
* Pha dung dịch formol đệm trung tính 10%
+ Formaldehit 37-40% 100ml
+ Nước cất 2 lần 900ml
+ Sodium phosphat monobasic (NaH2PO4) 4gram
+ Sodium phosphate dibasic anhydrous (NaH2PO4 khan) 6,5gram
2. Các bước thực hiện
a. Pha bệnh phẩm thành các mẫu nhỏ, dày 5mm có thể để vừa trong khuôn nhựa chuyển bệnh phẩm.
b. Thả ngay bệnh phẩm tươi vừa pha vào trong lọ đã có dung dịch formol đệm trung tính 10%, không để bệnh phẩm dính vào thành lọ. Lượng dung dịch cố định phải nhiều gấp 20-30 lần thể tích bệnh phẩm.
c. Thời gian cố định 4- 12 giờ tuỳ theo mảnh bệnh phẩm to hay nhỏ nhưng không dưới 4 giờ hay nhiều hơn 12 giờ.
IV. KẾT QUẢ
Bệnh phẩm được cố định tốt, không “sống” nhưng cũng không quá mức (bệnh phẩm bị cứng).
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ
- Nồng độ formol <10% sẽ làm bệnh phẩm sống, mô bị hoại tử do đó phải thay dung dịch cố định mới.
- Bệnh phẩm dính thành lọ khi cố định: Bỏ bệnh phẩm vào lọ cố định khi trong lọ đã chứa dung dịch cố định, lắc nhẹ cho bệnh phẩm không bị dính.
- Nồng độ formol quá cao sẽ làm bệnh phẩm cứng, không khắc phục được.
- Cố định không đúng, bệnh phẩm bị hoại tử là không thể sửa chữa được.
- Để lâu, dung dịch cố định bị oxy hoá có màu trắng sữa, nên cho một ít vôi vào đáy bình đựng formol và lọc trước khi dùng.
Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT