11-25-2015, 09:21 AM
PHẪU TÍCH BỆNH PHẨM U MÔ MỀM
I. NGUYÊN TẮC
Không để sót tổn thương, các mảnh cắt phải đại diện cho tổn thương, phải lấy được rìa diện cắt, hạch (nếu có). Bệnh phẩm sau khi pha cần được cố định ngay trong formol đệm trung tính 10%.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
+ Bác sĩ giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 01
+ Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh – tế bào bệnh học: 02
2. Phương tiện, hóa chất
+ Bàn pha bệnh phẩm: Phải đủ rộng, chiều cao thích hợp cho tư thế đứng pha bệnh phẩm.
+ Cưa, dao sắc, kẹp, thớt nhựa sạch, phẳng.
+ Các lọ đựng dung dịch cố định bệnh phẩm (formol đệm trung tính 10%), thể tích dung dịch cố định lớn hơn 20-30 lần thể tích bệnh phẩm cần cố định.
+ Khuôn nhựa đựng bệnh phẩm.
+ Bút chì mềm, nhãn giấy ghi tên, tuổi Người bệnh, mã số xét nghiệm, mô xét nghiệm…
+ Găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ.
+ Vòi nước chảy, các dụng cụ và thuốc tẩy trùng để làm sạch dụng cụ.
+ Bình có chứa dung dịch cố định để lưu bệnh phẩm.
+ Dụng cụ có nắp kín để đựng các bệnh phẩm đã pha còn dư để đem huỷ.
+ Máy ảnh: 1 cái.
3. Bệnh phẩm
Bệnh phẩm được cố định ngay (không quá 30 phút kể từ khi bệnh phẩm được lấy ra khỏi cơ thể) trong formol trung đệm tính 10%, do các khoa, phòng lâm sàng gửi tới.
4. Phiếu xét nghiệm
+ Có đầy đủ thông tin về Người bệnh (họ tên, tuổi, giới, địa chỉ, điện thoại), khoa phòng yêu cầu xét nghiệm.
+ Có ghi đầy đủ chẩn đoán lâm sàng, bao gồm các triệu chứng lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng khác, phương pháp lấy bệnh phẩm, vị trí, số lượng bệnh phẩm.
+ Có ghi rõ yêu cầu xét nghiệm, tên bác sĩ yêu cầu xét nghiệm.
+ Ghi ngày giờ lấy bệnh phẩm, ngày giờ chuyển đến khoa giải phẫu bệnh –tế bào bệnh học, có hay không có cố định bệnh phẩm sơ bộ, loại dung dịch cố định.
+ Có phần mô tả đại thể, số lượng bệnh phẩm lấy xét nghiệm, vùng lấy bệnh phẩm, loại mô xét nghiệm…
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Qui trình sau đây dành cho bệnh phẩm thu được bằng phẫu thuật cắt chi nhưng cũng áp dụng cho bệnh phẩm từ các phẫu thuật nhỏ hơn.
1. Qui trình chuẩn bị
a. Xem lại các hình ảnh có trước phẫu thuật cắt chi (CT scan, MRI).
b. Đo chiều dài và chu vi của chi bị cắt bỏ, vị trí và kích thước bướu.
c. Kiểm tra vị trí và kích thước của các sinh thiết trước đó (nếu có).
d. Xác định các nhóm hạch chính và đặt vào các lọ riêng.
e. Phẫu tích cẩn thận qua da, mô mỡ dưới da, mạch máu và thần kinh quanh u và tránh cắt vào u. Cố gắng xác định rõ mối liên quan giữa u và các mô lân cận như da, mô mỡ dưới da, cơ, mạch máu và thần kinh, xương và màng xương. Nếu cần thiết, đánh dấu các mốc giải phẫu bằng các thẻ.
f. Khi đã xác định được giới hạn của u, cắt bỏ toàn bộ phần còn lại, có chừa một phần mô lành quanh u.
g. Có 2 cách chuẩn bị, cách đầu áp dụng cho đại đa số trường hợp; cách sau cho một số trường hợp chọn lọc. Trong cả hai trường hợp, nếu đã có sinh thiết trước đó thì cần lấy một mẫu mô dọc theo toàn bộ đường rạch sinh thiết này.
+ Cách 1: Cắt u thành từng lát mỏng, tiếp tục quan sát từng lát để xác định mối liên quan giữa u với những cấu trúc lân cận đã nói trên. Lấy một số mẫu từ những vùng khác nhau của u dựa vào màu sắc, mật độ, cố định bằng formol đệm trung tính 10% trong vài giờ hoặc qua đêm, sau đó cắt nhỏ lại để đặt vừa vào trong khuôn nhựa đựng mô.
+ Cách 2: Đặt toàn bộ u vào trong một chậu chứa formol đệm trung tính 10%, đậy kín, rồi để trong tủ lạnh 4oC qua đêm, sau đó cắt thành từng lát mỏng. Chụp X-quang và chụp ảnh (nếu cần) để xác định vị trí cần cắt lọc.
h. Cắt lọc nhanh phần mô mềm còn lại, tìm những ổ u khác hoặc những tổn thương khác.
i. Dùng cưa cắt dọc các xương chính của chi. Cắt một miếng xương gần mô u nhất để đánh giá sự xâm lấn (nếu có).
k. Mở các khớp lớn để khảo sát.
2. Mô tả đại thể
a. Kiểu cắt chi; chi bên phải hoặc trái.
b. Chiều dài và chu vi của chi, kể cả vị trí và đường kính u.
c. Vị trí và kích thước của các lần sinh thiết trước nếu có.
d. Đặc điểm của u:
+ Xác định vị trí u: mô mỡ dưới da, buồng cơ nào? Cân cơ?
+ Sự lan rộng của u và mối liên hệ với da, mô mỡ dưới da, cơ, cân sâu, màng xương, mạch máu khớp, thần kinh và các tổn thương mạch máu thần kinh do u.
+ Có thấy u trên các đường rạch sinh thiết trước đây?
+ Kích thước ba chiều, hình dạng, màu sắc, giới hạn (vỏ bao? phình lấn hoặc xâm nhiễm?) mật độ, các biến đổi thứ cấp (chảy máu? thoái hóa dạng nang? hoại tử?).
+ Sự hóa mềm, các ổ canxi hóa, sụn, hoặc xương
+ Khoảng cách nhỏ nhất giữa u và diện cắt.
e. Ghi nhận các bất thường nếu có về hình dạng đại thể của phần chi còn lại, da, mô mỡ dưới da, các thần kinh mạch máu lớn, xương (sự xâm lấn của u? bệnh loãng xương? tủy xương?), các khớp (bệnh thoái khớp?).
f. Số lượng hạch tìm thấy.
3. Cắt lọc bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học
a. U: tùy theo kích thước u, cắt 4 lát hoặc nhiều hơn. Nên lấy mẫu ở mọi vùng có dấu hiệu bất thường. Mẫu cắt lọc luôn bao gồm phần ngoại vi u và các mô lân cận như mỡ, cơ, xương, màng xương, mạch máu và thần kinh.
b. Toàn bộ đường rạch sinh thiết trước đây cần phải được lấy mẫu.
c. Hạch: nếu hình ảnh đại thể có vẻ bình thường, chỉ cần lấy đại diện một hạch, nếu bất thường hoặc nghi di căn, lấy toàn bộ hạch.
d. Diện cắt gần: mô dưới da và cơ (thêm cả da và xương nếu có chỉ định).
IV. KẾT QUẢ
Bệnh phẩm không sót tổn thương, có bờ diện cắt, hạch (nếu có), cố định đúng quy định.
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ
- Cần luôn nhớ nếu bệnh phẩm không được cố định ngay sau khi lấy ra khỏi cơ thể hoặc cố định không đúng cách sẽ bị hoại tử là không thể sửa chữa được.
- Bệnh phẩm nhỏ, mềm: tránh dùng kẹp có mấu kẹp chặt làm nát bệnh phẩm.
- Bệnh phẩm của lần pha trước dính lại trên dụng cụ và dính vào bệnh phẩm sau: Thớt pha bệnh phẩm, dụng cụ pha phải rửa sạch trước khi pha từng bệnh phẩm.
Theo Quyết định Số: 5199 /QĐ-BYT