07-17-2013, 12:50 PM
Bệnh luput ban đỏ hệ thống
( systemic luput erythematosus)
( systemic luput erythematosus)
Th.S. Nguyễn Hữu Xoan (Bệnh học nội khoa HVQY)
1. Đại cương.
1.1. Định nghĩa:
Luput ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn, tổn thương nhiều cơ quan, đa dạng về triệu chứng lâm sàng khu trú hoặc hệ thống.
1.2. Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân nào phát sinh kháng thể kháng nhân và các thể khác đến nay chưa rõ. Người ta cho rằng có nhiều nguyên nhân phối hợp.
- Nữ mắc nhiều hơn nam (nữ chiếm 90%).
- Tuổi thường gặp 20-40 tuổi, tuy nhiên có khi gặp 5-6 tuổi hoặc có bệnh nhân trên 60 tuổi.
- Người da đen mắc nhiều hơn da trắng.
- Yếu tố gia đình: những trẻ sinh đôi cùng trứng cùng mắc bệnh.
- Về gen học: ở những người có kháng nguyên HLA-DR2 và DR3 thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt là sự phối hợp giảm các bổ thể (C2, C4, C1r, C13, C1 ức chế). Sự thiếu hụt IgA di truyền.
- Vai trò của virut tham gia vào việc thúc đẩy khởi phát bệnh. Một số giả thuyết cho rằng virut làm tổn thương tế bào lympho B và T lympho.
+ Một số bệnh xuất hiện sau: nhiễm lạnh, sau mổ, sau sinh, sau khi dùng một số thuốc.
1.3. Cơ chế bệnh sinh:
Cơ chế về miễn dịch đóng vai trò chính trong bệnh sinh của bệnh luput ban đỏ hệ thống. Trong bệnh luput ban đỏ hệ thống cơ thể tự sản sinh ra kháng thể để chống lại những kháng nguyên của bản thận mình, trong đó kháng thể kháng nhân (kháng AND, ARN, RNP, kháng RO, kháng SS) và các thành phần của nhân đóng vai trò chủ yếu.
+ Các kháng thể đặc hiệu chống kháng nguyên màng hồng cầu, kháng lympho bào, kháng tiểu cầu, bạch cầu đa nhân gây nên tình trạng thiếu hồng cầu, huyết tán, thiếu bạch cầu lympho, giảm tiểu cầu tự miễn dịch.
+ Các kháng thể đặc hiệu của phân tử huyết thanh, các yếu tố đông máu; yếu tố thấp.
+ Ngoài ra còn có sự bất thường về lympho B và lympho T.
1.4. Tổn thương giải phẫu bệnh lý:
Tổn thương giải phẫu bệnh lý trong bệnh luput rất đa dạng, phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh.
+ Lắng đọng fibrin và các phức hợp miễn dịch ở tổ chức gian mạch máu thận, dọc các sợi collagen, trên bề mặt thanh mạc. Sự lắng đọng phức hợp miễn dịch trong tổ chức sẽ hoạt hoá bổ thể gây viêm các tổ chức đó.
+ Tổn thương thận trong bệnh LE chia thành 3 loại.
- Viêm cầu thận khu trú: một số tiểu cầu thận khu trú tăng sinh tế bào, xâm nhập tế bào viêm, lắng đọng IgG3 và bổ thể C3.
- Viêm cầu thận lan toả:
Màng nền dày lên, ống thận teo, lắng đọng IgG, IgA, IgM, C3 khắp màng nền cầu thận.
- Viêm cầu thận màng do luput.
Lắng đọng các IgG và bổ thể C3 khu trú biểu mô màng nền.
Sinh thiết da: da teo thâm nhiễm các tế bào lympho, tương bào, tổ chức bào, lắng
đọng IgG và C3.
2. Triệu chứng lâm sàng.
2.1. Giai đoạn khởi phát:
+Thường khởi phát một cách từ từ tăng dần.
+ Sốt dai dẳng kéo dài không tìm thấy nguyên nhân.
+ Viêm các khớp kiểu viêm nhiều khớp dạng thấp.
+ Một số ít khởi đầu bằng protein niệu kéo dài.
+ Một số bắt đầu nhanh chóng xuất hiện đủ triệu chứng ngay từ đầu.
+ Một số xuất hiện sau chửa đẻ, sau phẫu thuật, sau khi dùng một số thuốc (D- penicillamine, aldomet, rimifon, reserpin, sulfamid…).
2.2. Giai đoạn toàn phát:
+ Toàn thận: sốt cao kéo dài, gầy sút, chán ăn, mệt mỏi.
+ Xương khớp: đau mỏi trong xương khớp, tiến triển nhanh từng đợt, có đau cơ, viêm cơ.
Có khi sưng, nóng, đỏ, đau, co cứng khớp: khớp cổ chân, cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu, khớp bàn ngón rất giống viêm đa khớp dạng thấp.
Các triệu chứng sưng, đau xương khớp thường chiếm tỉ lệ cao trong luput (80-90%). Trên phim X quang: không thấy dấu hiệu mòn xương hoặc gai xương ở các rìa khớp mà điều quan tâm là hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi, xương chày, cánh tay. Có thể thấy tế bào LE trong dịch khớp, ít bạch cầu đơn nhân.
+ Da và niêm mạc:
- Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt; là những màu đỏ nổi lên mặt da, gianh giới không rõ, ít ngứa, lõm ở giữa, phủ vẩy mỏng. Sau một thời gian bong vẩy để lại vết thâm trên da. Ban thường khu trú ở hai cánh mũi, hai gò má, có khi lan rộng vào hố mắt, lên trán nhưng không vào da đầu.
- Ban đỏ hình đĩa: tổn thương có dạng vòng tròn, lõm ở giữa và có vẩy. Có thể ở mặt, trán, cổ, ngực và chi.
- Ban đỏ rải rác toàn thận.
- Xạm da: da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
- Loét niêm mạc thường khu trú ở miệng, họng, lưỡi và niêm mạc bộ phận sinh dục.
- Viêm thành mạch bao gồm: chấm, mảng xuất huyết, nốt dưới da, hoại tử đầu chi.
- Nổi hạt dưới da kiểu dạng thấp.
- Rụng tóc từng mảng, từng đám hay toàn bộ.
+ Thận:
- Tổn thương thận trong luput thường hay gặp, xảy ra sớm là một yếu tố tiên lượng bệnh.
- Tổn thương ở cầu thận, ống kẽ thận, mạch thận, nhưng tổn thương cầu thận là chính.
- Biểu hiện lâm sàng có: phù, huyết áp cao, đôi khi có đái máu vi thể. Một số trường hợp không có biểu hiện lâm sàng chỉ có protein niệu đơn thuần kéo dài cho tới khi suy thận mạn tính hoặc hội chứng thận hư. Tổn thương cầu thận trong luput có 3 loại:
. Viêm cầu thận tăng sinh khu trú do luput, chưa có hội chứng thận hư và suy thận tiên lượng tốt hơn.
. Viêm cầu thận tăng sinh lan toả.
. Viêm cầu thận màng do luput.
- Có biểu hiện hội chứng thận hư và suy thận thì tiên lượng xấu. Bệnh nhân thường không sống quá 3 năm.
- Có 5 hình thái tổn thương cầu thận được mô tả khi sinh thiết thận theo phân loại của
WHO:
. Týp I: trên kính hiển vi cầu thận bình thường.
. Týp II: cầu thận có lắng đọng IgG.
. Týp III: viêm cầu thận từng đoạn từng vùng.
. Týp IV: viêm cầu thận tăng sinh lan toả.
. Týp V: viêm cầu thận ngoài màng.
+ Tim mạch:
- Viêm màng ngoài tim thường gặp nhất chiếm tỷ lệ 50% trường hợp. Viêm khô hoặc tràn dịch, ít biểu hiện đau ngực trái, nghe tiếng cọ màng tim, phát hiện bằng điện tim, siêu
âm, X quang, khỏi nhanh khi dùng corticoid.
- Viêm nội tâm mạc thể trai xơ (của Libmaun Sachs) khu trú thất trái, phát hiện qua mổ tử thi.
Có thể gây hẹp hoặc hở van 2 lá trên lâm sàng nghe được tiếng thổi tâm thu hay rùng tâm trương, yếu tố thuận lợi cho viêm nội tâm mạc (Osler).
- Viêm cơ tim: thường viêm khu trú, tiến triển tiềm tàng, biểu hiện lâm sàng: đau vùng trước tim, hay hồi hộp đánh trống ngực, nghe có tiếng thổi tâm thu tại mỏm, rối loạn nhịp, nhịp ngựa phi dẫn đến suy tim toàn bộ.
- Viêm động mạch vành, suy vành xảy ra chậm nhưng nguy hiểm, dễ tử vong do nhồi máu cơ tim.
- Viêm tắc động mạch lớn, động mạch nhỏ gây hoại tử đầu chi.
- Viêm tắc tĩnh mạch hay gặp ở chi dưới.
- Hiện tượng Raynaud thường gặp.
+ Phổi, màng phổi:
Thường gặp tràn dịch màng phổi thanh tơ, hoặc viêm phổi nặng, xơ hoá phổi. Bệnh nhân thường ho, khó thở, nghe phổi ran ẩm hoặc ran nổ hai đáy và nền phổi. Tràn dịch màng phổi thường kèm theo tràn dịch màng tim. Dịch màng phổi thường màu vàng chanh, nhiều albumin, phản ứng Rivalta (+). Có thể tìm thấy tế bào L, E hoặc kháng thể kháng nhân trong dịch màng phổi. Có thể gặp xơ phổi, tăng áp lực động mạch phổi.
+ Tâm thần kinh:
- Động kinh cơn lớn hay cơn nhỏ toàn thể hoặc cục bộ, bệnh nhân có thể rối loạn ý thức, liệt, câm.
- Viêm màng não nước trong: tăng protein, lympho bào, có thể tìm thấy tế bào L, E
trong dịch não tủy.
- Viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
- Rối loạn tâm thần: rối loạn nhân cách, hội chứng trầm cảm.
+ Biểu hiện về máu, cơ quan tạo máu:
- Hạch to nhiều nơi, lách to (ít).
- Thiếu máu, tan máu tự miễn.
- Xuất huyết do giảm tiểu cầu (do kháng thể kháng tiểu cầu).
- Thiếu hồng cầu, thiếu bạch cầu, tiểu cầu.
- Rối loạn đông máu: tăng đông gây huyết khối động mạch, tĩnh mạch.
+ Tiêu hoá:
- Gan to.
- Viêm tụy cấp.
- Xuất huyết tiêu hoá, thủng tạng rỗng.
- Hội chứng kém hấp thu.
+ Mắt: viêm võng mạc, teo tuyến lệ, viêm kết mạc mắt.
3. Triệu chứng cận lâm sàng.
3.1. Các xét nghiệm định hướng chẩn đoán:
+ Tốc độ lắng máu tăng cao.
+ Thiếu máu đẳng sắc.
+ Tăng các Ig huyết thanh.
+ Giảm bạch cầu.
+ Phản ứng BW (+) giả.
3.2. Các xét nghiệm về miễn dịch:
+ Bổ thể huyết thanh giảm (CH50; C3; C4 giảm).
+ Nghiệm pháp waaler rose và γlatex (+) 20%.
+ Phức hợp miễn dịch tuần hoàn cá thể (+).
3.3. Các xét nghiệm quyết định chẩn đoán:
+ Tìm tế bào Hargrave hay tế bào L.E: là loại bạch cầu phần lớn là bạch cầu đa nhân trung tính, trong nguyên sinh chất đã thực bào một tế bào khác chỉ còn lại một bóng tròn rỗng, không có cấu trúc rõ rệt, bắt màu hồng tím nhạt, nhân của bạch cầu thực bào bị đẩy ra phía ngoài, ôm xung quanh tế bào bị thực bào không còn nhân. Xét nghiệm này thường dương tính.
+ Kháng thể kháng nhân và các thành phần của nhân:
- Kháng thể kháng AND tự nhiên có tính đặc hiệu cao, dương tính từ 60-90% các trường hợp phát hiện bằng hai phương pháp.
. Nghiệm pháp Farr dùng kỹ thuật phóng xạ.
. Miễn dịch huỳnh quang trên Critidia lucida.
- Kháng thể kháng AND đã phân giải.
- Kháng thể kháng Sm.
- Kháng thể kháng Histon.
- Kháng ribosoms; kháng lysosome; kháng phospho lipit; kháng thể kháng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
+ Sinh thiết da thấy lắng đọng IgG, bổ thể ở nơi tiếp giáp da và hạ bì.
+ Soi mao mạch: viêm các tiểu mạch da.
4. Tiến triển.
Tiến triển của bệnh luput ban đỏ hệ thống tùy thuộc vào từng thể bệnh.
4.1. Thể cấp tính:
Tiến triển nhanh, sốt cao, gầy sút, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng: thận, tim, phổi, thần kinh, máu, nhiễm khuẩn. Tử vong sau vài ba tháng.
4.2. Thể bán cấp tính:
Tiến triển từng đợt, mỗi đợt tổn thương thêm một số nội tạng. Bệnh nặng lên khi bị nhiễm khuẩn, stress, có thai, phẫu thuật, tử vong sau 5 năm vì các biến chứng ở thận, tim, thần kinh.
4.3. Thể mạn tính:
Diễn biến chậm, ít tổn thương nội tạng, tiên lượng tốt hơn.
5. Chẩn đoán.
5.1. Chẩn đoán xác định:
Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của hội thấp khớp Mỹ (ARA) 1982 có chỉnh lý gồm 11 tiêu chuẩn.
+ Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt.
+ Ban đỏ hình đĩa ở mặt, ở thận.
+ Xạm da do ánh nắng.
+ Loét miệng.
+ Viêm khớp.
+ Viêm tràn dịch các màng.
+ Tổn thương thận.
+ Tổn thương thần kinh-tâm thần (không do các nguyên nhân khác).
+ Rối loạn về máu:
- Thiếu máu, tan máu.
- Giảm bạch cầu < 4000/mm3.
- Giảm tiểu cầu < 100.000/mm3.
- Giảm lymphocyt < 1500/mm3.
+ Rối loạn miễn dịch:
Tế bào L, E hoặc kháng thể kháng AND tự nhiên hay kháng thể Sm, BW (+) giả
trên 6 tháng.
+ Kháng thể kháng nhân (+) (không do thuốc).
Chẩn đoán (+) khi có 4 tiêu chuẩn trở lên.
5.2. Chẩn đoán phân biệt:
Cần chẩn đoán phân biệt với:
+ Bệnh thấp khớp cấp.
+ Bệnh viêm khớp dạng thấp.
+ Bệnh xơ cứng bì, bệnh viêm da cơ, đa cơ, bệnh viêm nút quanh động mạch.
6. Điều trị.
Luput ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn dịch, bệnh của tổ chức liên kết, biểu hiện ở nhiều cơ quan, diễn biến từng đợt cấp tính xen kẽ những đợt tạm lui bệnh. Điều trị bệnh luput ban đỏ hệ thống nhằm điều trị tấn công trong đợt kịch phát xen kẽ những đợt điều trị duy trì củng cố.
6.1. Cortico-steroid:
Cho đến nay corticoid vẫn là thuốc điều trị cơ bản và có hiệu quả trong bệnh collagen nói chung và trong bệnh L.E nói riêng.
Cortico-steroid là nội tiết tố của vỏ thượng thận có tác dụng chống viêm giảm tiết dịch và tính thấm, ngăn cản tăng sinh tế bào, ức chế hình thành kháng thể. Cơ chế tác dụng của thuốc là corticoid liên kết với AND nhân tế bào có thẩm quyền miễn dịch, ngăn cản sao chép ARN và phong bế quá trình tổng hợp protein, trực tiếp phong bế tế bào Tc, các IL-2, ức chế hình thành bổ thể.
Liều lượng: liều điều trị trong một đợt hoạt động trung bình 1-1,5 mg/kg/24h (lấy prednisolon làm chuẩn) cho đến khi đạt được hiệu lực điều trị, cho giảm dần, sau đó duy trì 5-10mg/ngày tùy theo từng bệnh nhân cụ thể.
6.2. Thuốc chống sốt rét tổng hợp chloroquin (delagin, nivaquin):
Chỉ định trong thể trạng bán cấp, luput dạng đĩa, tổn thương da và khớp chiếm ưu thế.
Mỗi ngày uống 1 viên 0,20 g x 2 ngày kéo dài. Khi kết hợp với corticoid thì giảm liều corticoid.
Thuốc ức chế giải phóng men tiêu thể (lysozym) làm bền vững màng tiểu thể (lysosom). Thuốc có thể gây đỏ da, dị ứng, rối loạn dạ dày ruột, thuốc có thể lắng đọng giác mạc dẫn đến nhìn mờ hoặc xuất hiện vết quầng xung quanh ánh sáng. Định kỳ 3-6 tháng khám mắt một lần. Không dùng khi có thai, suy gan- thận nặng, rối loạn chuyển hoá porphyrin.
6.3. Thuốc ức chế miễn dịch:
Cyclophosphamide (endoxan) viên 50 mg x 2-3 viên/ ngày; azathioprine 1-2 mg/kg/24 giờ. Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi dùng cortiocid không hiệu quả. Thuốc có tác dụng ức chế phân chia tế bào ở thời kỳ tiền phân bào. Thuốc có tác dụng mạnh trên tế bào lympho B.
Tác dụng phụ: giảm bạch cầu, suy tủy, nên diều trị sau 1-2 tuần xét nghiệm máu một lần.
6.4. Lọc huyết tương:
Mục đích để loại bỏ các phức hợp miễn dịch lưu hành trong huyết tương.
6.5. Chống nhiễm khuẩn:
Trong bệnh luput ban đỏ bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn (vì tính chất bệnh và vì dùng thuốc ức chế miễn dịch), khi bị nhiễm khuẩn làm bệnh diễn biến nặng lên, vì vậy phải khám và cho thuốc kịp thời.
6.6. Điều trị thể sốt cao tiến triển nhanh mà điều trị các thuốc không hiệu quả:
Truyền methyl prednisolon 1g x 3 ngày liên tục. Sau đó uống liều củng cố kéo dài.
Nguồn: benhhoc.com