03-22-2013, 09:37 AM
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
ACTH là tên viết tắt của hormone kích vỏ thượng thận (adrenocorticotropic hormone), còn gọi là corticotropin, là một hormone peptide gồm 39 acid amin, do thùy trước tuyến yên tiết ra dưới tác dụng kích thích của hormone giải phóng corticotrophin CRH (corticotropin releasing hormone) của vùng dưới đồi (hypothalamus) [1, 2]. ACTH kích thích vỏ thượng thận bài tiết ra các glucocorticoid. Nồng độ các glucocorticoid trong máu tăng lại ức chế sự bài tiết của CRH và ACTH theo cơ chế ức chế ngược (negative feedback mechanism). Do đó, mức độ ACTH trong máu được đo có thể giúp phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các tình trạng bệnh lý liên quan với sự tăng hoặc giảm cortisol của cơ thể. Những tình trạng bệnh lý này bao gồm: bệnh Cushing, hội chứng Cushing [4, 5], bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát), suy thượng thận thứ phát (giảm sản xuất cortisol do rối loạn chức năng tuyến yên), suy tuyến yên, …
Hiện nay, nồng độ ACTH trong huyết tương được định lượng bằng phương pháp định lượng miễn dịch điện hóa phát quang (electrochemiluminescence immunoassay “ECLIA”) với máy phân tích miễn dịch Cobas e, được thực hiện tại Bệnh viện MEDLATEC 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
1. Chỉ định
Xét nghiệm định lượng ACTH máu được chỉ định để:
1.1. Phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân có các triệu chứng liên quan với sự thừa cortisol (gặp trong bệnh Cushing, hội chứng Cushing, hội chứng ACTH lạc chỗ) như: béo phì (chủ yếu là béo phân thân của cơ thể), mặt tròn, nhiều mụn trứng cá, da khô từng mảng, lông tóc phát triển, …, có thể kèm theo huyết áp cao, natri cao, kali hạ, glucose máu cao.
1.2. Phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân có các triệu chứng liên quan với sự thiếu cortisol (gặp trong bệnh Addison, suy tuyến yên) như: yếu cơ, mệt mỏi, ăn kém ngon, sút cân, sạm da, rụng tóc, mất kinh, teo tinh hoàn, vô sinh, …, có thể kèm theo huyết áp thấp, natri thấp, kali cao, glucose máu thấp.
2. Ý nghĩa lâm sàng
Sự thay đổi nồng độ ACTH và cortisol trong máu thường được đánh giá cùng lúc. Nồng độ ACTH thường cao vào buổi sáng và thấp vào buổi tối, do đó, cũng như đối với cortisol, cần phải lấy mãu máu làm xét nghiệm ACTH và cortisol cùng một thời điểm (thường lấy mẫu khi đói, vào khoảng từ 7 đến 10 giờ sáng) để có thể biện luận kết quả một cách hợp lý.
Nồng độ bình thường của ACTH trong máu người khỏe mạnh, lấy mẫu vào khoảng thời gian từ 7 đến 10 giờ sáng là 1,6-13,9 pmol/L (7,2-63,3 pg/mL).
Sự thay đổi nồng độ ACTH và cortisol huyết tương có thể gặp trong các trường hợp bệnh lý sau:
2.1. Nồng độ ACTH tăng và cortisol tăng: có thể gặp trong bệnh Cushing (Cushing’s disease), là bệnh do khối u (thường là lành tính) của tuyến yên kích thích quá mức tuyến thượng thận. Chẩn đoán hình ảnh (X quang, chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân) cho thấy có khối u ở tuyến yên.
2.2. Nồng độ ACTH tăng và cortisol tăng: cũng có thể gặp trong Hội chứng Cushing (Cushing’s syndrome), gồm các triệu chứng tương tự như trên, xuất hiện do các khối u của tuyến thượng thận, do các khối u ngoài tuyến yên sản xuất một chất giống ACTH gọi là Hội chứng ACTH lạc chỗ (Ectopic ACTH syndrome) hoặc do sử dụng các hormone steroid (trong điều trị ung thư hoăc các bệnh tự miễn) [4, 5]. Hội chứng ACTH lạc chỗ là tình trạng ACTH được sản xuất tăng không do tuyến yên mà do các khối u ở những nơi khác trong cơ thể, thường do ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell carcinoma) hoặc hiếm hơn do các khối u tuyến ức (thymic tumors), ung thư tụy (pancreatic adenocarcinomas) hoặc ung thư phế quản (bronchial carcinoids) [5].
2.3. Nồng độ ACTH tăng và cortisol giảm: có thể gặp trong bệnh Addison, là bệnh suy thượng thận nguyên phát, xảy ra khi vỏ thượng thận bị tổn thương hoặc bị phá hủy gây nên sự thiếu cortisol và steroid thượng thận khác, đặc biệt là aldosterone.
2.4. Nồng độ ACTH giảm và cortisol tăng: có thể gặp trong bệnh U thượng thận (Adrenal tumor). U thượng thận có thể là u lành tính hoặc ác tính, đều có xu hướng sản xuất thừa cortisol. Các khối u ác tính có thể gặp là u nguyên bào thần kinh, ung thư biểu mô vỏ thượng thận; khối u lành tính có thể gặp là u tế bào ưa crôm (pheochromocytomas).
2.5. Nồng độ ACTH giảm và cortisol giảm: có thể gặp trong suy tuyến yên (Hypopituitarism). Các hormone tuyến yên kiểm soát chức năng của tuyến thượng thận, tuyến giáp và các tuyến sinh dục (tinh hoàn và buồng trứng). Nồng độ ACTH máu giảm trong suy tuyến yên sẽ dẫn đến suy thượng thận thứ phát, làm cho nồng độ cortisol giảm [4, 5].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Arlt W, Stewart PM. Adrenal corticosteroid biosynthesis, metabolism, and action. Endocrinol Metab Clin North Am 2005; 34: 293-313.
2.Cone RD. Anatomy and regulation of the central melanocortin system. Nature Neurosci 2005; 8: 571-578.
3.Jacobson L. Hypotalamic-pituitary-adrenocortical axis regulation. Endocrinol Metab Clin Norrth Am 2005; 34: 271-292.
4.Lindsay JR, Nieman LK. Differential diagnosis and imaging in Cushing’s syndrome. Endocrinol Metab Clin North Am 2005; 34:403-421.
5.Oliver RL, Davis JR, White A. Characterization of ACTH relates peptides in ectopic Cushing’s syndrome. Pituitary 2003; 6: 119-126.
Nguồn: Medlatec