02-05-2013, 11:21 PM
SÁN DÂY LỢN
1. Hình thể
1.1. Sán trưởng thành
Sán dây lợn dài 1-3m, có thể tới 8 m, cơ thể có từ 700-1000 đốt. Là loại sán lưỡng tính. Đầu sán nhỏ, có 4 hấp khẩu (giác bám), có 2 vòng móc có từ 25-50 móc. Cổ sán mảnh và ngắn.
Những đốt gần đầu non, nhỏ, có chiều dài ngắn hơn chiều ngang. Những đốt giữa có chiều ngang và chiều dài xấp xỉ bằng nhau. Những đốt già chiều ngang ngắn hơn chiều dài (dài 9-12mm, rộng 5-6mm). Ở những đốt già, tử cung phát triển và chứa nhiều trứng. Trong mỗi đốt, có cơ quan sinh dục đực bao gồm tinh hoàn và ống dẫn tinh đi ra một bên của đốt sán đổ vào lỗ sinh dục, cơ quan sinh dục cái bao gồm buồng trứng và tử cung. Mỗi đốt sán đều có bộ phận giao hợp để việc thụ tinh sẽ xẩy ra ở các đốt cách xa nhau.
Sán dây lợn
Đầu sán dây lợn
Đốt sán dây lợn
1.2. Trứng sán
Trứng hình tròn, đường kính 30-50m, vỏ dầy gồm có 2 lớp, giữa 2 lớp có những đường khía ngang. Trứng màu vàng xám, bên trong là khối nhân có hạt, có thể thấy 6 móc chiết quang nằm trong nhân.
Trứng sán dây lợn
1.3. Ấu trùng
Ấu trùng sán dây lợn còn gọi là kén, nang. Ấu trùng trong tổ chức cơ có đường kính 0,7-0,8 cm, chiều dài 1,5 cm. Ở những cơ chắc, ấu trùng có hình kéo dài nhưng ở những bộ phận có tổ chức lỏng lẻo ấu trùng lại có hình cầu. Hình dạng ấu trùng giống như hạt đu đủ, mọng nước. Bên trong nang là đầu sán non nằm lệch về một phía
2. Chu kỳ phát triển
2.1. Vị trí ký sinh
Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Ấu trùng sán ký sinh ở các cơ và nội tạng như não, tim, mắt. Các cơ thường có nhiều ấu trùng ký sinh hơn là lưỡi, cơ hoành, cơ denta.
2.2. Diễn biến chu kỳ
Trứng sán theo đốt già rụng ra khỏi cơ thể sán rồi ra ngoài theo phân. Trứng sán dây không cần đòi hỏi thời gian phát triển ở ngoại cảnh. Khi người hoặc lợn ăn phải trứng, trứng sẽ vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng sán sẽ theo hệ bạch mạch hoặc xuyên qua các lớp tổ chức để tìm đến ký sinh ở cơ, cơ quan nội tạng phát triển thành nang ấu trùng sán (Cysticercus cellulosae). Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là "lợn gạo". Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm. Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành.
Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng.
Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm.
Một số tác giả cho rằng, người mắc sán trưởng thành dễ có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn (Cysticercosis) . Vì một lý do nào đó như nôn, tăng nhu động ruột, đốt sán ở ruột bị nhu động ruột đẩy lên dạ dày, đốt sán bị tiêu hoá còn lại trứng và chu kỳ ấu trùng sẽ được thực hiện. Theo điều tra của Phạm Hoàng Thế, 54% bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn có tiền sử mắc bệnh sán trưởng thành. Như vậy người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn .
Chu kỳ sán dây lợn
3. Bệnh học
3.1. Bệnh sinh
Sản phẩm chuyển hoá và các chất tiết của sán gây độc cho hầu hết các hệ thống và tổ chức của cơ thể. Bản thân ký sinh trùng cũng gây những tác hại cơ giới đáng kể.
3.2. Triệu chứng lâm sàng
Tuỳ theo từng thể mà sán trưởng thành hay ấu trùng gây nên những triệu chứng khác nhau.
3.2.1. Sán trưởng thành.
Bệnh sán dây trưởng thành chủ yếu gây triệu chứng đau bụng vùng rốn, rối loạn tiêu hóa nhẹ, dần dần thấy yếu mệt, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu suy dinh dưỡng do sán chiếm dụng thức ăn, có thể gây thiếu máu. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào. Sán có thể gây tắc hoặc bán tắc ruột
3.2.2. Ấu trùng
Bệnh ấu trùng tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau:
- Thể bệnh ở dưới da, bắp cơ: Các cơ bị ấu trùng sán ký sinh như chi trên, cơ bụng, ngực, cơ chi dưới, cơ đầu mặt …Biểu hiện là có các nốt ở dưới da hoặc lẩn sâu trong cơ bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Bệnh nhân có đau cơ, mỏi cơ hoặc co giật cơ.
- Thể bệnh ở các cơ quan:
1. Ở mắt: Kén sán có thể trong ổ mắt làm lồi nhãn cầu gây lác, nhìn đôi, đặc biệt làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể gây mù.
2. Ở não: Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của kén mà mức độ biểu hiện thần kinh khác nhau như nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ.
3. Ở tim: ấu trùng ký sinh ở cơ tim gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến van tim tiến tới suy tim.
4. Chẩn đoán
4.1. Chẩn đoán lâm sàng
Khi có hiện tượng từng đoạn sán tự bò ra hậu môn hoặc đi ngoài phân có đốt sán.
4.2. Chẩn đoán xét nghiệm
- Xét nghiệm phân tìm đốt sán.
- Xét nghiệm phân tìm trứng: trong trường hợp đốt sán bị phân huỷ ngay trong lòng ruột giải phóng trứng, trường hợp này có thể gặp ở bệnh nhân táo bón lâu ngày.
- Sinh thiết tìm kén sán ở tổ chức dưới da hoặc các cơ nông .
- Chẩn đoán bằng kháng nguyên: Có thể dùng các phương pháp tìm kháng thể trong huyết thanh như miễn dịch men ELISA, miễn dịch huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu gián tiếp.
4.3. Chẩn đoán hình ảnh
Chụp cắt lớp sọ não để chẩn đoán xác định kén sán ở não.
Đó là những nốt dịch có chấm mờ lệch tâm, kích thước 3-5 mm, có nốt to hơn, có thể có nốt vôi hóa. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ chính xác cao hơn nhưng cần cân nhắc để có chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.
5. Dịch tễ học.
Bệnh sán dây lợn phụ thuộc vào điều kiện vệ sinh và tập quán ăn uống như ăn thịt tái, nem chua, tiết canh. Thường gặp ở miền núi nhiều hơn tỉ lệ khoảng 6%, đồng bằng 0,5-2%. Người mắc bệnh thường là nam giới tuổi 20-40.
* Khả năng tồn tại của trứng, ấu trùng:
- Đối với trứng sán dây nằm trong đốt sán nên khó bị phá vỡ, chỉ khi nào đốt sán thối rữa mới giải phóng trứng; cũng như trứng giun đũa, trứng sán dây ra môi trường nhiệt độ ánh sáng trên 700C mới có khả năng diệt trứng. Ở ngoại cảnh, sau khoảng 1 tháng trứng mất khả năng sống. Dung dịch formol hoặc cresyl 5% sẽ giết chết trứng trong vòng 2 giờ.
- Ấu trùng sán dây lợn bị giết chết ở dưới -200C, nhưng ở 00C đến -200C nó sống được gần 2 tháng và nhiệt độ phòng thí nghiệm cũng sống được 26 ngày.
- Nếu muốn dùng thịt sống thì phải ướp thịt ở -100C trong 4 ngày mới bảo đảm; Nhiệt độ 50-600C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.
6. Phòng bệnh.
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh.
- Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.
- Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường.
- Không nuôi lợn thả rông.
- Phát hiện và điều trị triệt để cho bệnh nhân .
7.Điều trị:
- Nguyên tắc : Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu; điều trị hỗ trợ khi cần thiết
để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Lưu ý những trường hợp chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần... cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng. Việc điều trị sán dây rất nan giải, đôi khi cả tháng cũng chưa hết. Trong quá trình điều trị phải có sự theo dõi chặt chẽ, sát sao của thầy thuốc vì phản ứng của thuốc có thể gây tử vong cho bệnh nhân
- Thuốc điều trị:
+ Điều trị sán dây trưởng thành: có thể dùng một trong hai loại thuốc Praziquantel viên nén 600 mg
liều 15-20 mg/kg, liều duy nhất uống sau khi ăn 1 giờ hoặc Niclosamide viên nén 500 mg liều 5-6 mg/kg, liều duy nhất uống lúc đói, sau 2 giờ tẩy Magie sulphat 30 mg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).
+ Điều trị nang sán: áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên: Praziquantel viên nén 600 mg liều 15 mg/kg/lần ´ 2 lần/ngày ´ 10 ngày ´ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày hoặc Albendazole 7,5 mg/kg/lần ´ 2 lần/ngày ´ 30 ngày ´ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Trước khi dùng phác đồ này, cần tẩy sán trưởng thành bằng Praziquantel liều duy nhất từ 15-20 mg/kg.