05-06-2021, 09:09 AM
QUY TRÌNH BÓ BỘT ĐÙI – CẲNG – BÀN CHÂN
I. ĐẠI CƯƠNG
– Bột đùi – cẳng – bàn chân (Gouttière) là loại bột bó từ gốc đùi đến khớp bàn-ngón các ngón chân.
– Bột đùi – cẳng – bàn chân được giới hạn bởi:
+ Phía trên: bên ngoài là cực dưới của mấu chuyển lớn xương đùi, bên trong là dưới nếp bẹn chừng 2 cm.
+ Phía dưới là khớp bàn-ngón các ngón chân (giống như bột cẳng – bàn chân).
– Bột đùi – cẳng – bàn chân được sử dụng chủ yếu trong các thương tích vùng gối, cẳng chân.
– Để chống di lệch xoay, người ta bó bột đùi – cẳng – bàn chân có que ngang.
– Bột Đùi-cẳng-bàn chân là 1 bột lớn, phải bó 2 thì, cần có nhiều người tham gia.
II. CHỈ ĐỊNH
1. Gẫy đầu dưới xương đùi (1 hoặc 2 lồi cầu xương đùi, liên lồi cầu).
2. Gẫy đầu trên xương cẳng chân (mâm chầy, chỏm hay cổ xương mác).
3. Gẫy xương cẳng chân (1 hoặc 2 xương ở mọi vị trí, trừ mắt cá).
4. Gẫy kín hoặc gẫy hở độ I theo Gustilo.
5. Sau một số phẫu thuật vùng đùi, gối, cẳng chân (gẫy xương, viêm xương…).
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Gẫy hở độ II trở lên.
2. Có tổn thương mạch máu, thần kinh, có hội chứng chèn ép khoang.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Chuyên khoa chấn thương: 4 (1 chính, 2 trợ thủ viên). Người bệnh gây mê: chuyên khoa gây mê hồi sức: 2 (1 gây mê, 1 phụ mê).
2. Phương tiện
– Bàn nắn:
+ Trường hợp đơn giản, ít lệch: bàn nắn bình thường (như bàn nắn bó bột Cẳng-bàn chân). Cần 1 độn gỗ để kê dưới khoeo người bệnh.
+ Trường hợp khó, phức tạp: bàn nắn chỉnh hình có hệ thống kéo và căng chỉnh (bàn Pelvie).
– Thuốc gây tê hoặc gây mê: tùy theo người bệnh là trẻ em hay người lớn, thể hình to hay bé để dự trù lượng thuốc dùng cho hợp lý. Kèm theo là các dụng cụ để gây tê, gây mê, hồi sức…Nắn xương cẳng chân rất vất vả do nhiều cơ lớn và khỏe, nên nhiều trường hợp phải gây mê, thậm chí còn phối hợp thuốc giãn cơ.
– Bột thạch cao: bột đùi – cẳng – bàn chân là 1 bột lớn, nên cần dùng bột khổ lớn. Số lượng chừng 8-10 cuộn. Trong đó: 4 – 5 cuộn khổ 20 cm, 3-4 cuộn khổ 15 cm.
– Các dụng cụ khác tương tự như để bó bột khác đã nêu ở các bài trên.
3. Người bệnhThăm khám kỹ, giải thích kỹ, vệ sinh sạch sẽ, nhịn ăn nếu gây mê.
4. Hồ sơGhi cẩn thận, đầy đủ. Gây mê nắn: cần có cam kết chấp nhận thủ thuật.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH BÓ BỘT ĐÙI – CẲNG – CẲNG – BÀN CHÂN1. Người bệnh
Tư thế nằm ngửa, cởi hoặc cắt bỏ quần bên chân bó bột.
2. Các bước tiến hành2.1. Bó bột trên bàn nắn thông thường:
– Bước 1: Quấn lót chân bằng giấy vệ sinh, hoặc bông, hoặc đi bít tất vải Jersey. Vùng khớp gối và cổ chân cần độn lót dầy hơn tránh đau và sự tỳ đè gây loét.
Đặt dây rạch dọc trước đùi, gối, cẳng bàn chân (cho bột cấp cứu). Dây rạch dọc nên để dài một chút cả về 2 đầu, đầu trên lên quá nếp bẹn chừng 20-30 cm, đầu dưới nên cài vào kẽ ngón 2-3, vòng quanh ngón 2 để dây khỏi tuột khi rạch bột.
– Bước 2: bó bột thì 1 (bó bột Cẳng-bàn chân): Dùng độn gỗ kê dưới khoeo người bệnh. Rải và đặt 1 nẹp bột tăng cường ở phía sau cẳng, bàn chân để tiến hành bó bột cẳng – bàn chân. Quấn bột xuất phát điểm là từ cổ chân, quấn từ dưới lên trên rồi từ trên xuống dưới theo kiểu xoáy trôn ốc, bó đến đâu xoa và vuốt đến đó cho bột kết dính tốt hơn, khi cảm thấy bột đủ độ dầy thì được. Lưu ý 3 điểm:
+ Một là: vùng trước cổ chân cũng giống như vùng trước của khuỷu tay, nếu bó không khéo thì bột sẽ bị căng như 1 dây cung, vừa xấu bột, vừa không bất động được tốt. Nên dùng bột cỡ nhỏ và nhiều khi dùng kéo cắt xẻ tà (cắt bán phần băng bột khi bó bột đến cổ chân), để XỬ TRÍ hiện tượng căng bột, bột sẽ đẹp hơn.
+ Hai là: Nơi mép trên của bột bó thì 1, nên bó mỏng dần, nếu bó dầy vuông thành sắc cạnh, khi bó bột thì 2 nối vào, bột dễ bị cộm hoặc dễ long lở, gẫy bột.
+ Ba là: nên làm nhanh tay, vì bột bó 2 thì, nếu làm chậm, bột thì 1 đã khô cứng hẳn, sẽ khó kết dính tốt với bột bó ở thì 2 (giống như thợ xây đổ bê tông 2 thì, họ cũng phải làm như vậy thì khối bê tông mới vững chắc được).
– Bước 3: bó bột thì 2 (bó tiếp bột lên đùi): Bỏ độn gỗ, 1 trợ thủ viên cầm cổ chân kéo chếch chân người bệnh lên, 1 trợ thủ viên dùng 2 tay đỡ dưới đùi người bệnh và kỹ thuật viên chính tiến hành bó bột. Rải tiếp 1 nẹp bột to bản, ngâm nhanh, vắt ráo nước và đặt phía sau đùi, đầu dưới nẹp gối lên mép bột vừa bó ở thì 1. Dùng bột khổ to quấn đè lên 1 phần bột đã bó, cũng quấn bột vòng tròn, xoáy trôn ốc từ dưới lên trên, rồi từ trên xuống dưới, đến khi thấy đủ độ dầy thì thôi, theo mốc đã định từ ban đầu. Chú ý tăng cường chỗ bột nối 2 thì để bột khỏi bị long lở.
2.2. Bó bột trên bàn chỉnh hình (Pelvie):
Vẫn bó 2 thì, nhưng khác là:
+Thì 1: bó ống bột trước (xem bài Ống bột). Bột ở gần cổ chân cũng bó mỏng dần, để khi bó bột thì 2 nối vào, bột khỏi bị cộm, đẹp và không bị đau.
+Thì 2: Bó nối thêm bột ở cổ chân, bàn chân: sau khi bó xong ống bột, đỡ người bệnh khỏi bàn Pelvie, đặt nằm trên bàn thường, bó nối tiếp phần bột ở cổ, bàn chân (như bó bột Cẳng-bàn chân). Bàn Pelvie chúng tôi sẽ mô tả kỹ cấu tạo và cách sử dụng trong bài Bột Chậu-lưng-chân. Nếu bột cấp cứu thì rạch dọc bột.
2.3. Bột đùi – cẳng – bàn chân que ngang:
Để chống di lệch xoay, bằng cách bó đến cổ chân được 4-5 lớp thì đặt 1 que ngang dưới vùng gót (que ngang này đặt song song với mặt phẳng nằm ngang), bó tiếp bột ra ngoài, đến khi xong.
VI. THEO DÕI– Nhẹ thì điều trị ngoại trú.
– Sưng nề nhiều hoặc có tổn thương phối hợp thì theo dõi điều trị nội trú.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Hội chứng chèn ép khoang rất hay gặp: theo dõi sát để phát hiện sớm, chuyển mổ cấp cứu giải ép, kết hợp xương.
– Sưng nề, có phỏng nước: nới rộng bột, gác cao chân, hết sưng nề mới thay bột.
Nguồn tài liệu:- Quyết định 199/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Ngoại khoa- chuyên khoa Nắn chỉnh hình, bó bột”, Bộ Y tế, 2014.