05-06-2021, 08:45 AM
BÓ BỘT DESAULT
I. ĐẠI CƯƠNG– Bột Desault là loại bột bó ôm cánh tay, cẳng tay vào thân người ở tư thế cơ năng (cánh tay để dọc xuống theo đường nách giữa, cẳng tay để ngang trước thành ngực bên).
– Bột Desault được bó trong các trường hợp tổn thương ở vùng vai.
II. CHỈ ĐỊNH1. Gẫy cổ xương cánh tay.
2. Gẫy mấu động lớn xương cánh tay.
3. Gẫy xương đòn.
4. Gẫy xương bả vai.
5. Trật khớp cùng đòn.
6. Trật khớp vai đã nắ
7. Chấn thương khớp vai: dây chằng, cơ xoay vai (coiffe rotateur).
8. Viêm hoặc lao khớp vai.
9. Sau mổ 1 số thương tổn vùng vai.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Có tổn thương lồng ngực, đa chấn thương.2. Gẫy xương hở độ 2 trở lên chưa XỬ TRÍ phẫu thuậ
3. Có tổn thương đụng dập nặng phần mềm vùng vai.
4. Có tổn thương mạch máu, thần kinh, theo dõi hội chứng khoang.
5. Có chấn thương ngực, chấn thương sọ não, đa chấn thương, người bệnh đang trong trạng thái khó thở, shock, hôn mê…
6. Gẫy xương hở độ 2 trở lên chưa được XỬ TRÍ phẫu thuật
7. Chống chỉ định tương đối: người bệnh đang cho con bú, cần thận trọng và cân nhắc. Nếu vẫn phải bó bột, nên giải phóng rộng rãi vùng trước ngực để cho con bú được thuận lợi. Trường hợp khác, nên chọn phương pháp bất động khác, như mặc áo chỉnh hình, phẫu thuật.
8. Với người già, người gù, cong vẹo cột sống, hen phế quản mãn: hết sức cân nhắc. Nên cho các đối tượng này mặc áo chỉnh hình bằng vải mềm
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Chuyên khoa xương: 3 (1 nắn chính là bác sỹ hoặc kỹ thuật viên, 2 trợ thủ là kỹ thuật viên).
– Người bệnh có gây mê: 1 bác sỹ gây mê, 1 phụ mê.
2. Phương tiện– Bàn nắn: 1 bàn nắn thông thường.
– 1 ghế đẩu để người bệnh ngồi bó bột (khi không gây mê) và kê đầu bó bột (khi gây mê, người bệnh nằm trên nẹp đỡ để bó bột, đầu nẹp đỡ kê lên ghế đẩu này).
– 1 nẹp gỗ hoặc kim loại to bản, đủ dài, đủ cứng để kê lưng khi người bệnh gây mê phải nằm bó bột, bó xong thì rút bỏ.
– 1 gối mỏng độn ở ngực, bó xong thì rút bỏ, để người bệnh dễ thở và không gây khó chịu khi mang bột.
– Bột thạch cao: với người lớn cần 3-4 cuộn bột cỡ 20 cm, 3-4 cuộn bột cỡ 15 cm.
– Các dụng cụ, phương tiện thông thường khác: bông, băng, dây rạch dọc, cồn tiêm, thuốc gây tê (hoặc gây mê), dụng cụ cấp cứu hồi sức, dao rạch bột, nước ngâm bột…
3. Người bệnh– Được thăm khám toàn diện, tránh bỏ sót tổn thương, nhất là những tổn thương lớn có thể gây tử vong trong quá trình nắn bó bột (chấn thương sọ não, chấn thương ngực, vỡ tạng đặc,vỡ tạng rỗng…). Vì người bệnh bó bột kín hoàn toàn lồng ngực, nên việc này đặc biệt quan trọng.
– Được giải thích kỹ mục đích của thủ thuật, quá trình tiến hành làm thủ thuật, để người bệnh khỏi bị bất ngờ, động viên để họ yên tâm, hợp tác tốt với thầy thuốc. Với bệnh nhi, cần giải thích cho bố mẹ hoặc người thân.
– Được vệ sinh sạch sẽ vùng xương gẫy, cởi bỏ hoàn toàn áo.
– Với người bệnh gây mê, cần nhịn ăn uống ít nhất 5-6 giờ, tránh nôn sặc hoặc hiện tượng trào ngược (1 biến chứng rất nguy hiểm dẫn đến tử vong tức khắc).
4. Hồ sơ– Cần ghi rõ ngày giờ bị tai nạn, ngày giờ bó bột, tình trạng thăm khám toàn thân, cách xử trí, những điều dặn dò và hẹn khám lại.
– Với người bệnh gây mê, cần có tờ cam kết chấp nhận thủ thuật.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH BÓ BỘT1. Người bệnh
– Với người bệnh không gây mê: người bệnh ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, mắt nhìn thẳng, tay lành đưa lên đầu hoặc sau gáy. Sau khi nắn xương hoặc khớp, để xuôi cánh tay dọc đường nách giữa, cẳng tay áp nhẹ vào thành ngực bên, khuỷu 90o. Đặt 1 gối mỏng trước ngực, sau khi bó bột xong sẽ rút bỏ.
– Với người bệnh gây mê: như bó bột Ngực-vai-cánh tay có gây mê (nằm, kê nẹp gỗ hoặc nẹp kim loại đỡ lưng, giải phóng toàn bộ ngực).
2. Các bước tiến hành bó bột DesaultDù ngồi bó bột hay nằm bó bột thì thứ tự quấn bột cũng theo trình tự sau: nách bên lành và vai bên đau và xuống khuỷu bên đau, rồi lại sang nách bên lành…và một chu trình mới, cho đến xong thì thôi.
2.1. Khi người bệnh ngồi bó bột
– Quấn giấy vệ sinh hoặc bông lót toàn bộ ngực, vai, cánh tay, cẳng tay bên đau. – Không cần làm nẹp bột, nếu có làm nẹp bột nên đặt nẹp bột từ trên vai đến trên cổ tay, ở phía sau cánh-cẳng tay. Trường hợp gẫy cổ xương cánh tay mở góc ra ngoài nên chèn 1 cuộn giấy vệ sinh vào hõm nách để đỡ bị di lệch thứ phát.
– Trợ thủ 1: đỡ tay người bệnh áp nhẹ vào thành ngực bên.
– Trợ thủ 2: giúp việc (ngâm bột, vớt bột, chạy ngoài…).
– Kỹ thuật viên chính: Dùng bột to bản quấn luôn theo thứ tự: nách bên lànhà vai bên đauà xuống khuỷu bên đau (như trình tự quấn bột đã nói ở phần trên) nhiều lần đến khi thấy đủ độ dầy thì được. Bên tổn thương nên tăng cường bột từ vai xuống mặt sau cánh tay, khuỷu tay và phần trên cẳng tay rồi lại vòng ra trước, lên vai, để treo đỡ khuỷu- cẳng tay lên cao. Có thể bó kín để che phủ toàn bộ cánh tay, cũng có thể để hở phía trước ngoài và sau ngoài cánh tay để tiện theo dõi mầu da của cánh tay (và 1 phần là để đỡ tốn bột). Có thể quấn vài vòng bột quanh cổ tay để bất động cho cẳng tay khỏi trôi về phía trước, cánh tay sẽ được bất động tốt hơn, nhưng khi bột gần khô nhớ cầm bàn tay người bệnh thực hiện động tác sấp ngửa bàn tay nhằm tạo khuôn cho cổ tay được rộng và thoải mái khi mang bột. Xoa vuốt, sửa và chỉnh trang bột cho nhẵn và đẹp.
2.2. Khi người bệnh gây mê
Tư thế nằm bó bột tương tự bó bột Ngực-vai-cánh tay có gây mê. Cách bó như bột Desault khi ngồi để bó.
VI. THEO DÕI– Nhẹ thì theo dõi điều trị ngoại trú.
– Nặng hoặc tay sưng nề nhiều thì cho vào viện theo dõi nội trú, kiểm tra đánh giá tình trạng của tay hàng giờ: mạch, cử động, cảm giác, màu da…
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Các trường hợp gây tê nắn thì không có gì đặc biệt, ít tai biến.
– Nên nhớ là các trường hợp gây mê: người bệnh có thể xảy ra biến chứng ngừng thở, mà bột Desault lại bao trùm toàn bộ lồng ngực, nên cần theo dõi sát sao, thời gian theo dõi hồi sức, hậu phẫu cũng cần lâu hơn để XỬ TRÍ kịp thời các biến chứng của gây mê gây ra. Lúc này cần cắt phá bột khẩn cấp để việc thực hiện các biện pháp hô hấp hỗ trợ mới đạt kết quả tốt.
Nguồn tài liệu:
- Quyết định 199/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Ngoại khoa- chuyên khoa Nắn chỉnh hình, bó bột”, Bộ Y tế, 2014.