05-05-2021, 10:11 AM
ĐO ÁP LỰC Ổ BỤNG GIÁN TIẾP QUA ỐNG THÔNG DẪN LƯU BÀNG QUANG
I. ĐẠI CƯƠNG
– Áp lực ổ bụng (ALOB) là áp lực ở trạng thái cân bằng động trong khoang ổ bụng, tăng lên khi hít vào, giảm khi thở ra. Bình thường ALOB dao động từ 0 – 5 mmHg (7 cm H2O) nhưng có thể cao hơn ở người béo phì.
– Áp lực tưới máu bụng (ALTMB) được tính bằng: huyết áp trung bình động mạch (MAP) trừ đi ALOB (IAP).
ALTMB = MAP – IAP
– Tăng ALOB là giá trị của ALOB 16 cmH20 trong ít nhất 2 lần đo cách nhau 12 giờ.
II. CHỈ ĐỊNHĐánh giá và theo dõi áp lực ổ bụng trong một số bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định, áp lực ổ bụng không chính xác nếu có khối u bàng quang.
IV. CHUẨN BỊ1. Người thực hiện:
01 bác sỹ rửa tay, mặc áo như làm thủ thuật vô khuẩn.
2. Phương tiện
– Đồng hồ đo áp lực hoặc thước chia vạch cm H20.
– Khóa ba chạc.
– Túi chứa nước tiểu.
– Bơm tiêm 50ml.
– Túi dịch truyền Natri Clorua 0,9%.
3. Người bệnh– Giải thích cho người bệnh để người bệnh hợp tác khi làm thủ thuật.
– Đặt người bệnh nằm ngửa, tư thế ngay ngắn, hai chân duỗi thẳng, đầu bằng.
– Vệ sinh người bệnh tại vùng hậu môn, sinh dục.
– Đặt ống thông Foley dẫn lưu hết nước tiểu.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH– Bước 1: Kết nối hệ thống khóa ba chạc với nhau.
+ Chạc ba thứ nhất nối một cổng với ống thông Foley, một cổng nối với túi đựng 1.000ml dung dịch muối đẳng trương.
+ Chạc ba thứ 2 nối với chạc ba thứ nhất và một bơm tiêm 60ml.
+ Chạc ba thứ 3 nối với chạc ba thứ 2 và hệ thống đo áp lực, và túi chứa nước tiểu.
– Bước 2: mở khóa thứ 1, 2, 3 để dẫn lưu hết nước tiểu ra túi, đóng đường dẫn túi nước tiểu ở khóa thứ 3, mở đường tới cổng áp lực, khóa đường tới ống thông bàng quang ở khóa thứ nhất và mở đường tới túi dịch.
– Bước 3: hút 50ml dịch vào bơm tiêm tại chạc ba thứ 2, khóa đường tới túi dịch: mở đường tới ống thông bàng quang rồi bơm 50ml dịch vào bàng quang sau 1 phút theo dõi áp lực tại đồng hồ đo áp lực và ghi nhận thông số áp lực của lần đo.
Hình 1. Kỹ thuật đo ALOB theo Cheatham
VI. THEO DÕITùy bệnh lí có thể thời gian và khoảng cách theo dõi ALOB phụ thuộc vào từng bệnh lí và người bệnh cụ thể
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Nhiễm trùng niệu là biến chứng có thể gặp do đặt và lưu ống thông bàng quang kéo dài, để hạn chế biến chứng này cần tuân thủ vô khuẩn trong quá trình làm thủ thuật và rút ngay ống thông bàng quang khi không cần theo dõi ALOB nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Quyết định 3850/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nội khoa, chuyên ngành Tiêu hóa”, Bộ Y tế, 2014.