08-25-2012, 12:04 AM
ĐỊNH LƯỢNG CÁC CHẤT ĐIỆN GIẢI
(Na+, K+, Cl-, ) TRÊN MÁY PHÂN TÍCH DÙNG ĐIỆN CỰC CHỌN LỌC
(Na+, K+, Cl-, ) TRÊN MÁY PHÂN TÍCH DÙNG ĐIỆN CỰC CHỌN LỌC
Trong những năm trước đây ( Năm 1996 trở về trước ) Hầu hết các khoa phòng xét nghiệm hoá sinh lâm sàng các chất điện giải như Na+, K+, Ca++, Cl- thường được định lượng bằng các máy quang kế ngọn lửa phát xạ với hơi đốt là axetylen, propan hoặc butan, cách xác định nồng độ các chất điện giải cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản của phép đo quang. Trong trường hợp này các chất Na+ , K+, CL-, Ca++ trong huyết thanh được đốt cháy trong ngọn lửa tạo các ngọn lửa mầu đặc trưng và phát xạ qua kính lọc, mật độ quang thu được sẽ được tính toán giống như xác định nồng độ các chất trong dung dịch. Kỹ thuật xét nghiệm quang kế ngọn lửa, ngày nay rất ít dùng. Vấn đề sử dụng máy phân tích chọn lọc ion đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện và dần dần thay thế các quang kế ngọn lửa. Nhờ máy phân tích chọn lọc ion việc định lượng các chất điện giải chính xác và đặc hiệu hơn.
Dưới đây là một số điện cực chọn lọc hiện nay rất thông dụng trong hoá sinh lâm sàng.
1. Điện cực chọn lọc Na+:
Dùng một màng ngăn cách rắn bằng một loại thuỷ tinh đặc biệt (oxyt Al, Anhytric boric, Na oxyt) chỉ để thấm qua ion Na+.
2. Điện cực chọn lọc K+:
Dùng một màng lỏng là một dung dịch Valinomycine trong dipheny éther - Valinomycine là một petit vòng có nguồn gốc vi khuẩn và là một chất ức chế sự oxy - photphoryl hoá của ti lạp thể bằng cách "thâu tóm" đặc hiệu các ion K+. Như vậy sẽ hình thành một phức hợp ổn định do phản ứng qua lại giữa ion K+ và nguyên tử oxy của chất "thâu tóm", phức hợp này tan trong pha hữu cơ. Như vậy ion K+ được tách biệt và chỉ chúng chịu trách nhiệm về điện thế của điện cực chỉ thị tức điện cực đo.
3. Điện cực chọn lọc ion Cl-:
Dùng một màng rắn chắc tinh thể bạc clorua bằng cách ép nén những viên vê nhỏ bạc clorua (pellet) có tính dẫn điện rất cao.
Hiện nay phổ bién các bệnh viện, các trung tâm y tế sử dụng các máy phân tích chọn lọc ion tự động hoá. Chương trình phần mềm được cài đặt sẵn trong thiết bị. Việc định lượng nồng độ các chất điện giải vừa đảm bảo độ chính xác cao và rất nhanh. Trong khoảng thời gian ngắn có thể xét nghiệm hàng trăm bệnh phẩm. Mỗi lần xét nghiệm, máy tự động hiển thị cho cả 3 thông số :
(Na+, K+, CL-.)
Việc sử dụng kết quả xét nghiệm các chất điện giải trong lâm sàng là vấn đề hét sức cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, tim mạch, thận, tiết niệu, tiêu hoá...
1/ Natri ( Na) :
Là nguyên tố chủ yếu của các cation dịch ngoại bào, kết hợp với Cl và HCO3- trong điều hoà cân bằng kiềm toan, có vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu dịch thể và bảo vệ cơ thể chống sự mất dịch. Na cũng có tác dụng duy trì tính chịu kích thích bình thường của cơ và tính thấm của các tế bào.
Ở cơ thể, lượng Na là 1,36g/Kg thể trọng ( 1,43 mmol/kg thể trọng), trong đó 98 % ở dịch ngoại bào và 2% ở nội bào.
Na trong huyết tương bình thường trong khoảng 133-147mmol/l
Nhu cầu hàng ngày từ 5-15 g NaCl. Nguồn bổ xung chủ yếu là do ăn uống. Sự mất Na của cơ thể là qua nước tiểu, phân và mồ hôi. Lượng Na mất theo mồ hôi chịu ảnh hưởng lớn của lao động nặng, môi trường nóng, sốt cao.
Chuyển hoá của Na chịu ảnh hưởng của các Steroid vỏ thượng thận. Khi thiểu năng vỏ thượng thận, Na máu giảm và Na bài xuất tăng.
Trong các trường hợp bệnh lý mất nước do các nguyên nhân dẫn tới thu hẹp khu vực ngoại bào, Na sẽ tới giới hạn cao của bình thường, nếu không điều chỉnh và bổ sung nước kịp thời, Na máu sẽ tăng sau khoảng 36-48 giờ.
Na máu còn tăng trong các trường hợp ăn uống và đưa vào cơ thể quá nhiều muối, ở người bình thường thận sẽ đào thải nhanh chóng. Người nhiễm Cetonic đái đường nếu được truyền NaCl và điều trị insulin, Na máu tăng rất cao.
Trong các bệnh Ưu năng vỏ thượng thận, chấn thương sọ não, phù tim hoặc phù thận, nhiễm độc vitamin D, hoặc dùng thuốc corticoid có thể dẫn đến ứ nước, ống niệu tăng hấp thu trở lại và Na máu tăng.
Na máu giảm trong các trường hợp sau:
- Mất nhiều muối (say nắng, ra mồ hôi nhiều, nôn mửa, ỉa chẩy, bổ sung đủ nước nhưng thiếu muối ).
- Mất muối qua thận, trong trường hợp tổn thương ống niệu:
+ Khi dùng lợi niệu Hg và carboanhyđrase bị ức chế giảm sự tái hấp thu Na của ống niệu.
+ Giai đoạn muộn của các bệnh thận cũng chỉ có thể dẫn tới sự rối loạn tái hấp thu Na.
+ Bệnh Addison: ống niệu cũng giảm tái hấp thu Na do hormon giảm. Với thiểu năng vỏ thượng thận, thiểu năng tuyến yên cũng vậy.
- Mất Na qua đường tiêu hoá:
+ từ dạ dầy: Nôn mửa và giảm hấp thu dịch ở ruột kéo dài gây mất CL- và H+làm xuất hiện nhiễm kiềm.
+ Từ ruột : Giảm hấp thu dịch ruột, ỉa chẩy.
- Do khu vực ngoại bào tăng :
+ Nhiễm độc nước do truyền dịch quá thừa.
2. Kali (K):
Kali là cation chủ yếu ở dịch nội bào nhưng nó cũng là thành phần quan trọng của dịch ngoại bào vì nó ảnh hưởng trên hoạt động của cơ, trong đó đáng chú ý nhất là cơ tim. Ở trong tế bào kali có các chức năng đối với cân bằng acid-base, áp lực thẩm thấu, cả việc giữ lại nước. Nồng độ kali nội bào cao cần thiết đối với nhiều chuyển hoá quan trọng, cả với sự sinh tổng hợp protein ở ribosom.
Lượng kali có trong cơ thể chừng 2g/kg thể trọng ( 51mmol/kg thể trọng ), trong đó nội bào là 98%, còn ngoại bào là 2%.
Thường ngày lượng kali vào cơ thể qua thức ăn,uống khoảng 4g/ngày. Các thay đổi về kali ngoại bào ảnh hưởng đến hoạt động của cơ vân, có thể gây liệt cơ xương hay những bất thường về dẫn truyền và hoạt động của cơ tim có thể xẩy ra.
Kali được bài tiết vào dịch tiêu hoá nhưng phần lớn lại được ruột tái hấp thu.
Thận là cơ quan chủ yếu thải trừ kali, vừa lọc ở cầu thận vừa bài tiết ở ống niệu, chịu ảnh hưởng lớn của cân bằng acid-base cũng như hoạt động của vỏ thượng thận. Khả năng thải trừ kali của thận rất lớn tới mức dù ăn uống vào nhiều cũng không xẩy ra tăng kali máu ( nếu thận bình thường ). Tuy vậy cũng không được dùng tiêm tĩnh mạch nhanh vì rất nguy hiểm
Kali bình thường trong huyết tương trong khoảng 3,4 - 4,5mmol/l
Kali máu tăng trong các trường hợp sau:
- Sự giảm của khu vực ngoại bào, ví dụ như choáng, kali máu thường tăng và có phối hợp chủ yếy với nhiễm acid chuyển hoá, tình trạng mất nước tăng.
- Sự thoát kali từ nội bào:
+ Huỷ huyết nặng ( Đặc biệt tăng nhanh khi có thiểu năng thận )
+ Vô niệu do các nguyen nhân
+ Hội chứng Crush và các thiếu máu tổ chức do các nguồn gốc khác nhau
+ Các tình trạng hyperkinetic như động kinh hoặc nhiễm độc strychnin
- Sự đào thải của thận giảm:
+ Bệnh Addison- Thiểu năng vỏ thượng thận
+ Viêm thận, thiểu năng thận ( có vô niệu hoặc thiểu niệu )
+ Nhiễm cetonic đái đường
- đưa vào cơ thể nhanh và nhièu kali: Khi điều trị bệnh có tình trạng thiếu kali, truyền kali bổ sung với lượng nhiều gây tăng đột ngột và có thể gây ngừng tim.
- Ngộ dộc nicotin, thuốc ngủ.
Kali máu giảm trong các trường hợp sau:
- Thiếu kali đưa vào cơ thể
+ sau phẫu thuật dạ dầy, ruột
+ Hẹp thực quản
+ Tắc ruột ở đoạn trên
- Mất kali bất thường ở đường tiêu hoá
Do nôn mửa kéo dài, ỉa chẩy, dùng thuốc tẩy, lỗ dò đường tiêu hoá.
- Sự mất kali tăng theo nước tiểu khi:
+Nhiễm cetonic đái đường. Lúc đầu tăng vì nhiễm toan và suy thận còn sau điều trị hết nhiễm toan và bài tiết của thận đã toót, dùng insulin nên lại dần giảm kali.
+ Dùng ACTH ( đặc biệtkhi có ăn nhiều NaCl)
+ Dùng các steroid vỏ thượng thận
+ Hội chứng Cushing
+ Các bệnh về gan: Sự phân huỷ các steroid nội sinh giảm và vì vậy có cường vỏ thượng thận tương đối.
+ Hội chứng aldosteron
+ Các thuốc lợi niệu tăng thải kali kéo dài như : acetazolamid và chlorothiazid.
+ Nhiễm toan ống niệu
+ Ưu năng giáp trạng...
3. Chlor ( Clo, Cl):
Clo là thành phần của NaCl. Nguyên tố CL ( ion CL-) cần thiết trong cân bằng nước và điều hoà áp lực thẩm thấu cũng như cân bằng acid – base, đặc biệt quan trọng ở máu. Cl trong thành phần HCL được tiết ra từ dịch vị.
Lượng CL trong cơ thể là 1,1 g/kg thân trọng ( 0,32 mmol/kg thể trọng )
Dạng ăn uống hấp thu và thải trừ thường là NaCL, không tách biệt. Bất thường về chuyển hoá Na đi kèm với CL. Chế độ ăn uống ít NaCL thì cũng giảm lượng đào thải ra nước tiểu.
Bình thường CL trong huyết tương là 94-111 mmol/l.
Clo tăng trong các bệnh lý sau :
+ Nhiễm toan tăng Cl máu kiểu Lightwod, kiểu Albright.
+ Chấn thương sọ não vùng dưới đồi
+ Các bệnh ỉa chẩy nặng, rò ruột..., mất nhiều Na so với Cl
+ Nối đại tràng
+ Nhiễm kiềm hô hấp
+ Ưu năng giáp trạng nguyên phát...
Clo giảm trong các trường hợp:
+ Nôn mửa kéo dài do các nguyên nhân như hẹp tắc môn vị, hành tá tràng mất nhiều HCl trong dịch vị nên mất nhiều CL hơn Na, gây nhiễm kiềm giảm Cl máu tăng bù bicarbonat.
+ Nhiễm kiềm thiếu kali trong bệnh Cushing hoặc dùng quá nhiều ACTH, cortison Cl máu giảm.
+ Mất nhiều mồ hôi, bù đủ nước nhưng thiếu không đủ muối.
+ Bỏng nặng.
+ Nhiễm cetonic đái đường, mất Cl nhiều theo nước tiểu và một phần do nôn mửa.
+ Mất Cl qua đường thận:
- Tổn thương ống niệu – ure huyết.
- Thiểu năng thượng thận ( Bệnh Addison)
- Dùng các thuốc lợi niệu có Hg
- Chấn thương sọ náo gây hội chứng mất Na não.
- Nhiễm acid hô hấp
- Uống quá nhiều NaHCO3
+ Nhiễm độc Brom, Cl máu giảm giả tạo. Một phần Cl bị brom thay thế và Na máu không đổi.