Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
[LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...:::THẢO LUẬN CHUYÊN NGÀNH:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-8.html)
+--- Diễn đàn: Huyết học - Truyền máu (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-70.html)
+---- Diễn đàn: Lý thuyết (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-101.html)
+---- Chủ đề: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO (/thread-920.html)



[LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - tuyenlab - 12-12-2012

1. Kháng nguyên hệ ABO

[Image: f21-7a_abo_blood_types_c.jpg]
Như phần trên, hệ thống ABO có hai KN và sự có mặt của chúng ở trên màng hồng cầu quyết định tên nhóm máu. Nhưng KN A và KN B cũng có một số thay đổi.

1.1. Nhóm A1 và A2 và A yếu.
Người ta thấy có người nhóm máu A nhưng hồng cầu ngưng kết yếu với KT chống A bình thường. Những người này được coi là nhóm A “yếu”.

- Nhóm A1 và A2: người ta thấy có hai KN A là A1 và A2 ứng với hai alen khác nhau. Như vậy có hai nhóm A là A1 và A2 và hai nhóm AB là A1B và Aư2B.

Hồng cầu A1 bị ngưng kết mạnh với KT chống A của người nhóm B và O, ngoài ra cũng bị ngưng kết với chất chiết xuất từ đậu dolichos biflorus.

Hồng cầu A2 phản ứng kém hơn với KT chống A của người nhóm B và nhóm O. Chúng không bị ngưng kết với chất chiết xuất từ đậu dolichos biflorus nhưng lại bị ngưng kết do kháng thể chống H.

Người nhóm máu A2 và A2B có thể có kháng thể chống A1 tự nhiên song tỷ lệ thấp (1% với A2 và 25% với A2B) và hiệu giá thấp, nhưng khi nhận máu A1 có thể tạo miễn dịch và gây tai biến nếu truyền tiếp máu A1 lần sau.

- Các kiểu hình A “yếu”: Bên cạnh Aư1 và A2 người ta thấy một số người có hồng cầu ngưng kết yếu với KT chống A, đó là những người nhóm A yếu.

Hồng cầu những người nhóm A yếu ngưng kết chậm., hay yếu với kháng thể chống A, thường phát hiện được bằng phương pháp cố định và tách kháng thể; có nghĩa là lấy kháng thể chống A trộn với hồng cầu những người này sau đó rửa bỏ phần trên, lấy hồng cầu rồi tách các kháng thể đã cố định trên hang cầu xem có kháng thể chống A không? Nếu có chứng tỏ trên hồng cầu có kháng nguyên A. Số lượng vị trí KN A ở những người này thấp, và có thể phân bố không đều.
Trong huyết thanh những người nhóm A yếu có thể có kháng thể chống A1.

1.2. Các kháng nguyên B yếu

Một số trường hợp hồng cầu có KN B nhưng khó phát hiện bằng phương pháp định nhóm thông thường do các KN này yếu. đây là những người cod hang cầu nhóm B nhưng có ít vị trí KN trên hồg cầu, thường phát hiện được bằng phương pháp cố định và tách kháng thể.

1.3. Kháng nguyên H và nhóm Bombay

- Nhóm O được xác định là không có KN A và B trên bề mặt hồng cầu. Nhưng thực tế có nhiều chất ở động vật và thực vật làm ngưng kết hồng cầu nhóm O, kháng nguyên gây ngưng kết là kháng nguyên H.

- Năm 1952, tại Bombay, Bhende phát hiện người có nhóm máu lạ là: hồng cầu không bị ngưng kết với các KT chống A, B, H, trong huyết thanh có KT chống A, B, H, làm ngưng kết hồng cầu tất cả các nhóm kể cả nhóm O.

- Đến nay, người ta biết rằng kháng nguyên H là chất tiền thân của kháng nguyên A và B. Kháng nguyên H không chỉ có mặt riêng ở nhóm O mà cả ở nhóm A, B, AB nhưng số vị trí kháng nguyên không đều và phụ thuộc vào kiểu hình ABO, nên hệ ABO còn gọi hệ ABH.

- Sự có mặt kháng nguyên H là do hệ thống gen Hh - là hệ thống độc lập với ABO, người nhóm Bombay là người có kiểu gen hh. Người nhóm O có gen H nên có kháng nguyên H, nhưng không có gen A, gen B nên không chuyển chất H thành kháng nguyên A, kháng nguyên B được.

1.4. Sự phát triển và biến đổi kháng nguyên A.B.H trong cuộc sống
- Phát triển và phân bố
+ Kháng nguyên A, B, H có mặt ở phôi thai 37 ngày và thể hiện đầy đủ ở 3 tuổi.
+ Những KN này gặp trong nhiều tổ chức của cơ thể và tự nhiên. Trừ các tế bào thần kinh, xương, võng mạc còn các tế bào khác: tiểu cầu, bạch cầu, biểu bì... tuyến tiêu hoá đều mang KN A, B, H ứng với hồng cầu.

- Biến đổi trong cuộc sống:
Tính chất kháng nguyên là ổn định. Tuy nhiên người ta thấy kháng nguyên A yếu đi ở những người già. Trong một số trường hợp bệnh lý như một số lơ xê mi cấp, thiếu máu không phục hồi, u lympho thì có hiện tượng hồng cầu A mất tính ngưng kết với kháng thể chống A của người nhóm B và O. Trường hợp bệnh lơ xê mi có biến động kháng nguyên thì khi lui bệnh kèm phục hồi tính kháng nguyên, khi tái phát kháng nguyên lại biến động. Điều này có thể do đột biến gen chỉ đạo tổng hợp KN ABH ở nguyên hồng cầu.

- Những kháng nguyên B thu hoạch được: người ta thấy một số trường hợp có hiện tượng “nhiễm” kháng nguyên B ở bệnh nhân bị ung thư đại tràng, trực tràng, viêm đường ruột, những bệnh nhân này khi mắc bệnh có thể xuất hiện thêm KN B trên hồng cầu.
Người ta cho rằng một chủng vi khuẩn E- Coli ở những bệnh nhân này sinh ra men tác động lên kháng nguyên A làm mất gốc N-axetyl và kháng nguyên A này trở nên nhạy cảm với kháng thể chống B.

1.5. Kháng nguyên hoà tan trong nước

- Người ta thấy khoảng 80% người có các chất kháng nguyên hoà tan trong nước bọt tương ứng với kháng nguyên hệ ABH trên màng hồng cầu: (kháng nguyên A và H ở người nhóm A; kháng nguyên B và H ở người nhóm B; kháng nguyên A, B và H ở người nhóm AB, kháng nguyên H ở người nhóm O). Các kháng nguyên này bị hút bởi các kháng thể tương ứng.

Kháng nguyên hoà tan này còn phát hiện được ở huyết tương, huyết thanh, tinh dịch, nước tiểu và các dịch tiết, đặc biệt là sữa. Người ta chứng minh tế bào niêm mạc tổng hợp và tiết ra các kháng nguyên này. Những người có chất kháng nguyên hoà tan trong dịch tiết gọi là những người tiết ABH. Khoảng 20% người còn lại không có các chất kháng nguyên tương ứng trên hồng cầu ở trong dịch tiết gọi là người không tiết.


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - tuyenlab - 12-12-2012

2. Kháng thể hệ ABO

[Image: blodchemicals.jpg]

2.1. Kháng thể tự nhiên

Đặc điểm của hệ nhóm máu ABO là trong huyết thanh có mặt các kháng thể tương ứng với các kháng nguyên vắng mặt trên hồng cầu, cụ thể:
Kháng thể chống A ở người nhóm B
Kháng thể chống B ở người nhóm A
Kháng thể chống A và chống B ở người nhóm O.
Kháng thể chống A, chống B, chống H ở người nhóm Bombay.

Ngoài ra còn có chống A1 ở người A2 (khoảng 1%) và A2B (khoảng 25%). Đó là các kháng thể tự nhiên tức là khi sinh ra đã có, có đặc điểm: là các IgM không qua được màng rau, thường gây ngưng kết và không làm vỡ hồng cầu nếu hồng cầu được pha loãng, nhiệt độ thích hợp cho hoạt động là 40C, bị trung hoà khi đun nóng 700C, bị hút bởi các chất A, B hoà tan. Hiệu giá kháng thể chống A và B ở người nhóm O thường cao hơn hiệu giá chống A ở nhóm người nhóm B hoặc chống B ở người nhóm A. Ngoài huyết thanh ra, kháng thể còn có mặt ở sữa, nước báng, nước bọt, nước mắt.

- Quá trình xuất hiện và tiến triển:
Các kháng thể chống A, chống B là tự nhiên tức là không qua một sự miễn dịch cụ thể nào. Người ta cho rằng trong thiên nhiên có nhiều chất có “tính đặc hiệu” A, B, H (màng hồng cầu, màng vi khuẩn, thức ăn...) và xâm nhập vào cơ thể từ những ngày đầu của bào thai khiến cơ thể tạo kháng thể tương ứng.
Kháng thể tự nhiên xuất hiện sau khi sinh và tăng dần hiệu giá, đạt cực đại vào 5-10 tuổi, ổn định và đến tuổi già thì giảm dần.

2.2. Kháng thể miễn dịch


- Điều kiện xuất hiện: kháng thể miễn dịch xuất hiện do một sự kích thích miễn dịch; các điều kiện kích thích miễn dịch:
+ Miễn dịch đồng loài: xuất hiện do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con; hồng cầu con mang kháng nguyên mà người mẹ không có, khi chuyển dạ, một ít hồng cầu con sang máu mẹ gây đáp ứng miễn dịch ở mẹ.
Cũng có thể do truyền máu sai nhóm ví dụ truyền hồng cầu A, B hay AB cho người nhóm O. Kháng thể miễn dịch xuất hiện 8 - 15 ngày sau truyền.

+ Miễn dịch khác loài: khá phổ biến như đã nêu trên, khi tiếp xúc với các sinh phẩm nguồn gốc động vật, chất chiết từ dạ dày lợn, các huyết thanh (kháng bạch hầu, uốn ván) từ ngựa (giàu chất A) cơ thể sẽ sinh kháng thể miễn dịch.
Các kháng thể miễn dịch (nhất là chống A) thường gặp ở người nhóm O, những người này có hiệu giá kháng thể cao hơn nhiều nên nếu không cẩn thận phát hiện mà truyền cho người nhóm A sẽ gây nguy hiểm. Những người nhóm O đó gọi là người cho nguy hiểm, không thể là người cho máu phổ thông.

- Tính chất của kháng thể miễn dịch chống A và chống B
+ Bản chất là IgG, qua được hàng rào rau thai.
+ Có thể kết hợp bổ thể và gây tan máu.
+ Hoạt động tốt ở 370C, không bị huỷ ở 700C, khó bị trung hoà bởi các chất kháng nguyên hoà tan.

2.3. Những chất giống kháng thể

- Trong tự nhiên có những protein cấu trúc đơn giản có khả năng làm ngưng kết hồng cầu:
+ Chất chống A1 từ đậu Dolichos biflorus: làm ngưng kết rất mạnh hồng cầuA1 và A1B, ngưng kết rất yếu hồng cầu A2 và không ngưng kết hồng cầu A2B, không phản ứng với hồng cầu B và O.
+ Chất chống H lấy từ cây Ulex europoeus, ngày nay lấy từ huyết thanh một loại lươn nước lợ, chất này gây ngưng kết rất mạnh hồng cầu O.


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - nhimxu - 05-12-2014

e có một thắc mắc nhỏ như thế này.e được biết khi bị ung thư thi thoảng nhóm máu có thể bị thay đổi đúng k ạ? và tại sao lại như vậy?


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - tuyenlab - 05-12-2014

(05-12-2014, 01:18 AM)nhimxu Đã viết: e có một thắc mắc nhỏ như thế này.e được biết khi bị ung thư thi thoảng nhóm máu có thể bị thay đổi đúng k ạ? và tại sao lại như vậy?

Tính chất kháng nguyên là ổn định. Tuy nhiên người ta thấy kháng nguyên A yếu đi ở những người già. Trong một số trường hợp bệnh lý như một số lơ xê mi cấp, thiếu máu không phục hồi, u lympho thì có hiện tượng hồng cầu A mất tính ngưng kết với kháng thể chống A của người nhóm B và O. Trường hợp bệnh lơ xê mi có biến động kháng nguyên thì khi lui bệnh kèm phục hồi tính kháng nguyên, khi tái phát kháng nguyên lại biến động. Điều này có thể do đột biến gen chỉ đạo tổng hợp KN ABH ở nguyên hồng cầu.


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - HuongMew1011 - 05-22-2014

Em xin được hỏi là: Làm thế nào để có thể phân biệt rõ hơn về nhóm máu A2 và A yếu ạ? Nếu đọc như bài giảng trên thì em thấy 2 nhóm máu này có tính chất tương tự nhau và khó phân biệt rõ ràng ạ Sad


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - nhimxu - 05-25-2014

thầy cho e hỏi phản ứng ngưng kết hồng cầu diễn ra cụ thể như thế nào ạ? e vẫn chưa thực sự hiểu lắm


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - vannguyenxn04 - 04-10-2018

Thầy ơi, em có đọc tài liệu thì thấy kháng thể chống A,B tự nhiên có thể phản ứng được trong môi trường nước muối. Thầy có thể giải thích giúp em được không ạ?


RE: [LT] Kháng nguyên - kháng thể hệ nhóm máu ABO - tuyenlab - 04-10-2018

(04-10-2018, 11:48 AM)vannguyenxn04 Đã viết: Thầy ơi, em có đọc tài liệu thì thấy kháng thể chống A,B tự nhiên có thể phản ứng được trong môi trường nước muối.  Thầy có thể giải thích giúp em được không ạ?

Chống A,B là Anti A, Anti B. Tự nhiên là kháng thể sinh ra đã có sẵn và có bản chất IgM. Có thể phản ứng được trong môi trường nước muối tức là kháng thể tự nhiên này có thể gây ngưng kết với hồng cầu mang kháng nguyên tương ứng trong môi trường nước muối (là nước muối sinh lý dùng để pha loãng hồng cầu). 
Ví dụ Anti A- IgM (tự nhiên) gây ngưng kết với Hồng cầu A (10%, 5%...) trên đá men hoặc ống nghiệm.