[Đê tài]Nghiên cứu một số chỉ số đông máu ở bệnh nhân Dengue xuất huyết... - Phiên bản có thể in +- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan) +-- Diễn đàn: ...:::THƯ VIỆN SÁCH - GIÁO TRÌNH - TÀI LIỆU:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-29.html) +--- Diễn đàn: Đề tài Nghiên cứu khoa học (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-217.html) +---- Diễn đàn: Đề tài Y học (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-125.html) +---- Chủ đề: [Đê tài]Nghiên cứu một số chỉ số đông máu ở bệnh nhân Dengue xuất huyết... (/thread-775.html) |
[Đê tài]Nghiên cứu một số chỉ số đông máu ở bệnh nhân Dengue xuất huyết... - tuyenlab - 10-02-2012 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI ĐỖ ĐỨC THẮNG NGHIÊN CỨU MỘT SỐ CHỈ SỐ ĐÔNG MÁU Ở BỆNH NHÂN DENGUE XUẤT HUYẾT TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN KỸ THUẬT Y HỌC Khoá học 2006 - 2010 HÀ NỘI- 2010 ĐẶT VẤN ĐỀ Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD) là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên, virus này thuộc chi Flavivirus. Virus Dengue có 4 týp huyết thanh là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4[1],[3],[15],[22],[27]. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa. Đặc điểm của sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong[1],[7],[11],[24],[39],[40]. Từ khi xuất hiện SD/SXHD là nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng ở những vùng nhiệt đới trên thế giới. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế. Đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, đã xuất hiện sau chiến tranh thế giới thứ II với một đại dịch và sau đó đã lan rộng ra toàn cầu. Trên thế giới ước tính có khoảng 2,5- 3 tỷ người sống trong vùng dịch, tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 50- 100 triệu người mắc bệnh[2],[4],[22],[24]. Ở Việt Nam, những trường hợp mắc SD/SXHD lần đầu tiên được phát hiện ở miền Bắc vào năm 1958 (còn ở miền Nam vào năm 1960), ở miền Bắc là một vụ dịch rất lớn ở 29 tỉnh miền Bắc với 182.173 bệnh nhân mắc, chỉ số mắc cao 900/100.000 dân (Bùi Đại & Nguyễn Châu, YHVN- 2/1961). Từ đó bệnh SD/SXHD xuất hiện đều đặn hàng năm và thường bùng nổ thành dịch theo chu kỳ 3-5 năm, Việt Nam là một trong những nước có bệnh dịch lưu hành nặng nhất. Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà cả vùng nông thôn, nơi có muỗi vectơ truyền bệnh. Năm 1998, trên toàn quốc bùng nổ vụ dịch lớn, số mắc bệnh và tử vong cao (mắc: 234.920 người, tử vong 377) (số liệu của Viện VSDT). Bệnh SD/SXHD ở Việt Nam phát triển theo mùa và cũng có sự khác biệt giữa các miền: miền Bắc: bệnh thường xảy ra nhiều từ tháng 7 đến tháng 9. Miền Nam và miền Trung, bệnh SD/SXHD xuất hiện quanh năm và tần số mắc bệnh nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 10. ở miền Nam, nơi có bệnh lưu hành cao nên lứa tuổi mắc bệnh phần lớn là trẻ em (95%)[2],[5],[8],[22],[24]. Cho đến nay có rất nhiều tác giả nghiên cứu thuộc các chuyên khoa khác nhau về SD/SXHD ở trong nước cũng như ngoài nước như: Hanstead.SB, Kuran I, Nath.B, Brukke, Đỗ Văn Bình, Bùi Đại, Lê Đăng Hà, Nguyễn Ngọc Lanh, Lê Hồng Hinh...Các công trình nghiên cứu chủ yếu tập chung vào dịch tễ học, virus học, các hội chứng lâm sàng...Trong sinh bệnh học của SD/SXHD có biểu hiện tăng tính thấm thành mạch làm cho huyết tương thoát ra ngoài thành mạch và hậu quả là cô đặc máu, giảm thể tích lưu hành gây sốc nếu thoát huyết tương quá lớn (hội chứng sốc Dengue). Ở nước ta có nhiều công trình nghiên cứu về lâm sàng và huyết học ở bênh nhân SD/SXHD, các tác giả đều nhận thấy có sự cô đặc máu, giảm thể tích tuần hoàn do thoát huyết tương, Hematocrit tăng, số lượng tiểu cầu giảm và rối loạn đông máu... Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đầy đủ và hệ thống về đặc điểm một số chỉ số đông máu cơ bản ở bệnh nhân SD/SXHD. Vì vậy chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu đề tài này nhằm các mục tiêu sau: 1. Khảo sát một số chỉ số đông máu cơ bản ở các bệnh nhân SD/SXHD trong năm 2009 tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 2. Tìm hiểu mối liên quan giữa những thay đổi ở các chỉ số đông máu cơ bản với một số chỉ số khác. Nguồn: kythuatyhoc.com
|