KỸ THUẬT TẮM SƠ SINH - Phiên bản có thể in +- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan) +-- Diễn đàn: ...::: KỸ THUẬT Y HỌC :::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-208.html) +--- Diễn đàn: Sản khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-212.html) +--- Chủ đề: KỸ THUẬT TẮM SƠ SINH (/thread-7427.html) |
KỸ THUẬT TẮM SƠ SINH - kythuatyhoc.com - 05-13-2021 TẮM SƠ SINH
I. ĐẠI CƯƠNGTắm cho trẻ sơ sinh là một chăm sóc cần thiết giúp làm sạch da và phòng chống các bệnh lý về da vốn rất hay gặp trong giai đoạn sơ sinh. II. CHỈ ĐỊNH - Trẻ sơ sinh có sức khoẻ ổn định: sau đẻ 6 giờ - Trẻ sơ sinh có mẹ HIV: tắm ngay sau khi sinh III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH - Trẻ dưới 6 giờ đầu sau đẻ. - Trẻ mắc bệnh nặng đang cần bất động, chăm sóc tại chỗ IV. CHUẨN BỊ 1. Người thực hiện Điều dưỡng, nữ hộ sinh 2. Phương tiện - Phòng tắm: ấm, đảm bảo nhiệt độ phòng tắm từ 28 – 30oC, kín không có gió lùa. - 2 chậu: 1 chậu dùng tắm, 1 chậu dùng tráng lại. - Nước tắm: dùng nước sạch, đổ nước nguội vào chậu trước, nước nóng sau. Nhiệt độ nước tắm thích hợp khoảng 37oC. - Xà phòng (sữa tắm), dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh. - 2 khăn tắm to; 2 khăn tay nhỏ bằng vải mềm. - Mũ; bao tay, bao chân, quần áo, bỉm, khăn quấn trẻ. - Bông; cồn, dung dịch betadin nếu rốn chưa rụng. 3. Trẻ sơ sinh - Tình trạng ổn định. - Tắm trước bữa ăn. 4. Hồ sơ bệnh án - Ghi ngày giờ trẻ được tắm. - Tình trạng trước, sau khi tắm. V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 1. Nguyên tắc - Rửa tay trước khi tắm cho mỗi trẻ. - Tránh hạ thân nhiệt: phòng tắm và nước tắm ấm, tắm từng phần và lau khô ngay vùng đã tắm, giữ ấm trẻ ngay sau tắm. - Trình tự tắm: vùng sạch trước, vùng bẩn sau. - Chỉ nên đặt trẻ vào chậu nước khi rốn đã rụng. - Tránh làm ướt da vùng đang lưu kim, vết mổ. - Dụng cụ sạch dành riêng cho mỗi trẻ. 2. Các bước tắm Bước 1: Cởi bỏ toàn bộ quần áo, mũ, bao tay, bao chân của trẻ, sau đó quấn trẻ trong 1 khăn tắm sạch, ấm. Bước 2: Bế trẻ trên tay đúng tư thế: cánh tay đỡ lưng, bàn tay đỡ đầu. Bước 3: Rửa mặt theo thứ tự: mắt, mũi, tai mồm: - Dùng bông nhúng vào nước sạch lau nhẹ mắt từ góc trong của mắt ra ngoài sau đó lấy cục bông khác lau tiếp mắt bên kia theo trình tự tương tự. - Sau đó dùng 1 khăn tay nhỏ bằng vải mềm lau mặt từ giữa dọc theo mũi ra 2 bên tai, tránh đưa sâu vào trong tai, chú ý lau kỹ vùng sau tai và nếp gấp cổ. Bước 4: gội đầu: làm ướt tóc, xoa xà phòng (dầu gội đầu) từ trước ra sau đầu trẻ. Dùng nước gội sạch, lau khô ngay đầu trẻ. Bước 5: tắm trẻ: tắm từng phần hoặc tắm toàn thân tuỳ thuộc rốn chưa rụng hoặc đã rụng. Nếu tắm từng phần thì che ấm phần chưa tắm, phần nào tắm xong được lau khô ngay. Cả 2 ca đều theo thứ tự sau: - Tắm cổ, nách, cánh tay, ngực, bụng. - Tắm lưng, mông, chân. - Tắm bộ phận sinh dục. Bước 6: lau khô toàn thân. Bước 7: mặc áo, quấn tã, giữ ấm. Bước 8: chăm sóc rốn nếu cuống rốn chưa rụng (xem bài chăm sóc rốn). Bước 9: đặt trẻ vào giường, ủ ấm. Bước 10: thu dọn dụng cụ và ghi phiếu chăm sóc theo dõi. VI. THEO DÕI - Tình trạng toàn thân, chú ý thân nhiệt. - Cho trẻ ăn sữa sau khi đã hoàn thành việc tắm. VII. TAI BIẾN VÀ CÁCH ĐỀ PHÒNG 1. Bỏng Cần kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi tắm trẻ; cho nước lạnh vào chậu trước sau đó mới cho rót nước nóng vào cho tới khi đạt được nhiệt độ thích hợp để tránh không làm cho thành chậu bị nóng. 2. Hạ thân nhiệt Phòng tắm ấm, không có gió lùa; nước tắm ấm; tắm nhanh; thời gian một lần tắm không quá 10 phút. Nguồn tài liệu Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013. |