Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Quy trình chụp X quang răng cận chóp - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...::: KỸ THUẬT Y HỌC :::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-208.html)
+--- Diễn đàn: Chẩn đoán hình ảnh (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-216.html)
+--- Chủ đề: Quy trình chụp X quang răng cận chóp (/thread-7345.html)



Quy trình chụp X quang răng cận chóp - kythuatyhoc.com - 05-06-2021

Chụp X quang răng cận chóp
I. ĐẠI CƯƠNG
Chụp phim răng cận chóp hay chụp phim sau huyệt ổ răng là kỹ thuật chụp thông dụng và thiết yếu của chuyên khoa răng hàm mặt. Kỹ thuật này cho phép thăm khám một cách chi tiết và rõ nét nhất về hình thái và cấu trúc một răng cùng các cấu trúc lân cận nó (bao gồm tổ chức quanh răng và tổ chức quanh chóp).
Dựa trên nguyên lý chung của chụp X quang thường quy với hai nguyên tắc chụp thường được áp dụng là nguyên tắc song song và phân giác. Trong nguyên tắc song song thì mặt phẳng đi qua trục răng và mặt phẳng phim nằm song song với nhau, hướng tia trung tâm cùng vuông góc với hai mặt phẳng này.
Nguyên tắc này đảm bảo hình thái và kích thước thật của răng cần chụp. Trong nguyên tắc phân giác thì mặt phẳng đi qua trục răng và mặt phẳng phim tạo thành một góc nhị diện, hướng tia trung tâm s vuông góc với mặt phân giác của góc nhị diện này. Chụp phim cận chóp theo phương pháp này sẽ có nhiều sai số hơn so với kỹ thuật song song.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Bác sỹ chuyên khoa
– Kỹ thuật viên điện quang
2. Phương tiện
– Máy chụp X quang chuyên dụng
– Phim, cát – xét, hệ thống lưu trữ
3. Người bệnh
Tháo bỏ vật dụng kim loại trên vùng đầu mặt cổ nếu có ảnh hưởng đến kỹ thuật
4. Phiếu chỉ định
Chỉ định chụp phim và đọc kết quả
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Khởi động máy chụp
– Lựa chọn thông số phù hợp với răng cần chụp và lựa chọn kích cỡ phim phù hợp với người bệnh, kích thước phim thường dùng với người trưởng thành là 3,2×4,1cm.
– Nếu chụp theo nguyên tắc song song thì cần chuẩn bị dụng cụ giữ phim trong miệng người bệnh.
2. Hướng dẫn người bệnh ngồi vào ghế chụp
– Lưng thẳng, mặt phẳng cắn nằm song song với mặt sàn. Bảo người bệnh nuốt nước bọt.
– Đặt phim trong miệng người bệnh tại vị trí răng cần chụp (bằng dụng cụ giữ phim hoặc hướng dẫn người bệnh phối hợp giữ bằng ngón tay).
3. Đặt vị trí tia trung tâm
– Khu trú vào vị trí răng cần chụp.
– Hướng tia trung tâm: chếch lên hoặc chếch xuống so với mặt phẳng sàn cho từng nhóm răng như sau: nhóm răng cửa trên (+40 độ), nhóm răng nanh trên (+45 độ), nhóm răng hàm nhỏ trên (+30 độ), nhóm răng hàm lớn trên (+20 độ), nhóm răng hàm lớn dưới (-5 độ), nhóm răng hàm nhỏ dưới (-10 độ), nhóm răng nanh dưới (-20 độ), nhóm răng cửa dưới (-15 độ).
4. Thực hiện chụp
– Kỹ thuật viên vào buồng điều khiển, ấn và giữ nút phát tia để tiến hành chụp phim theo các thông số đã lựa chọn.
– Lấy phim trong miệng người bệnh và tiến hành rửa phim.
IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
– Phim chụp phải lấy được hình ảnh đầy đủ của răng cần chụp và tối thiểu hai răng kề bên.
– Hình ảnh răng chụp phải rõ nét và không biến dạng
V. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Một số sai sót có thể phải thực hiện lại kỹ thuật như: không giữ bất động trong quá trình chụp phim, định vị hướng tia trung tâm không đúng làm hình ảnh răng chụp bị biến dạng hoặc không lấy được đầy đủ hình ảnh của răng cần chụp.
Nguồn tài liệu:
  • Quyết định 25/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp”, Bộ Y tế, 2013.