Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Quy trình đỡ đẻ ngôi mông - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...::: KỸ THUẬT Y HỌC :::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-208.html)
+--- Diễn đàn: Sản khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-212.html)
+--- Chủ đề: Quy trình đỡ đẻ ngôi mông (/thread-7331.html)



Quy trình đỡ đẻ ngôi mông - kythuatyhoc.com - 05-06-2021

ĐỠ ĐẺ NGÔI MÔNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Ngôi mông là một ngôi đẻ khó, nhưng vẫn có thể đẻ đường dưới được. Ngôi mông có tần suất 2 – 6% trong tổng số các cuộc chuyển dạ. Ngôi mông có tỷ lệ rất cao ở các ca đẻ non.
II. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Chỉ định
Có thể lựa chọn cho đẻ đường âm đạo dưới các ca sau:
–   Ngôi mông hoàn toàn hoặc không hoàn toàn kiểu mông.
–    Tuổi thai > 34 tuần.
–    Trọng lượng thai dự đoán 2500 -3000g.
–    Đầu thai nhi cúi tốt.
–   Khung chậu người mẹ rộng (qua khám lâm sàng và siêu âm hoặc Xquang).
–    Không có chỉ định mổ lấy thai cả về phía mẹ hoặc con.
–   Biểu  hiện  của  mẹ  trong  quá  trình chuyển  dạ  thuận  lợi,  không  có  tình trạng nguy hiểm cho mẹ và con.
–    Xác định các dị tật có thể làm thai chết.
2. Chống chỉ định
2.1. Chống chỉ định về phía mẹ:
–    Bất thường khung chậu.
–    Có khối u tiền đạo.
–    Có sẹo mổ cũ ở tử cung.
–    Tổn thương ở vùng chậu và tầng sinh môn.
–    Các bệnh lý của mẹ lúc mang thai (đái đường, cao huyết áp…)
–    Các bệnh lý tim mạch, suy hô hấp.
2.2. Chống chỉ định do phần phụ của thai:
–    Rau tiền đạo.
–    Đa ối.
–    Dây rốn ngắn hoặc dây rốn quấn cổ.
2.3. Chống chỉ định về phía thai:
–    Suy thai mãn.
–    Đầu ngửa nguyên phát.
–    Đẻ non, thai 1500-2500 gr.
–    Trọng lượng thai dự đoán > 3000gr.
–    Thai già tháng.
–    Đa thai có hơn 1 thai là ngôi mông.
III. ĐIỀU KIỆN
Đỡ đẻ ngôi mông đường âm đạo được thực hiện do một người có kinh nghiệm sẽ an toàn và khả thi với những điều kiện sau đây:
–   Ngôi mông hoàn toàn hoặc ngôi mông không hoàn toàn.
–   Khung chậu bình thường.
–   Thai nhi không quá lớn.
–   Không có sẹo mổ cũ ở tử cung.
–   Đầu thai cúi tốt.
–   Khám sản phụ thường xuyên và ghi lại quá trình chuyển dạ trên biểu đồ chuyển dạ.
–   Nếu ối vỡ, khám sản phụ ngay lập tức để loại trừ sa dây rốn.
Lưu ý:
– Không được bấm ối.
– Nếu có sa dây rốn và cuộc đẻ không xảy ra ngay lập tức, chỉ định mổ lấy thai.
– Nếu nhịp tim thai bất thường (<100 hoặc >180 lần/phút) hoặc chuyển dạ kéo dài, chỉ định mổ lấy thai.
– Phân su thường gặp trong ngôi mông và đó không phải là dấu hiệu suy thai nếu nhịp tim thai bình thường.
– Sản phụ không được rặn cho đến khi cổ tử cung mở hết. Phải khám âm đạo để xác định cổ tử cung mở hết.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Một kíp đỡ đẻ ngôi mông cần có từ 3 – 4 người.
– Chỉ nên cho đẻ đường âm đạo ở những nơi có điều kiện phẫu thuật và hồi sức sơ sinh tốt.
– Khi quyết định cho đẻ đường âm đạo trong ngôi mông, nên chọn bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm đỡ đẻ ngôi mông.
– Một người gây mê có khả năng hồi sức sơ sinh hoặc triển khai nhanh cuộc mổ cấp cứu.
– Có sẵn kíp gây mê, bác sĩ nhi khoa để hỗ trợ khi cần.
2. Phương tiện dụng cụ
– Một bộ khăn vải vô trùng (04 cái).
– Găng tay vô khuẩn (04 đôi).
– Dung dịch Glucose 5%, Glucose 10%, Bicarbonate natri 4,2%.
– Dây truyền dịch (01 bộ).
– Thuốc Oxytocin 5 đơn vị (2 – 4 ống), thuốc tê Lidocain 2%.
– Bơm tiêm (03 cái).
– Dung dịch sát trùng Povidine 10% (50ml).
– Ống thông bàng quang 01 cái.
– Forcep Piper để lấy đầu hậu.
– Hộp dụng cụ cắt – khâu TSM.
– Hộp dụng cụ đỡ đẻ.
– Máy hút dịch.
– Ống hút nhớt trẻ sơ sinh (01 cái).
– Dụng cụ và thuốc hồi sức sơ sinh (01 hộp).
3. Sản phụ
Sản phụ phải được tư vấn về thuận lợi và nguy cơ của sinh ngôi mông đường âm đạo, cách rặn đẻ để phối hơp với bác sĩ trong quá trình rặn sổ thai. Lựa chọn đẻ đường âm đạo khi có các điều kiện sau:
– Cổ tử cung đã mở hết.
– Cơn co tử cung phải hiệu quả, không có nguy cơ gián đoạn chuyển dạ.
– Luôn luôn theo dõi, kiểm tra chuyển dạ ngay khi có sự xoá mở cổ tử cung.
– Chuẩn bị sẵn forceps để lấy thai khi cần thiết.
4. Hồ sơ bệnh án
Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án sản khoa và các xét nghiệm cơ bản, siêu âm để có thể chuyển sang mổ cấp cứu khi cần.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Giai đoạn cho sản phụ rặn đẻ chỉ được tiến hành khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Cổ tử cung đã mở hết và ngôi thai đã xuống sát với tầng sinh môn.
– Chỉ cho sản phụ rặn khi có cơn co tử cung.
– Đảm bảo cơn co tử cung có hiệu quả, truyền nhỏ giọt Oxytocin có hệ thống từ lúc bắt đầu cho sản phụ rặn.
– Cắt tầng sinh môn chủ động có hệ thống khi tầng sinh môn giãn căng.
– Không dùng bất cứ một thủ thuật nào khi sổ thai cho tới khi xuất hiện đỉnh của xương bả vai thai nhi.
1. Đỡ đẻ
* Đỡ đẻ ngôi mông theo phương pháp Vermelin
– Để thai nhi sổ tự do do sự kết hợp của cơn co tử cung và sức rặn của mẹ.
– Khi mông hoặc chân chuẩn bị sổ thì cắt tầng sinh môn.
– Trải một khăn vải ở dưới tầng sinh môn.
– Khi thai sổ đến bụng, người đỡ đẻ luồn ngón tay nới lỏng dây rốn.
– Đẩy trên bụng mẹ ở phía đáy tử cung.
– Giúp cho đầu hậu sổ kịp thời tránh cho trẻ hít phải nước ối.
– Người thầy thuốc sản khoa là người quan sát tích cực, không vội vã, càng ít đụng chạm vào thai nhi càng tốt.
* Đỡ đẻ ngôi mông theo phương pháp Sôvianốp ngôi mông không hoàn toàn).
– Khi mông sổ hai bàn tay người đỡ đẻ ôm lấy đùi và hông thai, các ngón cái ở phía đùi các ngón khác phía xương cùng.
– Trong cơn rặn hướng cho khối thai ra trước và giữ cho chi dưới của thai luôn áp sát vào bụng và ngực.
–   Khi sổ vai tiêm thuốc Oxytocin.
– Giúp sổ đầu hậu đồng thời hướng thai ra trước cho lưng thai sát vào phần trước âm hộ, lật ngửa thai lên bụng mẹ cho sổ đầu (giống như thủ thuật Bracht).
* Đỡ đẻ ngôi mông hoàn toàn theo phương pháp Sôvianốp:
– Giữ không cho chân và mông không sổ sớm: dùng gạc lớn đặt trước âm hộ và lấy lòng bàn tay đè lên gạc trong cơn co.
– Hướng dẫn sản phụ rặn thật tốt.
– Thời gian giữ từ vài phút đến 15 – 20 phút cho tới khi tầng sinh môn  giãn hết mức.
– Lúc không thể giữ nữa và bắt đầu cho rặn sổ.
– Các động tác đỡ thai khác tuần tự được tiến hành như khi đỡ ngôi mông theo đường dưới một cách tự nhiên.
2. Các thủ thuật thường dùng khi đỡ đẻ ngôi mông
2.1. Các thủ thuật đỡ đầu hậu
– Thủ thuật Bracht:
+ Người đỡ đẻ giữ thai với hai bàn tay: các ngón tay cái vào mặt trước đùi, bằng các động tác phối hợp đưa thai ra trước, lên trên và lật ngửa thai lên bụng mẹ, không được lôi kéo vào thai.
+ Người đỡ phụ ấn tay vào đáy tử cung giúp cho đầu thai ra dễ dàng hơn.
+ Khi thai đã sổ qua cằm, người đỡ có thể luồn ngón tay vào miệng thai nhi giúp  đầu cúi để sổ dễ hơn.
– Thủ thuật Mauriceau:
Thủ thuật này thường chỉ định cho các sản phụ đẻ con so, thai có thể hơi to, tầng sinh môn rắn, cần tiên lượng những khó khăn và nếu thấy có chỉ định thì làm ngay thủ thuật Mauriceau. Thời điểm bắt đầu làm Mauriceau là khi vai và 2 chi trên đã sổ hẳn ra ngoài âm hộ.
Cách làm:
– Cho thai nhi cưỡi lên cẳng tay người đỡ đẻ.
– Hai ngón tay trỏ và giữa cho vào miệng của thai đến tận đáy lưỡi ấn cho cằm sát vào ngực giúp cho đầu cúi thêm.
– Bàn tay ngoài đặt trên lưng, sát vai dùng các ngón ấn vào vùng chẩm để phối hợp cùng lúc với bàn tay bên trong làm cho đầu cúi.
– Sau đó dùng các ngón bàn tay ngoài ôm lấy 2 vai và kẹp ngón trỏ – giữa ôm lấy gáy thai rồi phối hợp với tay trong kéo thai xuống, đưa đầu về chẩm – vệ, hướng thai ra ngoài lật lên phía bụng mẹ.
– Người phụ đẩy vào tử cung giúp cho đầu sổ dễ hơn.
– Cắt nới rộng tầng sinh môn
2.2. Các thủ thuật hạ tay
– Thủ thuật LOVSET
+  Khi thai nhi sổ đến mỏm xương bả vai, người đỡ đẻ đưa ngón tay lên kiểm tra xem tay thai nhi có bị giơ lên cao hay không. Nếu tay bị giơ cao thì bắt đầu ngay thủ thuật hạ tay.
+  Người đỡ đẻ nắm giữ thai nhi bằng 2 bàn tay, ngón cái ở vùng thắt lưng, lòng bàn tay ở 2 mông, các ngón tay khác ở phía bụng.
+  Thực hiện vòng quay đầu tiên 900 cho lưng thai quay sang phải để cánh tay trước của thai xuống dưới xương vệ sẽ sổ.
+  Sau đó tiến hành vòng quay thứ 2, 1800 theo hướng ngược lại để đưa tay sau ra trước, khuỷu tay sẽ xuất hiện ở âm hộ.
+  Tiếp đó thai sẽ được hạ xuống, cố định chẩm dưới khớp vệ cho đầu sổ.
– Hạ tay theo phương pháp cổ điển:
+  Bao gờ cũng phải hạ tay sau xuống trước.
+  Một bàn tay cầm chân thai nhấc lên và về phía đối diện với lưng của thai.
+  Bàn tay còn lại luồn vào âm đạo theo ngực cằm đi dần lên.
+  2 ngón tay trỏ và giữa đi dọc theo cánh tay tìm đến nếp khuỷu thì ấn vào nếp đó để cẳng tay gấp lại và bàn tay vuốt qua mặt thai nhi để đưa xuống dưới. Động tác này người ta ví như mèo rửa mặt
+  Khi tay đã xuống, vào tới âm đạo thì gỡ dần ra theo mép sau âm hộ.
+  Đối với tay trước, lại luồn tay lên làm các thao tác như trên.
+  Ca không thể luồn tay lên được thì phải xoay 1800  biến tay trước thành tay sau. Nếu tay đó chưa sổ thì làm thao tác gỡ tay sau như đã mô tả trên.
VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Nếu đầu bị ngửa hay không quay về chẩm vệ thì thời gian kéo đầu thai nhi quá lâu làm thai nhi bị ngạt hay bị sang chấn sọ não.
– Tầng sinh môn có thể bị rách rộng khi đầu thai sổ, nên cắt nới tầng sinh môn trước để thai sổ dễ dàng.
Nguồn tài liệu
  • Quyết định 1377/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ sản”, Bộ Y tế, 2013.