Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Quy trình bó bột chữ U - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...::: KỸ THUẬT Y HỌC :::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-208.html)
+--- Diễn đàn: Ngoại khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-211.html)
+--- Chủ đề: Quy trình bó bột chữ U (/thread-7314.html)



Quy trình bó bột chữ U - kythuatyhoc.com - 05-06-2021

BỘT CHỮ U
I. ĐẠI CƯƠNG
– Bột Chữ U là loại bột có hình chữ U mà 3 nét của chữ U được tạo bởi: lồng ngực, cánh tay, cẳng tay.
– Bột Chữ U giới hạn dưới cùng là khớp bàn-ngón, bó lên đến vai như 1 bột cánh cẳng bàn tay, rồi vòng qua vai và vòng quanh thành ngực (thành ngực trước và thành ngực sau) để rồi kết thúc ở nách bên đối diện. Nghĩa là, phần bột từ vai trở xuống, không khác gì 1 bột Cánh-cẳng-bàn tay, chỉ khác là có thêm 1 phần bột cố định qua lồng ngực để tăng thêm phần chắc chắn của bột.
– Tư thế bột Chữ U: khuỷu 90o, vai dạng nhẹ (khoảng 25-30o), đưa ra trước nhẹ (25-30o).
– Bột Chữ U khác với bột Ngực-vai-cánh tay ở chỗ: bột Chữ U, phần bột chạy qua lồng ngực chỉ là 1 dải bột có bề rộng không lớn lắm, còn bột Ngực-vai- cánh tay, phần bột tương ứng có bề rộng ôm lấy cả khung xương của lồng ngực (xương ức, xương sườn, cột sống). Bột Chữ U cấp cứu: rạch dọc từ nách xuống.
– Bột Chữ U được dùng bất động gẫy thân xương cánh tay (nhất là 2/3 dưới).
II. CHỈ ĐỊNH
1. Gẫy thân xương cánh tay: gẫy 1/3 giữa, 1/3 dướ
2. Gẫy kín, gẫy hở độ 1, gẫy hở độ 2 trở lên đã được XỬ TRÍ phẫu thuật

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Gẫy hở độ 2 trở lên chưa được XỬ TRÍ phẫu thuậ
2. Có thương tổn mạch máu, thần kinh hoặc theo dõi tổn thương mạch máu, thần kinh.
3. Đụng dập, sưng nề nhiều ở vai, cánh tay, cẳng tay, bàn tay.
4. Có tổn thương ngực, đa chấn thương, chấn thương sọ não, có nguy cơ suy thở.

IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Trường hợp không gây mê: chuyên khoa xương: 3 người (1 chính, 2 phụ)
– Với người bệnh gây mê: cần chuyên khoa gây mê hồi sức: 2 (1 gây mê, 1 phụ mê).
2. Phương tiện
– Một bàn nắn thông thường, bàn như kiểu bàn mổ là tốt nhất. Nếu không có thì dùng bàn gỗ hoặc bàn sắt, nhưng phải được cố định chắc xuống sàn nhà, phải có mấu ngang để mắc đai đối lực khi kéo nắn.
– Cần thêm 1 ghế đẩu, để người bệnh ngồi khi bó bột (với người bệnh gây mê thì ghế này dùng để kê đầu người bệnh, nằm bó bột).
– Nếu người bệnh gây mê, cần thêm 1 nẹp gỗ hoặc nẹp kim loại, to bản, mỏng, nhưng đủ độ cứng để đỡ lưng người bệnh khi nằm ngửa bó bột.
– Một đai đối lực: bằng vải mềm, dai, to bản (như kiểu quai ba lô) để tránh gây sây sát da người bệnh khi kéo nắn.
– Thuốc tê hoặc thuốc mê: tùy thuộc người bệnh là trẻ em hay người lớn, tùy trọng lượng cơ thể người bệnh. Kèm theo là dụng cụ gây tê, gây mê, dụng cụ hồi sức (bơm tiêm, dịch truyền, dây truyền dịch, cồn 70o, thuốc chống shock, mặt nạ bóp bóng, đèn nội khí quản…).
– Bột thạch cao: với người lớn cần 5-6 cuộn cỡ 10- 12 cm và 3-4 cuộn cỡ 15 cm.
– Giấy vệ sinh, bông cuộn lót. Lưu ý, nếu dùng giấy vệ sinh có thể gây dị ứng da người bệnh.
– Dây rạch dọc (dùng cho bó bột cấp cứu, khi tổn thương 7 ngày trở về): thường dùng 1 đoạn băng vải có độ dài phù hợp, vê săn lại cho chắc, không cần dây chuyên dụng.
– Dao hoặc cưa rung để rạch dọc bột: nếu dùng dao, dao cần sắc, nhưng không nên dùng dao mũi nhọn, để đề phòng cắt phải da người bệnh. Nếu dùng cưa rung rạch dọc bột: cần chờ cho bột khô hẳn mới làm, vì cưa rung chỉ làm đứt các tổ chức khô cứng. Cần cẩn thận những nơi có mấu xương ở dưới da có thể tổn thương khi dùng cưa rung (như mắt cá, xương bánh chè).
– Nước để ngâm bột: đủ số lượng để ngâm chìm 3-4 cuộn bột 1 lúc, nước phải sạch sẽ để khỏi nhiễm bẩn cho da và các vết thương, nước phải được thay thường xuyên. Mùa đông, phải dùng nước ấm tránh cảm lạnh cho người bệnh.
– Một cuộn băng vải hoặc băng thun để băng ngoài bột khi bột bó xong.
3. Người bệnh
– Được thăm khám toàn diện, tránh bỏ sót tổn thương, nhất là các tổn thương lớn có thể gây tử vong (chấn thương sọ não, chấn thương ngực, vỡ tạng…).
– Được giải thích kỹ mục đích thủ thuật, quá trình tiến hành thủ thuật để người bệnh yên tâm và phối hợp tốt với thầy thuốc. Với trẻ em cần giải thích cho bố mẹ hoặc người thân, người bảo hộ hợp pháp.
– Được vệ sinh sạch sẽ vùng định bó bột, cởi hoặc cắt bỏ áo bên tay gẫy.
– Với người bệnh gây mê: cần dặn nhịn ăn ít nhất 5-6 giờ, để tránh nôn hoặc hiện tượng trào ngược.
4. Hồ sơ
– Cần ghi rõ ngày giờ bị tai nạn, ngày giờ bó bột, tình trạng thăm khám toàn thân, cách xử trí, những điều dặn dò và hẹn khám lại.
– Với người bệnh gây mê, cần có tờ cam kết chấp nhận thủ thuật.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH BÓ BỘT
Chỉ mô tả cách bó bột (cách nắn, xem bài điều trị nắn gẫy xương cánh tay, song về sơ bộ việc nắn xương cánh tay người ta cũng không chú trọng đến kết quả sửa chữa di lệch chồng cho lắm, vì xương cánh tay có bị ngắn 1 chút cũng không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và cơ năng, nhưng quan trọng nhất là giữ trục cho tốt.
Có 2 cách bó bột Chữ U, tùy thuộc người bệnh được gây mê hay không.
1. Không gây mê (gẫy không lệch, ít lệch, gây tê nắn): người bệnh ngồi bó bộ
– Thì 1: bó bột Cánh-cẳng-bàn tay, nẹp bột tăng cường phải đủ dài, ôm lên vai.
+ Người bệnh: nằm trên bàn, nắn xương xong thì bó bột Cánh-cẳng-bàn tay cho người bệnh, tương tự như bó 1 bột Cánh-cẳng-bàn tay thực thụ.
+ Trợ thủ 1: 1 tay đỡ ở bàn tay, 1 tay đỡ dưới khuỷu và kéo giữ cánh tay theo trục của nó để người nắn chính tiến hành bó bột.
+ Trợ thủ 2: ngâm và vớt bột, chạy ngoài( giúp việc).
+ Người nắn chính: tiến hành bó bột cho người bệnh như bó bột Cánh- cẳng-bàn tay ôm vai: đặt dây rạch dọc phía trước cánh-cẳng-bàn tay, quấn giấy hoặc bông lót, đặt nẹp bột phía sau cánh-cẳng-bàn tay, quấn bột từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên theo kiểu xoáy trôn ốc dến khi đủ độ dày, bó đến đâu xoa vuốt bột đến đó cho bột liên kết tốt. Rạch dọc bột (nếu bột cấp cứu), tư thế khuỷu 90o.
– Thì 2: bó tiếp bột ở vùng ngực: nhẹ nhàng đỡ người bệnh ngồi trên 1 ghế đẩu.
+ Người bệnh: ngồi ngay ngắn, nhìn thẳng, tay lành đưa lên đầu hoặc sau gáy.
+ Trợ thủ 1: 2 tay đỡ khuỷu và bàn tay bột, đưa nách người bệnh hơi dạng.
+ Trợ thủ 2: giúp việc (ngâm bột, vớt bột, chạy ngoài).
+ Kỹ thuật viên chính:
  • Rải 1 nẹp bột khổ lớn và đủ dài (đo trước), làm sao đủ vòng qua nách đối diện, 2 đầu còn đủ dài để vắt chéo lên vai bên bó bột. Ngâm nhanh, vắt ráo bột, vuốt phẳng, luồn qua nách đối diện, 2 đầu nẹp bột được bắt chéo lên phần bột ôm vai của bột đã bó ở thì 1.
  • Dùng 2 nẹp bột cỡ nhỏ, 1 để tăng cường ở trước vai, 1 để tăng cường ở sau nách, chỗ nối nhau của bột 2 thì. Vuốt và xoa để bột 2 thì liên kết tốt với nhau.
  • Dùng những cuộn bột còn lại bó tăng cường cho phần bột bó ở thì 2, đặc biệt chỗ gặp nhau của 2 thì bột. Xong rồi, chỉnh trang xoa vuốt cho bột nhẵn và đẹp.
2. Có gây mê
– Thì 1: tương tự như trường hợp không gây mê.
– Thì 2: gây mê, người bệnh không ngồi để bó bột được, mà phải nằm. Sau khi bó xong thì 1, đỡ người bệnh cho giải phóng toàn bộ phần ngực và cổ bằng cách dùng 1 bàn hoặc ghế có độ cao tương tự bàn nắn, kê nẹp gỗ hoặc nẹp kim loại đã được chuẩn bị, 2 đầu của nẹp đỡ cần được đặt vững chắc trên 2 bàn để đỡ lưng và cổ người bệnh, khoảng cách giữa 2 bàn tùy thuộc thể hình người bệnh. Nếu dùng bàn nắn là kiểu bàn mổ, thì quay vô lăng cho phần đuôi bàn thõng xuống dưới để giải phóng toàn bộ ngực và cổ người bệnh, cũng dùng nẹp đỡ như trên.
Việc bó bột thì 2 và liên kết bột 2 thì với nhau cũng tương tự như bó bột khi người bệnh ngồi bó vậy. Bó bột xong, bột gần khô thì rút bỏ nẹp đỡ, nắn sửa bột khỏi lồi lõm do nẹp đỡ gây ra, nhanh chóng đưa người bệnh trở về nằm trên bàn nắn như ban đầu để tiện cho việc theo dõi sau mê.
VI. THEO DÕI
– Nhẹ thì theo dõi điều trị ngoại trú.
– Nặng hoặc tay sưng nề nhiều thì cho vào viện theo dõi nội trú, kiểm tra đánh giá tình trạng của tay hàng giờ: mạch, cử động, cảm giác, màu da…
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Nếu tay sưng nề cũng nới bột từ nách trở xuống.
– Cần theo dõi cẩn thận trường hợp gây mê, nếu có triệu chứng khó thở thì phải cắt mở dọc phần bột ở ngực để tiện lợi cho việc tiến hành cấp cứu cần thiết.
Nguồn tài liệu:
  • Quyết định 199/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Ngoại khoa- chuyên khoa Nắn chỉnh hình, bó bột”, Bộ Y tế, 2014.