Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Quy trình điều trị bằng ion khí - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...::: KỸ THUẬT Y HỌC :::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-208.html)
+--- Diễn đàn: Phục hồi chức năng (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-215.html)
+--- Chủ đề: Quy trình điều trị bằng ion khí (/thread-7304.html)



Quy trình điều trị bằng ion khí - kythuatyhoc.com - 05-05-2021

ĐIỀU TRỊ BẰNG ION KHÍ
I. ĐẠI CƯƠNG
– Trong khí quyển trái đất luôn tồn tại hai loại ion khí âm (-) và dương (+) với tỷ lệ xấp xỉ nhau (ion âm / ion dương bằng 1-1,2 lần). Các ion khí nhẹ, thường là các ion âm, có nhiều ở các vùng núi cao, vùng đồng bằng hay vùng ven biển và có ảnh hưởng tốt đối với sức khỏe. Ở nơi đô thị đông người, nhà cửa ẩm thấp tối tăm, xưởng máy, đường phố ùn tắc xe cộ…số lượng ion âm ít đi, ion dương nhiều lên gấp 3-5 lần, nhất là các ion nặng (ion chất lỏng, ion chất rắn) chiếm phần lớn, vì vậy có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của con người, như làm việc chóng mệt, không tập trung tư tưởng, phản xạ chậm, rối loạn thần kinh thực vật (nhức đầu, mất ngủ, huyết áp dao động…).
– Các ion khí tự nhiên có nguồn gốc chủ yếu từ bức xạ tử ngoại của mặt trời, từ các bức xạ khác của các vì sao, phóng xạ của vỏ trái đất, sự ma sát của các dòng nước chảy trên ghềnh thác, của sóng biển đập vào bờ… Các ion khí nhân tạo sử dụng trong y học được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đơn giản và thông dụng nhất là tạo ra một trường điện thế cao một chiều (khoảng 6000 V) và cho phóng ra không khí những điện tích giống như máy tĩnh điện.
II. CHỈ ĐỊNH
– Điều chỉnh các rối loạn thần kinh thực vật có liên quan đến thay đổi thời tiết hay khi phải làm việc trong môi trường không khí không thoáng đãng, như hội chứng suy nhược thần kinh, mệt mỏi, bứt rứt, huyết áp dao động, mất ngủ, đau đầu, một số bệnh liên quan đến dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng…).
– Phòng bệnh: dùng trong các phòng làm việc đóng kín cửa, có nhiều người ở, trong xe ô tô… để cải thiện bầu không khí tù túng, giữ cho sức làm việc của cơ thể tăng thêm, có thể tập trung suy nghĩ, chú ý được lâu hơn, người tỉnh táo, phản xạ thần kinh được nhanh hơn.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định tuyệt đối, chống chỉ định tương đối với người bệnh tâm thần kích động.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện:
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu hoặc người được đào tạo chuyên khoa.
2. Phương tiện:
Máy điều trị ion khí:
– Kiểm tra máy và các thông số kỹ thuật của máy.
– Bàn đặt máy, ghế ngồi.
3. Người bệnh
– Giải thích cho người bệnh trước khi điều trị, đặc biệt trong những lần điều trị đầu tiên hay người bệnh là trẻ em, phụ nữ, người già…
– Tư thế người bệnh phải thoái mái, tốt nhất là ở tư thế ngồi hoặc nằm.
4. Hồ sơ bệnh án
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
– Người bệnh ngồi hoặc nằm thoải mái ở phía trước máy với khoảng cách thích hợp (từ 0,2 mét tới 1 mét), hít thở sâu và đều trong suốt thời gian điều trị.
– Liều lượng: thông thường sử dụng nồng độ 1-3.106 ion/cm3 với thời gian điều trị từ 5-30 phút/lần. Khi dùng với mục đích dự phòng hay chữa các bệnh mạn tính như bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, viêm tai mũi họng mạn tính… thường sử dụng nồng độ ion thấp hơn, khoảng 1-4.104  ion/cm3  với thời gian kéo dài từ 1-8 giờ.
– Ở một số nơi công cộng như phòng làm việc, phòng hồi sức cấp cứu… người ta thường đặt các thiết bị tạo ion khí phát liên tục nhằm cải thiện môi trường làm việc và hầu như không thấy tác dụng phụ.
– Hết thời gian điều trị: tắt máy và bảo quản theo quy định.
– Kiểm tra, dặn dò người bệnh.
VI. THEO DÕI
– Trong quá trình điều trị: theo dõi phản ứng và các diễn biến bất thường của người bệnh (choáng váng, chóng mặt, sợ hãi…).
– Sau khi điều trị: hỏi cảm giác của người bệnh xem có gì bất thường không? Ghi hồ sơ bệnh án.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Hầu như không có tai biến hay tác dụng phụ trong điều trị.
Nguồn tài liệu:
  • Quyết định 54/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng”, Bộ Y tế, 2014.