Diễn đàn xét nghiệm đa khoa
Hướng dẫn Thực hành tốt trong phòng xét nghiệm - Phiên bản có thể in

+- Diễn đàn xét nghiệm đa khoa (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan)
+-- Diễn đàn: ...:::XÂY DỰNG PHÒNG XÉT NGHIỆM CHUẨN:::... (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-87.html)
+--- Diễn đàn: Phòng xét nghiệm chuẩn (https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/forum-88.html)
+--- Chủ đề: Hướng dẫn Thực hành tốt trong phòng xét nghiệm (/thread-66.html)



Hướng dẫn Thực hành tốt trong phòng xét nghiệm - tuyenlab - 01-07-2012

THỰC HÀNH TỐT TRONG PHÒNG XÉT NGHIỆM Y TẾ

1. GIỚI THIỆU

Phòng xét nghiệm y tế (medical laboratory/clinical laboratory) là nơi thực hiện các xét nghiệm về sinh học, vi khuẩn, vi rút, miễn dịch, hoá học, huyết học, miễn dịch huyết học, sinh lý học, tế bào học và bệnh học. Ngoài ra, phòng xét nghiệm y tế còn có thể là nơi thực hiện những xét nghiệm khác liên quan với bệnh phẩm từ người, cho mục đích cung cấp những thông tin về chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh hoặc đánh giá tình trạng sức khoẻ của người. Mặt khác, phòng xét nghiệm y tế còn có thể hỗ trợ để điều tra về tình hình về bệnh và những định hướng điều tra thích hợp khác tiếp theo.
Do vậy, các yêu cầu về an toàn trong phòng xét nghiệm, kỹ năng thực hành của nhân viên y tế, trang thiết bị bảo hộ trong quá trình làm việc, kiểm tra định kỳ độ chính xác của dụng cụ và trang thiết bị sử dụng trong phòng xét nghiệm; quy định sử dụng sinh phẩm, hoá chất, động vật phòng xét nghiệm, xử lý rác thải y tế là những vấn đề cần được thực hiện theo đúng quy trình. Hơn thế nữa, để hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót có thể xẩy ra trong quá trình xét nghiệm, cần tuân thủ các nguyên tắc thực hành tốt trong phòng xét nghiệm với ba giai đoạn của xét nghiệm là: (1) giai đoạn trước xét nghiệm; (2) giai đoạn xét nghiệm; (3) giai đoạn sau xét nghiệm.
2. CÁC YÊU CẦU CHUNG ĐỂ THỰC HÀNH TỐT TRONG PHÒNG XÉT NGHIỆM.

2.1. Yêu cầu về an toàn sinh học

Nhân viên phòng xét nghệm cần được đào tạo về an toàn toàn sinh học, nắm vững được bảng phân loại các tác nhân sinh học. Hiểu rõ được mức độ nguy hiểm về khía cạnh an toàn sinh học, liên quan đến tác nhân gây bệnh trong các giai đoạn thực hiện của quá trình xét nghiệm.

2.2. Yêu cầu về kỹ năng thực hành của nhân viên phòng xét nghiệm

Nhân viên phòng xét nghiệm được đào tạo về kỹ thuật chuyên môn, cũng như kiến thức cần thiết khác liên quan đến việc sử dụng dụng cụ, trang thiết bị phòng xét nghệm để có thể làm chủ được dụng cụ, trang thiết bị trong quá trình thực hiện xét nghiệm. Mặt khác, nhân viên phòng xét nghiệm cần được đào tạo để có kiến thức về các quy định đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm và quản lý chất lượng phòng xét nghiệm. Trên cơ này, nhân viên phòng xét nghiệm có thể hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ được giao trong phòng xét nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

2.3. Các yêu cầu về trang thiết bị bảo hộ trong quá trình làm việc

Để phòng vệ cho người thực hiện xét nghiệm cũng như cho cộng đồng, cần phải có trang thiết bị bảo hộ cho người làm xét nghiệm phù hợp đối với từng loại tác nhân gây bệnh khác nhau. Ngoài ra, cũng cần có trang thiết bị bảo hộ để tránh các tai nạn có thể xẩy ra trong quá trình làm việc.

2.4. Kiểm tra định kỳ độ chính xác của dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong phòng xét nghiệm

Để có kết quả xét nghiệm chính xác, kỹ năng của người làm công tác xét nghiệm đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong phòng xét nghiệm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự chính xác của kết quả xét nghiệm. Sau một thời gian sử dụng, sự sai lệch của một số dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong phòng xét nghiệm có thể xẩy ra. Do vậy, việc kiểm tra định kỳ độ chính xác của dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong phòng xét nghiệm cần được thực hiện, ví dụ như việc kiểm tra định kỳ độ chính xác của pipet bán tự dộng, cân phân tích...

2.5. Các quy định về sử dụng sinh phẩm, hoá chất, động vật dùng trong phòng xét nghiệm.

Khi thực hiện xét nghiệm liên quan đến sinh phẩm,hoá chất, người là xét nghiệm cần sử dụng sinh phẩm và hoá chất theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không sử dụng lẫn lộn sinh phẩm, hoá chất của bộ sinh phẩm này lẫn với sinh phẩm và hoá chất của bộ sinh phẩm khác.

Động vật sử dụng để thực nghiệm trong phòng xét nghiệm phải là những động vật khoẻ mạnh, có xuất xứ rõ ràng về nguồn gốc, có nơi nuôi động vật xét nghiệm riêng biệt, đảm bảo các chất thải của động vật sử dụng làm thực nghiệm được xử lý đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh.

2.6. Các quy định về xử lý rác thải y tế

Rác thải y tế bao gồm mẫu bệnh phẩm loại bỏ trong quá trình xét nghiệm, chất thải trong quá trình xét nghiệm cần được phân loại và xử lý theo đúng quy định về an toàn sinh học để tránh lây lan trong phòng xét nghiệm và làm ô nhiễm trong cộng đồng.

3. CÁC GIAI ĐOẠN ĐỂ THỰC HÀNH TỐT TRONG PHÒNG XÉT NGHIỆM.


3.1. Giai đoạn trước xét nghiệm


3.1.1. Các yêu cầu của giai đoạn trước xét nghiệm

Người làm xét nghiệm cần kiểm tra phiếu yêu cầu xét nghiệm về các thông tin liên quan đến bệnh nhân và yêu cầu xét nghiệm; Nhập sổ nhận mẫu và ghi nhận các thông tin về cách thu thập, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm.

3.1.2. Quá trình cần thực hiện trước xét nghiệm


3.1.2.1. Thông tin cho người yêu cầu xét nghiệm


Thông tin cho người yêu cầu xét nghiệm bao gồm: Tên thường dùng và địa chỉ của phòng xét nghiệm; Các thành viên chủ chốt của đơn vị chịu trách nhiệm; Địa chỉ của phòng xét nghiệm; Thời gian làm việc của phòng xét nghiệm; Hướng dẫn về việc vận chuyển mẫu, bao gồm cả việc đóng gói với mẫu bệnh phẩm đặc biệt; Có thể có tư vấn và giải thích về lâm sàng; Các giới hạn về mặt thời gian trả lời kết quả xét nghiệm và các yêu cầu xét nghiệm bổ sung.

3.1.2.2. Phiếu yêu cầu xét nghiệm

Phiếu yêu cầu xét nghiệm được thiết kế chính xác và được điền đầy đủ các thông tin cần thiết để giúp cho các chuyên viên xét nghiệm có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi. Các thông tin cần thiết bao gồm: Thông tin cá nhân và nơi ở của bệnh nhân; Thời gian lấy mẫu; Loại mẫu và vị trí lấy mẫu trong cơ thế; Yêu cầu xét nghiệm; Thời gian phòng xét nghiệm tiếp nhận mẫu; Các thông tin lâm sàng liên quan; Nơi kết quả xét nghiệm được gửi tới...

3.1.2.3. Lấy mẫu và bảo quản mẫu

Chuẩn bị bệnh nhân, lấy mẫu và bảo quản mẫu một cách phù hợp là điều kiện cần thiết để thu được những kết quả xét nghiệm có giá trị. Phòng xét nghiệm cần thực hiện các quy định về lấy mẫu và bảo quản mẫu, bao gồm: Việc hoàn thành phiếu yêu cầu và khẳng định các thông tin về bệnh nhân; Việc đánh dấu mẫu chính xác hay không? Kiểm tra xem bệnh nhân đã được chuẩn bị đúng hay không? Xác định chắc chắn rằng đã lấy mẫu xét nghiệm một cách chính xác; Hạn chế các nguy cơ làm biến đổi mẫu trong quá trình lấy mẫu và bảo quản mẫu; Xử lý an toàn các dụng cụ đã được sử dụng để lấy mẫu; Các mẫu bệnh phẩm nguy hiểm phải được đánh dấu xác nhận rõ ràng và được tiến hành xét nghiệm cũng như xử lý chính xác; Các mẫu bị đổ hoặc các dụng cụ vỡ phải được xử lý an toàn; Hạn chế những nguy cơ có thể xẩy ra để đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu, người vận chuyển mẫu, cho cộng đồng nói chung và cho phòng xét nghiệm tiếp nhận mẫu nói riêng.

3.1.2.4. Vận chuyển mẫu xét nghiệm

Hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm cần đảm bảo chính xác về mặt thời gian, vị trí tiếp nhận mẫu và hạn chế tối đa những rủi ro đối với phòng xét nghiệm và cả cộng đồng.

Các quy định về vận chuyển mẫu xét nghiệm phải phù hợp với các luật lệ đã đề ra và đặc biệt tuân thủ theo quy chuẩn của tổ chức Y tế thế giới.

3.1.2.5. Nhận mẫu

Cần thu thập mẫu bệnh phẩm một cách hiệu quả và an toàn để xét nghiệm có thể thực hiện đúng. Do vậy, cần có quy trình nhận mẫu bệnh phẩm bao gồm các bước sau: Xác định mẫu bệnh phẩm có liên quan đến yêu cầu xét nghiệm; Ghi vào sổ phiếu yêu cầu và các thông tin về mẫu bệnh phẩm; Ghi ngày và thời gian nhận; Quy định về xử lý các mẫu bệnh phẩm cấp thiết. Trong trường hợp loại bỏ mẫu bệnh phẩm không xét nghiệm, cần đưa ra các tiêu chuẩn loại bỏ, ghi chép lại các mẫu bệnh phẩm đã loại bỏ.

3.2. Giai đoạn xét nghiệm

3.2.1. Các yêu cầu cho giai đoạn xét nghiệm

Phòng xét nghiệm cần đảm bảo thực hiện xét nghiệm theo quy trình chuẩn thức phù hợp, nhằm đạt được kết quả với độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm. Quy trình thực hiện xét nghiệm phải có tính chuẩn thức, được công nhận và được cập nhật. Các quy trình phải được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với nhân viên, theo mẫu quy định và luôn được để sẵn trên bàn làm việc để tiện tham khảo. Phòng xét nghiệm cần có danh sách các quy trình đang sử dụng, bao gồm yêu cầu mẫu bệnh phẩm ban đầu sử dụng để xét nghiệm và các yêu cầu khác đối với nơi yêu cầu xét nghiệm, các thông tin cần thiết để tham khảo.

Phòng xét nghiệm phải xây dựng kế hoạch và quy trình định kỳ rà soát, chỉnh sửa thay đổi, bổ sung nếu cần để ngày càng hoàn thiện các quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Các quy trình xét nghiệm phải được quản lý theo quy định chung của hệ thống quản lý hồ sơ.

3.2.2. Quá trình thực hiện giai đoạn xét nghiệm

Việc lựa chọn các quy trình xét nghiệm cần rõ ràng, thích hợp và được đánh giá thường xuyên bởi các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn bao gồm: Các quy trình lấy mẫu bệnh phẩm cần đạt yêu cầu để xét nghiệm và sự chấp nhận việc lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh; Các quy trình xét nghiệm trước khi đưa vào sử dụng, cần được ghi chép lại các phương pháp đã sử dụng và kết quả đạt được; Khi thay đổi quy trình dẫn đến kết quả thu được có thể thay đổi, cần giải thích trước khi đưa quy trình vào sử dụng.

3.2.3. Bảo đảm chất lượng xét nghiệm

Phòng xét nghiệm cần bảo đảm chất lượng xét nghiệm bằng cách thực hiện xét nghiệm trong một điều kiện được kiểm soát, bao gồm: Việc triển khai các quy trình tiền xét nghiệm một cách thích hợp; Các điều kiện về môi trường, thiết bị, vật liệu và hệ thống thông tin, sử dụng các quy trình đã được chấp nhận; Có sử dụng nội kiểm tra chất lượng để xác định những vấn đề sai sót có thể xẩy ra; Kiểm soát tính phù hợp của kết quả; Có tham gia các hệ thống ngoại kiểm tra để duy trì và củng cố chất lượng xét nghiệm và có quy trình nội kiểm tra chất lượng cho tất cả xét nghiệm đã được đánh giá đạt được chất lượng như yêu cầu.

3.3. Giai đoạn sau xét nghiệm

3.3.1. Yêu cầu của giai đoạn sau xét nghiệm


Sau khi đã hoàn thành xét nghiệm, việc đánh giá và ghi nhận kết quả, gửi trả kết quả đến nơi yêu cầu xét nghiệm cần tránh sai sót và chậm trễ, gây tổn hại đến uy tín của phòng xét nghiệm. Trả lời kết quả xét nghiệm cần đảm bảo đủ thông tin và được lưu trữ ở phòng xét nghiệm để tiện tham khảo hoặc tra cứu khi cần thiết.

3.3.2. Thực hiện báo cáo kết quả của giai đoạn sau xét nghiệm

Mục tiêu của phòng xét nghiệm là ghi nhận kết quả xét nghiệm vào phiếu trả lời kết quả xét nghiệm chính xác và đúng thời gian theo thời hạn đã xác định để bảo đảm hiệu quả của phòng xét nghiệm đối với nơi yêu cầu xét nghiệm. Việc trả lời kết quả có thể bằng phiếu trả lời kết quả; Trả lời qua diện thoại.

3.3.2.1. Báo cáo bằng văn bản

Phương pháp cơ bản để chuyển giao kết quả cho người yêu cầu xét nghiệm là viết phiếu trả lời kết quả.Phiếu trả lời kết quả phải rõ ràng, không mập mờ, chứa đựng đầy đủ các thông tin để người yêu cầu xét nghiệm có thể hiểu được kết quả xét nghiệm. Phiếu trả lời kết quả cần đưa các thông tin sau như: Tên phòng xét nghiệm;Thông tin về bệnh nhân;Tên cơ sở (người) yêu cầu xét nghiệm/hoặc địa chỉ để gửi phiếu trả lời kết quả;Loại mẫu bệnh phẩm, ngày và giờ thu thập mẫu bệnh phẩm;Thời gian và ngày viết phiếu trả lời kết quả;Kết quả, bao gồm nguyên nhân không xét nghiệm (nếu có).

3.3.2.2. Báo cáo qua điện thoại

Phòng xét nghiệm thường được yêu cầu thông báo kết quả qua điện thoại cho người yêu cầu xét nghiệm. Phương pháp này cần được thực hiện rõ ràng nhằm giảm thiểu nguy cơ sai sót. Nếu trả lời kết quả qua điện thoại, cần ghi chép lại các thông tin sau: Tình huống thông báo kết quả; Giới thiệu tên người thông báo kết quả; Tên người cần nhận kết quả; Cách xác định bệnh nhân giữa người thông báo và người nhận kết quả; Có bằng chứng khẳng định kết quả đã được thông báo cho đúng người, đúng nơi,

3.3.2.3. Thay đổi phiếu trả lời kết quả

Việc thay đổi phiểu trả lời kết quả được yêu cầu đối với phòng xét nghiệm để thực hiện khi cần thiết. Tuy nhiên, cần tuân thủ các bước sau: Có tiêu chuẩn để thực hiện việc thay đổi phiếu trả lời kết quả; Có nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện thay đổi phiếu trả lời kết quả; Thông báo cho người yêu cầu xét nghiệm biết về sự thay đổi phiếu trả lời kết quả; Ghi chép lại việc thay đổi phiếu trả lời kết quả; Nguyên nhân cần thay đổi.

3.3.3. Tư vấn lâm sàng và giải nghĩa

Việc giải nghĩa kết quả xét nghiệm phải đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người yêu cầu xét nghiệm. Giải nghĩa ghi trên phiếu kết quả cần rõ ràng, súc tích và không mập mờ. Chỉ những người đã được đào tạo và có thẩm quyền mới được tư vấn lâm sàng và đưa ra những nhận xét giải nghĩa kết quả xét nghiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

International standard ISO 15189. 2007 (E). Published in Switzerland.
Laboratory Biosafety manual, Third edition. World Health organization 2004.
Clinical Pathology Accreditation (UK) Ltd, Standard for the medical Laboratory. CPA, Version 2, September 2007.
Chi tiết bài viết download tại đây:
Trích dẫn:http://www.nihe.org.vn/uploads/Thuc%20hanh%20tot%20trong%20phong%20xet%20nghiem%20y%20te.doc